Vietnamese English
Kiến nghị tiếp tục bổ sung một số nội dung về đánh giá Môi trường Chiến lược, đánh giá tác động Môi trườngtrong dự thảo Luật BVMT sửa đổi (2013)

12/22/2013 7:28:00 PM

(VACNE) - Ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường ở các vùng miền của nước ta đang và sẽ ngày càng gia tăng. Đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân: trách nhiệm của chủ đầu tư, người xả thải, người xâm hại, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó việc ban hành và thực thi các văn bản luật pháp về môi trường cũng có phần trách nhiệm.

KIẾN NGHỊ TIẾP TỤC BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỬA ĐỔI (2013)

Lê Trình

1.  MỞ ĐẦU

 

-                      Theo bản tin của PanNature ”Sự phát triển không ngừng về số lượng các KCN-CCN giải quyết được bài toán về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ đắc lực phát triển các thế mạnh của từng địa phương… nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề nan giải về môi trường. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 179 KCN đang hoạt động thì chỉ có 143 KCN đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ước tính số lượng nước thải phát sinh từ 179 KCN này là 622.773m3/ngày/đêm, trong đó các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 362.450m3/ngày/ đêm, đạt khoảng 58% tổng lượng nước thải. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 240.000m3 nước thải từ các KCN được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là tại các khu vực gần KCN…

 

-          Tin từ Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai) cho biết qua quan trắc tại 16 khu công nghiệp đóng trên địa bàn 6 huyện, thành phố cho thấy tại nhiều khu công nghiệp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

-          Tin từ báo chí gần đây: Một phần diện tích Khu Ramsar – Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bị chặt phá để làm than đước hoặc nuôi tôm; rừng đầu nguồn ở Quảng Nam, Gia Lai,…bị đốn hạ cho công trình thủy điện, Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn có thể bị xâm hại do dự án xây cáp treo và công trình chùa lớn trên đỉnh…

Hàng ngày ta có thể nghe hàng chục thông tin về ô nhiễm môi trường suy thoái môi trường đang xảy ra ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam.

 


Ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường ở các vùng miền của nước ta đang và sẽ ngày càng gia tăng. Đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân: trách nhiệm của chủ đầu tư, người xả thải, người xâm hại, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó việc ban hành và thực thi các văn bản luật pháp về môi trường cũng có phần trách nhiệm.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005[1] có vai trò quan trọng trong quản lý môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Một trong các ưu điểm của Luật là đã đưa ra các quy định chặt chẽ về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Cam kết bảo vệ môi trường (CBM). Các quy định này được nêu ở điều 14 đến 27 trong Chương III của Luật.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật BVMT (2005) Bộ TN-MT đã tiếp thu nhiều ý kiến về phạm vi, nội dung, phương pháp, quy trình lập ĐMC, ĐTM và tham vấn các bên liên quan và đã bổ sung, sửa đổi nhiều điều/khoản về ĐMC, ĐTM (xem các điều 13-17, Mục 2 về ĐMC và các điều 18-26, Mục 3: về ĐTM trong Dự thảo số 5, bản trình Quốc hội)[2] .

 
VESDEC và Sở TN-MT Quảng Ninh khảo sát hệ sinh thái nước tại  biên giới Việt - Trung
trong nghiên cứu ĐMC các khu KT của khẩu QuảngNinh.

 

2. KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐMC, ĐTM TRONG DỰ THẢO LUẬT BVMT SỬA ĐỔI (2013)

2.1. Các nội dung chính về ĐMC, ĐTM đã được chỉnh sửa, bổ sung trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi (2013)

Dự thảo Luật BVMT sửa đổi (2013)[2] đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung phù hợp yêu cầu thực tế và tiếp cận quốc tế. Các vấn đề chính được sửa đổi, bổ sung về ĐMC, ĐTM là:

- Về ĐMC: dự thảo Luật quy định danh mục các nhóm chiến lược, quy hoạch cần lập báo cáo ĐMC theo hướng cụ thể hơn, thu hẹp đối tượng phải lập ĐMC khi không quy định lập ĐMC đối với các kế hoạch; quy định kết quả ĐMC phải được xem xét và tích hợp với nội dung của chiến lược, quy hoạch; trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch trong việc lập ĐMC; bổ sung nội dung cần tham vấn và đề xuất điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong nội dung ĐMC.

