Một khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 300ha nằm giáp khu dân cư, suốt trăm năm nay được bảo vệ từ sự vào cuộc của cả thôn. Ở đây người ta dễ dàng tìm thấy những thân cây cổ với đường kính hàng mét.
10 năm trước, tôi đã có lần cùng các cán bộ huyện Tiên Yên vào rừng Nà Hắc. Khu rừng này thuộc thôn xa nhất huyện - thôn Nà Hắc, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Thời điểm ấy, Nà Hắc gọi là bản, có hơn chục hộ dân là người Dao sinh sống (hiện nay có 28 hộ).
Mặc dù đi cùng các cán bộ huyện, nhưng tôi cũng vẫn thấy hơi rờn rợn, vì nghe tin đồn trong khu rừng có ma, người dân bản thường chế bùa mê thuốc lú để hại người. Ai muốn vào Nà Hắc thời điểm đó chỉ men theo những lối tắt qua rừng, phải lội qua vài chục đoạn suối.
Ông Chìu Chăn Lỷ, thôn Nà Hắc đã có mấy chục năm tình nguyện gác rừng thiêng.
Bây giờ đến Nà Hắc đã dễ dàng hơn trước rất nhiều, đường bê tông thẳng tắp đến cuối khu dân cư. Nà Hắc giờ đây gọi là thôn, đã có nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà kiên cố mọc lên, thay thế toàn bộ các ngôi nhà tranh tre ọp ẹp trước đây.
Để giúp tôi có chuyến vào thăm rừng nguyên sinh Nà Hắc được thành công, Bí thư Đảng uỷ xã Hà Lâu Lý Văn Diểng phái một cán bộ có kinh nghiệm trong việc đi rừng đi cùng tôi là công an viên Chìu A Sềnh. Tuy đường vào thôn đã được bê tông hoá, nhưng chỉ ở khu dân cư. Đường vào rừng vẫn là đường đất, dài khoảng 4km và phải lội qua 10 đoạn suối.
Anh Chìu A Sềnh cười ha hả, khi tôi nhắc đến chuyện khu rừng có ma và bùa mê thuốc lú trước đây. Anh Sềnh bảo: “Tôi cũng chẳng hiểu tin đồn từ đâu, nhưng từ trước đến nay những người đến thôn có ai bị sao đâu. Có thể do trước đây, công tác giữ rừng rất khó khăn, khi có kẻ phá rừng rất khó thông báo cho các đơn vị chức năng đến giải quyết, hoặc có tìm được họ đến nơi thì cũng phải mất vài ngày. Người dân Nà Hắc phải “đơn thương độc mã” giữ rừng, trong khi số dân ít, nên họ tung ra “độc chiêu” có gắn với yếu tố thần bí, khiến nhiều kẻ rùng mình mà hạn chế được người lạ đến phá rừng”.
Ngày nay, đường sá tốt hơn nhưng là đường độc đạo, vào ra chỉ một đường, người dân trong thôn lại có ý thức bảo vệ rừng, hễ xảy ra sự việc là cả thôn cùng vào cuộc. Năm 2015, những kẻ phá rừng mở con đường từ xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn vào phá rừng.
Không khó để tìm được những thân cây lớn trong rừng nguyên sinh Nà Hắc.
Khi bị phát hiện, trưởng thôn Nà Hắc huy động cả thôn ra đuổi, lại có sự vào cuộc của kiểm lâm, Công an huyện, nên từ đó đến nay không thấy bọn phá rừng nào trở lại nữa. Người dân Nà Hắc từ bao đời nay đã có ý thức đoàn kết bảo vệ rừng, bởi họ hiểu được rừng che chở cuộc sống của họ, chắn những đợt gió khủng khiếp của bão tố; rừng giữ nguồn nước để sinh hoạt và tưới tiêu các cánh đồng.
Thác Cá Nhảy và người đàn ông gác rừng
Chúng tôi dừng chân ở chiếc lán bên bìa rừng, chủ nhân là người đàn ông tên Chìu Chăn Lỷ. Ông Lỷ đã 50 tuổi, người nhỏ nhưng chắc nịch. Từ năm 15 tuổi, ông Lỷ đã ra dựng chòi ở bìa rừng rồi sống ở đó. Đã 35 năm, ông cũng có đến hơn chục lần dựng lại chòi của mình, vì cứ mỗi lần bão lớn là căn chòi lại sập.
Ông được bố mẹ chia cho một gian nhà kiên cố để ở cùng với người em trai. Tính ưa tự do, ông Lỷ lại để tất cả nhà cho người em rồi cứ một mình ra bên bìa rừng sống. Ông nuôi gà, trồng ngô, hàng năm cũng có nguồn thu kha khá từ bán gà, nhiều người thích mua gà của ông đúng thực chất là “gà đi bộ” mà lại “đi bộ” trong rừng, vì chúng tự kiếm ăn trong rừng.
Ông Lỷ sống độc thân, không vợ con. Khi còn trẻ cũng đôi lần bố mẹ ông dạm hỏi vài đám trong làng nhưng không thành, vì chẳng cô gái nào chấp nhận được cái tính “yêu rừng hơn vợ” của ông.
