Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc
bảo vệ rừng và phát triển, nhờ đó độ che phủ rừng tăng nhanh. Nước ta cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng và kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước ASEAN, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững.
Ra mắt trung tâm quan trắc tự động giám sát xả thải Formosa
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 18/5, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh chính thức ra mắt Trung tâm quan trắc tự động giám sát việc xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại KKT Vũng Áng. Phòng điều hành Trung tâm quan trắc tự động được đặt tại trụ sở của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh (đường Võ Liêm Sơn - TP Hà Tĩnh). Các dữ liệu đầu vào của trung tâm được kết nối trực tiếp từ điểm xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đến Trung tâm quan trắc tự động của Sở TN&MT với mục đích kiểm soát các
hoạt động môi trường của doanh nghiệp này.
Hiện tại, Trung tâm quan trắc tự động của Sở TN&MT giám sát 6 thông số gồm: COD (nhu cầu oxi hóa học), SS (chất rắn lơ lửng), nhiệt độ, lưu lượng, pH và tổng nitơ. Hoạt động quan trắc được thực hiện 24/24h và liên tục cập nhật 2 phút/lần. Nếu các thông số vượt ngưỡng hoặc có dấu hiệu bất thường Sở TN&MT sẽ lập tức lấy mẫu về kiểm tra. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đề nghị trung tâm đảm bảo hoạt động thông suốt, giám sát 24/24h trong bất cứ trường hợp nào và cần được hoàn thiện trong thời gian tới – theo Báo Hà Tĩnh.
Pháp thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
Quốc hội Pháp hôm 17/5 thông qua một dự luật cho phép chính phủ nước này phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống
biến đổi khí hậu. Dự luật nêu trên đã được hầu hết nghị sỹ trong quốc hội bỏ phiếu ủng hộ. Sau phiên bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội, dự luật sẽ được gửi tới Thượng viện để tiếp tục xem xét. Như vậy, Pháp là nước thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu tiên phong trong việc phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn hiện tương ấm lên toàn cầu.
Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng môi trường Pháp Segolene Royal, bày tỏ hy vọng các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu, sẽ phê chuẩn Hiệp ước này, ít nhất là trong cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối tháng 6 tới. Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris, Pháp hồi tháng 12/2015, đại diện 195 quốc gia tham dự đã thông qua Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Hiệp ước này sau đó được 175 nước ký kết tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ hồi tháng 4 vừa qua – theo VOV.
Thái Lan đóng cửa "đảo thiên đường" do du khách gây ô nhiễm
Koh Tachai, một trong những hòn đảo xinh đẹp được ví như "thiên đường du lịch" tại Thái Lan, sẽ bị đóng cửa vô thời hạn do lượng du khách quá đông gây
ô nhiễm môi trường. Hòn đảo nằm ngoài khơi tỉnh Phang Nga là một phần của Công viên quốc gia Similan. Phần lớn công viên này sẽ đóng cửa từ giữa tháng 5 đến tháng 10 do mùa gió mùa, sau đó mở cửa lại. Riêng Koh Tachai sẽ đóng cửa vô thời hạn, theo Bangkok Post.
Lý do, theo nhà chức trách Thái, lượng du khách đổ xô ra đảo quá đông gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. "Chúng tôi phải đóng cửa hòn đảo để môi trường trên đảo và trên biển có thời gian phục hồi và không bị quấy rầy bởi hoạt động du lịch" - Tunya Netithammakul, giám đốc Cơ quan quản lý vườn quốc gia và
bảo tồn thiên nhiên Thái Lan, nói. Báo chí địa phương dẫn lời các chuyên gia nói một bãi biển trên đảo Koh Tachai có thể chứa khoảng 70 người, nhưng đôi khi số lượng du khách có mặt lên đến hơn 1.000, cùng với đó là các quầy hàng ăn uống và tàu du lịch – theo Tuổi Trẻ.
Lần đầu năng lượng tái tạo đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của Đức
Hôm 15/5 vừa qua, lần đầu tiên
năng lượng sạch đã đủ để đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu điện năng ở Đức, đánh một dấu mốc quan trọng cho chính sách “Energiewende” (chuyển dịch năng lượng) của thủ tưởng Angela Merkel nhằm đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và dần cắt giảm năng lượng hạt nhân và năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Theo số liệu của Agora Enrgiewende, một viện nghiên cứu ở Berlin, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã đạt đỉnh điểm vào lúc 2 giờ chiều (giờ địa phương) hôm Chủ Nhật, cho phép năng lượng tái tạo tạo ra điện năng tương đương 45,5 GW, trong khi nhu cầu về điện tại thời điểm đó là 45,8 GW.
Theo Bloomberg, số liệu từ Epex Spot cho thấy giá điện cũng đã giảm xuống mức âm trong từng khoảng 15 phút cùng ngày, xuống còn âm 50 euro (57 USD)/MWh. Các quốc gia châu Âu đang ngày càng xây dựng nhiều nguồn cung cấp năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải cacbon và tăng cường an ninh năng lượng. Năm ngoái, các cánh đồng gió của Đan Mạch đã đáp ứng 140% nhu cầu điện, và các nhà máy điện không sử dụng than của vương quốc Anh đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trong vòng 4 tiếng đồng hồ hôm 10/5 vừa qua – theo VietnamPlus.
San Diago sẽ là thành phố lớn nhất ở Mỹ sử dụng 100% năng lượng tái tạo
Hưởng ứng phong trào toàn cầu về sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo, San Diego đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng vào việc sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch và cắt giảm một nửa khí thải nhà kính, cho một kế hoạch hành động khí hậu năm 2035. Thị trưởng thành phố Kevin Faulconer đã thông qua Hội đồng thành phố cho kế hoạch “Hành động khí hậu”, trong đó cho phép chủ động sử dụng năng lượng tái tạo. Nhờ thỏa thuận về mặt pháp lý này, tương lai của thành phố ở California sẽ “xanh” hơn khi nó trở thành thành phố lớn nhất trong nước sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.
Kế hoạch hành động bao gồm một loạt các sáng kiến như tăng số lượng cây trồng đô thị (lên đến 35%), tái chế và ủ đa số chất thải rắn của thành phố, đầu tư vào giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng xe đạp để giảm bớt việc sử dụng ô tô riêng. Kế hoạch này nhằm mục đích tập trung vào việc khôi phục hệ sinh thái tự nhiên trên toàn thành phố và giảm những tác động của sự nóng lên toàn cầu. Các giải pháp mà thành phố San Deigo đưa ra đối với sự thay đổi khí hậu đặt nó và các thành phố khác trên toàn cầu phải hướng tới một tương lai sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch và chứng minh rằng nền kinh tế và môi trường không mâu thuẫn với nhau. Có rất nhiều điều để kì vọng trong các kế hoạch mà San Diego đề ra cho việc hướng tới một tương lai xanh hơn, tươi sáng hơn – theo Báo Xây Dựng.