 

- Về ĐTM, khác với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 giao Chính phủ quy định các dự án phải lập ĐTM, dự thảo Luật quy định cụ thể 3 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM, bao gồm: (1) Nhóm dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (2) Nhóm dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dữ trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; (3) Nhóm dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội do Chính phủ quy định. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các dự án có quy mô lớn, có khả năng tác động nhiều mặt tới môi trường đều phải thực hiện ĐTM thông qua 2 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM, hạn chế tối đa việc đã lập dự án cụ thể và lập báo cáo ĐTM nhưng dự án không được phép thực hiện.

-          Về tham vấn các bên liên quan (thay cho “tham vấn cộng đồng” là rất đúng): ĐMC có yêu cầu tham vấn các bên liên quan nhưng không quy định biện pháp thực hiện. ĐTM có quy định cụ thể ở điều 21 “Cách thức tiến hành tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM”: theo đó ngoài tham vấn Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ dự án còn phải có trách nhiệm tổ chức các cuộc tham vấn với cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án. Đây là quy định tiến bộ theo hướng dân chủ, công khai, trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhiều tổ chức, cá nhân.

 

-  Đã bỏ Khoản 2, điều 20 (Luật BVMT 2005) yêu cầu “Đánh giá chung về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án và vùng kế cận; mức độ nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường”. Việc loại bỏ quy định này là đúng vì “mức độ nhạy cảm” và “sức chịu tải môi trường” là các khái niệm chưa rõ ràng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên, xã hội, nguồn thải trong cả vùng/lưu vực, một nghiên cứu ĐTM cho 1 dự án không thể làm được việc này, ở ta  chưa có đơn vị, viện trường nào có thể xác định “sức chịu tải môi trường” cho 1 vùng, tỉnh, lưu vực có độ tin cậy, được công nhận (từ 1995 đến nay đã có nhiều nghiên cứu về “khả năng tự làm sạch, khả năng tiếp nhận chất thải” của một số sông, lưu vực sông, vịnh biển trong đó có một số đề tài do tác giả bài này chủ trì nhưng các nghiên cứu này cần kéo dài cả năm và chi phí vài trăm triệu – vài tỷ đồng/đề tài nhưng cũng chỉ đưa các kết luận đối với một số kịch bản giả thuyết. ĐTM cho 1 dự án không thể làm được và không có trách nhiệm phải làm cho cả vùng vì còn bao nguồn tác động, bao nhiêu dự án khác).

2.2. Kiến nghị một số vấn đề quan trọng cần được bổ sung, làm rõ trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi (2013)

Mặc dù đã tiếp thu và chỉnh sửa nhiều nội dung nhưng Bản Dự thảo Luật BVMT sửa đổi (2013) còn một số vấn đề quan trọng cần được bổ sung làm rõ.

2.2.1. Về ĐMC

- Tham vấn các bên liên quan là nội dung đặc biệt quan trọng đảm bảo cho chiến lược, quy hoạch gắn kết với môi trường – an sinh xã hội và tạo sự đồng thuận cao giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tham vấn các bên liên quan cần được làm suốt quá trình lập chiến lược, quy hoạch và lập ĐMC. Cần bổ sung một, hai điều quy định, yêu cầu về tổ chức tham vấn các bên liên quan trong ĐMC, trong đó cần xác định các bên liên quan là gì tùy từng quy hoạch, chiến lược, các thời ddierm tố chức tham vấn, hình thức tham vấn (như đã quy định với ĐTM).

2.2.2. Về ĐTM

-  Nên có bổ sung 1 điều về phân loại các loại dự án nào thuộc nhóm 3 (Nhóm dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội) (trong Luật BVMT 2005 có liệt kê). Nếu giao Chính phủ quy định thì việc phân loại các dự án cần tham khảo phân loại (theo category) của WB, JICA, ADB[3-5] để hài hòa quy định quốc tế.

- Nên quy định chủ dự án phải đảm bảo thời gian, kinh phí phù hợp cho nghiên cứu lập báo cáo ĐTM (để tránh trường hợp một số ĐTM chỉ cần 1-2 tháng là hoàn thành). Nếu không ghi vào Luật thì Chính phủ cần quy định chặt về nội dung cần có, thời gian nghiên cứu, lập ĐTM cho các loại hình dự án. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy 1 ĐTM cần trên 2,0 năm từ bắt đầu nghiên cứu đến hoàn thành thẩm định. WB yêu cầu ĐTM cần đủ thời gian nghiên cứu (thường trên 6 tháng với dự án Category A).

