Vietnamese English
Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

3/11/2024 5:11:00 AM

Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030“ của Chính phủ mà trong đó tập trung phát triển du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho các ngành liên quan phát triển. Khi đó TP Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

 

Đà Lạt đang phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững

Lâm Đồng có tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú bởi là nơi hội tụ những yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ động, thực vật đa dạng đã tạo ra nguồn tài nguyên thiên nhiên với nhiều hồ, thác nước, đồi núi, rừng thông ngoạn mục. Cũng cần nhắc nhớ rằng, Lâm Đồng hiện có 539.403 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55%, trong đó đặc biệt có 2 vườn quốc gia là Vườn Quốc gia Cát Tiên - nằm phía Nam và Bidoup - Núi Bà - nằm ở phía Bắc của tỉnh; cùng với Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của cả nước Việt Nam, tạo nên hệ giá trị đặc biệt bởi hệ sinh thái tự nhiên của Lâm Đồng và điều này sẽ đảm bảo cho tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xanh từ nay đến năm 2030. Bên cạnh đó, Đà Lạt được mệnh danh là thành phố Festival hoa, hiện đang bắt tay vào xây dựng Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc và hướng đến thành phố Di sản của thế giới. Ngoài ra, Lâm Đồng còn là nơi hội tụ, sinh sống của 47 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” và di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”. Cùng đó, còn có 37 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh và có 32 làng nghề truyền thống, làng nghề gắn với khai thác du lịch.

Các dữ kiện nêu trên từ tài nguyên thiên nhiên độc đáo đến các di sản văn hóa sẽ bảo chứng cho Lâm Đồng đã và đang triển khai hiệu quả Quyết định số 882/TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; trong đó tập trung xây dựng TP Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, du lịch Lâm Đồng đã và đang thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển loại hình du lịch xanh được xem là chìa khóa phát triển du lịch bền vững, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, du lịch xanh còn góp phần giữ gìn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Những sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú và ngày càng có nhiều mô hình du lịch sinh thái tiêu biểu như: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Điểm du lịch thác Datanla, thác Đambri; Khu du lịch cấp tỉnh TTC World - Thung lũng Tình yêu, Rừng Madagui; Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Điểm tham quan Lang Biang... Du lịch canh nông và du lịch cộng đồng đã được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, hiện có 22 điểm du lịch canh nông đang hoạt động, đồng thời có hơn 750 đơn vị đã được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Còn các làng nghề đã thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa. Du lịch thể thao mạo hiểm hiện nay đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lâm Đồng, góp phần thu hút đông đảo du khách (đặc biệt là du khách quốc tế) đến tham quan trải nghiệm. Các sản phẩm được du khách lựa chọn bao gồm: Đu dây vượt thác, chèo thuyền kayak, đi bộ trong rừng, leo núi, leo vách đá, xe đạp địa hình, Zipline, chèo thuyền vượt ghềnh thác,... Bên cạnh đó, các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo; du lịch golf,... chất lượng ngày càng được nâng lên, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách trong nước và quốc tế. 

Theo thống kê, hiện nay Lâm Đồng có 3.068 cơ sở lưu trú với tổng số 43.647 phòng; trong đó, có 447 khách sạn từ 1 - 5 sao với tổng số 13.107 phòng (gồm 51 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 4.672 phòng); 112 khu, điểm du lịch, điểm tham quan; 3 sân golf; 79 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng. 

Nhìn lại năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 8.650.000 lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ và đạt 101,8% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 400.000 lượt (tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 160% kế hoạch năm 2023); khách nội địa ước đạt 8.250.000 lượt (tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm 2023). Khách qua lưu trú ước đạt 6.700.000 lượt (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 103,1% kế hoạch năm 2023). Chính vì thế mà Đà Lạt - Lâm Đồng là một trong 10 thành phố ở Việt Nam được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất qua công cụ tìm kiếm Google. 

Với nỗ lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm gắn với chuyển đổi số, TP Đà Lạt - Lâm Đồng đã đạt được các giải thưởng của khu vực gồm: “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN năm 2018”, thành phố thông minh Việt Nam 2021 tại lĩnh vực “Thành phố du lịch thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức và giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 tại hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” năm 2023; đặc biệt, Đà Lạt được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo Âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Lâm Đồng đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực, trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để du lịch tiếp tục là ngành kinh tế động lực của tỉnh; phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững, Lâm Đồng xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong thời gian tới, Lâm Đồng tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, các công trình trọng điểm về du lịch (Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, hồ Prenn, núi Sa Pung,...) và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh; hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Xây dựng TP Đà Lạt xanh - sạch - đẹp và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” thành thương hiệu quốc tế; phát triển ngành du lịch theo tinh thần tạo đột phá; chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng vốn có của tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2030, phát triển du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho các ngành liên quan phát triển. Xây dựng nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng. Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á với kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế và xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Xuân Trung

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn

Lượt xem : 755