Vietnamese English
Làm gì để bảo vệ môi trường ở các KCN?

7/3/2022 8:01:00 AM

Trước những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững ở các KCN truyền thống thì hướng phát triển KCN sinh thái được coi là giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hướng đi bền vững cho các KCN

Việt Nam hiện có gần 400 KCN được thành lập, trong đó gần 300 KCN đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy khoảng 70%. Hệ thống các KCN của Việt Nam thời gian qua đã thu hút trên 10.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khoảng 10.000 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký lần lượt là 220 tỉ USD vốn FDI và 2.200 tỉ đồng, chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Các KCN truyền thống đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như năm 2015, các KCN đóng góp 38% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước thì đến cuối năm 2020, con số này là 60%. Đặc biệt, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, các KCN đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển KCN "quá nóng" thời gian qua đã gây những ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống người dân xung quanh KCN.

Làm gì để bảo vệ môi trường ở các KCN? - Ảnh 1


KCN Trà Nóc 1 & 2 là một được chuyển đổi sang hướng KCN sinh thái và đạt được
hiệu quả tích cực.

Nhằm khắc phục những bất cập của KCN truyền thống đang phải đối mặt, hướng đến phát triển ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ năm 2015 - 2019, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại 3 KCN, bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai); KCN Đình Vũ (Hải Phòng); KCN Hiệp Phước (TP.HCM).

Sau 4 năm triển khai, 72 doanh nghiệp tham gia Chương trình này đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên, tương ứng 75 tỉ đồng thông qua cắt giảm 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một số lượng đáng kể các nguyên, nhiên vật liệu khác. Chẳng hạn, khói nóng từ nhà máy sản xuất thép có thể được tái sử dụng cho các DN ngành dệt may để là ủi vải. Thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, môi trường ở khu vực dân cư lân cận cũng giảm thiểu đáng kể.

Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông Quân cho rằng, dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Cần những chính sách cụ thể hơn để phát triển KCN sinh thái

Hiện nay, xu hướng phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng như Việt Nam triển khai thông qua việc chuyển đổi và phát triển mới mô hình.

Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả hoạt động và đo lường tiến độ chuyển đổi của các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thử nghiệm về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

Làm gì để bảo vệ môi trường ở các KCN? - Ảnh 2

Mô hình KCN sinh thái là hướng đi tất yếu để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (Ảnh minh hoạ)

Ông Quân cho biết: "Để hỗ trợ, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp khu công nghiệp sinh thái và mong muốn có nhiều khu công nghiệp hoàn thành việc chuyển đổi để được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới”.

Theo đó, mục tiêu, phương pháp xây dựng và đề xuất áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái cho Việt Nam bao gồm: giới thiệu khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái; tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo quy định của Việt Nam; Phương pháp xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu và khả năng áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái.

Đồng thời, ông Quân khẳng định, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Theo đại diện UNIDO, đơn vị rất hân hạnh được đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua với nhiều hoạt động thúc đẩy xanh hóa công nghiệp, giảm thiểu tác động tới môi trường, trong đó có những dự án thúc đẩy chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng KCN sinh thái cùng với Bộ KH&ĐT và một số tỉnh, thành trên cả nước.

Các kết quả ban đầu đạt được rất đáng khích lệ, chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình KCN sinh thái. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng chính sách như Nghị định 82, dự án còn hỗ trợ áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại các KCN tham gia Dự án, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm điện, nước, nguyên nhiên liệu, hóa chất đầu vào và giảm chất thải trong quá trình sản xuất; Qua đó góp phần giảm chi phí kinh doanh, nâng cao trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, khi xây dựng bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái cần đảm bảo tính phù hợp, khả năng thực hiện và có căn cứ khoa học phù hợp với điều kiện của Việt Nam ở các khía cạnh như: môi trường, quản lý khu công nghiệp, xã hội và kinh tế, hỗ trợ giám sát, đánh giá và hỗ trợ công nhận khu công nghiệp sinh thái theo quy định...

Theo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái - Dick Van Beers chia sẻ, sau khi đánh giá về mô hình và chính sách phát triển KCN sinh thái trên toàn cầu (dựa trên phân tích số KCN sinh thái nổi tiếng hàng đầu về cộng sinh công nghiệp tại các quốc gia, điển hình là KCN Kwinana ở Úc) đã khẳng định, quy hoạch KCN sinh thái tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất do các doanh nghiệp có thể cộng sinh được với nhau sẽ được sắp xếp gần nhau để việc cộng sinh hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng cả hai bên cộng sinh công nghiệp đều phải đạt được lợi ích về hiệp đồng (cả về mặt ý nghĩa kinh tế và xã hội). Trong đó các nhà hoạch định chính sách ra các quyết định để cho các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty phát triển hạ tầng KCN triển khai thực hiện.

ThS. Phùng Thị Kim Phượng và ThS. Trần Thanh Tùng (Giảng viên Trường  Đại học Công nghiệp Hà Nội) đánh giá: Xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức do khái niệm KCN sinh thái vẫn còn  khá mới mẻ tại Việt Nam, các quy định, văn bản pháp quy về KCN sinh thái hầu như chưa có.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi một KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh sẽ gặp không ít khó khăn. Ngay cả việc định nghĩa thế nào là chất thải còn chưa nhất quán. Mặt khác, thực tế hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng chưa phù hợp nhu cầu tái sử dụng. Chưa kể một số chất thải nguy hại có thể tái sử dụng nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển đến một nơi phù hợp và phải có giấy phép.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... Những viiệc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN cũng thiếu sự tương thích so với yêu cầu liên kết cộng sinh. Khả năng cung ứng của doanh nghiệp này không tương thích với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp kia, hay có sự khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô...

Việc chuyển đổi các KCN truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng mắc về một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được. Theo các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, việc chuyển đổi này sẽ cần nhiều thời gian để đáp ứng những tiêu chí của một KCN sinh thái. Đơn cử việc điều chỉnh quy hoạch KCN để có được 25% diện tích cho cây xanh, giao thông phải mất hàng năm, thậm chí cả chục năm. Hay việc vay vốn để chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự cho công nghệ mới cũng không thể trong ngắn hạn.

Ngoài ra, những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KCN sinh thái có liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành với nhau. Theo các nhà quản lý, để thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị định 82 thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan triển khai có hiệu quả mô hình này.

Thanh Tùng

(Kinhtemoitruong)

Lượt xem : 1531