-  Nên có điều/khoản quy định nội dung báo cáo ĐTM không chỉ là chất thải, không chỉ dự báo/giảm thiểu tác động đến môi trường vật lý (ô nhiễm đất, nước, không khí) mà còn làm rõ tác động đến môi trường sinh học, tác động xã hội. Như vậy mới có thể đánh giá dự án đó có nên được phép đầu tư không (một số loại hình dự án tạo chất thải không lớn: như thủy lợi, thủy điện, giao thông, cáp treo… nhưng lại tác động rất xấu đến môi trường sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên và xã hội). Đây cũng là yêu cầu trong các hướng dẫn ĐTM của các tổ chức quốc tế[3-5].

- Cần khôi phục quy định về “hậu thẩm”sau khi thẩm định báo cáo ĐTM. Biết rằng: việc dự báo tác động trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án là không thể chính xác, không thể chắc chắn (trên thế giới cũng vậy), do đó trong chương về dự báo cần có mục “những vấn đề chưa chắc chắn” (chưa thể dự báo, cần giám sát quan trắc trong quá trình triển khai dự án mới có thể đánh giá tác động). Do vậy báo cáo ĐTM thường mang tính cam kết tuân thủ các quy định về BVMT, tuân thủ QCVN. Như vậy, quan trắc về tác động môi trường do triển khai dự án (effect monitoring) và kiểm tra sự tuân thủ môi trường của chủ dự án (environmental compliance monitoring) là các công tác bắt buộc phải có để đảm bảo dự án không gây tác động xấu đến môi trường. Nếu không có hậu kiểm (compliance monitoring: kiểm tra việc triển khai các biện pháp BVMT đã được nêu trong báo cáo ĐTM) thì báo cáo ĐTM chỉ còn là văn bản hình thức để phê duyệt đầu tư, vì với chủ đầu tư lợi ích kinh tế là mục tiêu tối thượng nên ít có chủ đầu tư nào triển khai đúng các công trình/biện pháp BVMT đã được phê duyệt, nếu không bị kiểm trra, bắt buộc phải làm. Kinh nghiệm quốc tế: các dự án WB, JICA, ADB…đều yêu cầu buộc phải giám sát, đánh giá “tính tuân thủ các yêu cầu môi trường”. Các dự án quốc tế mà các chuyên gia/cán bộ VESDEC đang triển khai giám sát đánh giá sự tuân thủ môi trường như Dự ánThủy điện Trung Sơn (dự án WB), Dự án Tài chính nông thôn III (dự án WB), Metro Hà Nội – Tuyến N3 (dự án ADB) là các thí dụ điển hình về hậu kiểm theo quy định quốc tế.

- Tờ trình gửi Quốc hội dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (2013)[2] có câu: cam kết bảo vệ môi trường đã được loại bỏ do việc thực hiện không hiệu quả, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ lập kế hoạch bảo vệ môi trường để bảo đảm tính chủ động, khả thi, thích ứng với các thay đổi về quy định pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của cơ sở”. Tuy nhiên trong Chương II không thấy có quy định về nội dung này. Vậy đề nghi bổ sung một số điều về lập “Kế hoạch bảo vệ môi trường” vào Chương này thay cho “cam kết bảo vệ môi trường”.

- Về “Quy hoạch môi trường” (“quy hoạch bảo vệ môi trường”): đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chủ động quản lý, BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên. Nên tiếp tục đưa “quy hoạch môi trường” vào Chương II của Dự thảo Luật BVMT (2013). Hiện nay đã có trên 10 tỉnh/TP nghiên cứu lập Quy hoạch BVMT, mặc dù có khó khăn về mặt kỹ thuật, tuy nhiên nếu có hướng dẫn đúng, tập hợp được đội ngũ chuyên gia  thì QHMT (QHBVMT) sẽ được triển khai dễ dàng và góp thêm 1 công cụ tốt để BVMT, bảo tồn thiên nhiên.

2.2.3. Về bảo tồn tài nguyên sinh vật

Thiếu sót lớn về quan niệm về phạm vi bảo vệ môi trường của những người biên soạn Luật BVMT sửa đổi (2013): không xem môi trường sinh học, tài nguyên sinh vật là một trong các thành phần môi trường (theo lý thuyếtt khoa học môi trường: môi trường tự nhiên bao gồm: môi trường vật lý (địa quyển, thuỷ quyển, khí quyển) và môi trường sinh học). Điều này dẫn đến chương V “Bảo vệ các thành phần môi trường” chỉ quy định về bảo vệ các thành phần môi trường đất, nước, không khí, nhưng không có quy định về bảo vệ môi trường sinh học (hoặc tài nguyên sinh vật). Đây là khiếm khuyết so với Luật BVMT (2005), trong đó có nguyên 1 chương V “bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên).