Thác Cá Nhảy trong rừng nguyên sinh Nà Hắc.
Ông Lỷ có biệt tài, dù nằm trong lán nhưng nghe tiếng bước chân bên ngoài nhưng đoán đúng gần hết tiếng bước chân của người dân trong thôn. Vậy là tuy đã nằm ngủ ngáy o o, nhưng hễ nghe tiếng chân lạ là ông biết ngay, để ra ngăn chặn không cho họ vào rừng.
Những ngày mưa dầm, lũ rắn trong rừng thường hay bò về, chúng chui vào trong lán của ông Lỷ. Hết mưa ông Lỷ lại đuổi lũ rắn vào rừng. Ông bảo: “Người có việc của người, rắn có việc của rắn, mình không ác với nó thì cũng chẳng bao giờ nó cắn mình cả”. Vậy là cuộc sống cứ ngày qua ngày, ông Lỷ cần mẫn với việc giữ rừng, niềm vui lớn nhất của ông là được sống với rừng.
Ông Lỷ tình nguyện dẫn chúng tôi vào khu rừng nguyên sinh. Phải gần 1 giờ cuốc bộ, lội qua nhiều đoạn suối, trước mắt tôi hiện lên cảnh ngoạn mục mà xưa nay tôi chỉ nhìn thấy trên phim ảnh. Đó là các cây cổ thụ có niên đại hơn trăm năm, sừng sững giữa rừng.
Không khó để có thể tìm thấy thân gỗ vài người ôm mới xuể. Chúng tôi dừng chân ở thác Cá Nhảy (tiếng địa phương là thác Nhì Thiu). Những ngày trời nắng, những đàn cá suối nhảy nhót vượt thác mà thành tên gọi. Từ nhiều đời nay, Nà Hắc đã có quy định, người dân không được tự ý vào thác Cá Nhảy để bắt cá.
Trước đây, theo quy định của thôn, chỉ khi nào thôn có khách quý, người đại diện trong thôn mới vào suối bắt vài cân cá để đãi khách. Những năm gần đây, ngay cả khi có khách quý, cũng không ai được vào thác Cá Nhảy để bắt cá, mà phải bắt ở các dòng suối khác, vì lượng cá đã ít đi, nên cần giữ số cá tự nhiên nhằm bảo tồn.
Gỗ quý trong rừng được người dân tự giác bảo vệ, không có lý do nào được chấp nhận việc vào rừng chặt gỗ. Chuyến vào rừng của chúng tôi cũng đành dừng lại ở thác Cá Nhảy, vì cơn mưa rừng chợt ập đến. Các dòng suối dâng lên rất nhanh, chảy xiết. Nếu chúng tôi không nhanh băng qua, khi nước lên to, có khi hôm sau mới về được.
Theo ông Chìu Chăn Lỷ, người đưa chúng tôi đi, thì nếu muốn tìm hiểu hết khu rừng thì phải đi vào mùa khô, chấp nhận ngủ qua đêm trong rừng vì phải đi hàng tuần mới khám phá hết được.
Tương lai của rừng nguyên sinh Nà Hắc
Bí thư Đảng uỷ xã Hà Lâu Lý Văn Diểng vốn xuất thân từ kỹ sư lâm nghiệp nên ông cũng là người hiểu về rừng hơn ai hết. Ông cũng rất hiểu tấm lòng của bà con Nà Hắc vì giữ rừng, sẵn sàng ở nhà tranh tre mà bỏ ngoài tai nhiều sự cám dỗ của những kẻ muốn phá rừng.
Ông Diểng cho biết, nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Hà Lâu đã tổ chức quản lý chặt chẽ bằng các giải pháp tuyên truyền trong nhân dân, nhận thức được vai trò và ý nghĩa của rừng, xã đã xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng trái pháp luật, đồng thời khen thưởng những người có thành tích bảo vệ rừng.
Từ năm 2015 đến nay, hàng năm xã đã kết nối với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện ký hợp đồng bảo vệ rừng với tất cả 28 hộ dân thôn Nà Hắc, để có nguồn kinh phí bảo vệ rừng. Từ đó thôn thành lập được tổ làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ rừng.
Người dân trong thôn được thu hái lâm sản ngoài gỗ như sa nhân, quả mây, trà hoa vàng, nấm chẹo, ba kích... tạo cái lợi cho cuộc sống của họ, để từ đó giúp việc tuyên truyền bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
Ông Diểng cho biết thêm: “Định hướng cuối năm 2017, sẽ có Ban Quản lý rừng Nà Hắc được thành lập. Các thành viên trong ban quản lý là cả 28 hộ dân của thôn. Ban Quản lý hoạt động từ nguồn kinh phí bảo vệ rừng hàng năm do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tiên Yên cấp sau khi ký hợp đồng.
Trong tương lai sẽ mở tuyến du lịch sinh thái thăm rừng nguyên sinh Nà Hắc và tắm ở thác Cá Nhảy trong rừng. Khi có nguồn thu, nhưng vẫn đảm bảo môi trường sinh thái, thì việc bảo vệ rừng Nà Hắc sẽ ngày càng tốt hơn.
|