Mặc dù bảo vệ tài nguyên sinh vật được quy định ở nhiều Luật: Luật Đa dạng sinh học, Luật bảo vệ và Phát triển triển rừng, tuy nhiên Luật BVMT là luật bao quát toàn bộ các vấn đề môi trường do vật cần bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên sinh vật..



Đoàn chuyên gia VESDEC giám sát hàng ngày sự tuân thủ của chủ dự án
về yêu cầu BVMT trong Dự án Thủy điện Trung Sơn (GĐ xây dựng, 2012-2016).

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÊ TRIỂN KHAI HƯỚNG DẪN VỀ NGHIÊN CỨU, TRIỂN KHAI LẬP, THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐMC/ĐTM VÀ QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG                                                    

Để ĐMC/ ĐTM, quy hoạch môi trường có thể là một công cụ hữu hiệu trong quản lý và bảo vệ môi trường, ngoài điều chỉnh một số nội dung của Luật BVMT cần thực hiện một số công tác lớn dưới đây.

1.           Sau khi Luật BVMT (sửa đổi 2013) được ban hành, chúng tôi mong Chính phủ/Bộ TN-MT lập các quy định/hướng dẫn chi tiết về ĐMC, ĐTM từ phân loại, phạm vi, nội dung, phương pháp, thời gian, quy định chi tiết về tham vấn các bên liên quan…Các quy định., hướng dẫn này cần được lập trên cơ sở tham khảo tối đa quy định quốc tế (vì các tổ chức quốc tế đã có kinh nghiệm nhiều năm ở nhiều quốc gia) và đảm bảo hài hòa theo Tuyên bố Hà Nội (Hanoi Core Statement, 2000).

2.           Bộ TN-MT tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh các hướng dẫn kỹ thuật về ĐMC/ĐTM cho các đối tượng khác nhau với tham khảo tối đa các hướng dẫn kỹ thuật của quốc tế. Các yêu cầu nghiên cứu tác động/giảm thiểu tác động về sinh thái, xã hội cần được đưa vào các hướng dẫn kỹ thuật.

3.           Cần nâng cao năng lực của các ủy viên hội đồng thẩm định các cấp để đảm bảo: hỏi đúng, yêu cầu đúng đối với từng loại hình, đặc điểm ĐMC, ĐTM (tránh tình trạng sa đà hỏi/yêu cầu các vấn đề không trọng tâm mà bỏ qua các vấn đề cốt lõi, đặc thù của dự án: thí dụ với dự án đường cao tốc mà có thành viên hội đồng cứ yêu cầu quá chi tiết về dự báo tác động do gỉải phóng chuồng trại chăn nuôi trong khi ít lưu ý về tác động cốt lõi: làm mất rừng, tái định cư bắt buộc…). Các hướng dẫn ĐTM của các tổ chức quốc tế luôn lưu ý về các tác động chính, đặc thù của từng loại hình dự án.

4.           Cần nâng cao trình độ các đơn vị, các nhân tham gia nghiên cứu ĐMC/ĐTM sao cho mỗi ĐMC, ĐTM thực sự là một hoặc tổng hợp của nhiều nghiên cứu khoa học (như hiện nay Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến đang yêu cầu). Như vậy, ĐMC, ĐTM cần được quy định về thời gian và kinh phí phù hợp chứ không nên chế biến như “mì ăn liền”.

5.  Cần có cơ chế đảm bảo sự tham gia thực chất của các bên liên quan (tổ chức, cộng đồng địa phương, các đơn vị, cá nhân, nhà chuyên môn) vào quá trình lập, thẩm định và giám sát thực hiện các báo cáo ĐMC, ĐTM qua đó tạo tính công khai minh bạch của chiến lược, quy hoạch, dự án và tạo sự đồng thuận của các bên liên quan, đảm bảo chiến lược, quy hoạch, dự án triển khai bền vững.

6. Cần làm rõ trách nhiệm môi trường của các chủ thể tham gia vào việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đảm bảo trong trường hợp các dự án được phê duyệt làm tổn hại đến kinh tế, xã hội, môi trường thì sẽ có chủ thể phải chịu trách nhiệm về hậu quả này. Cụ thể là trong trường hợp báo cáo ĐTM được lập với chất lượng không cao mà vẫn được phê duyệt, hoặc các Hội đồng Bộ TN-MT, các bộ, ngành, tỉnh/TP không thẩm định hoặc chưa thẩm định nà Chính phủ vẫn phê duyệt dự án thì sẽ xác định trách nhiệm của cơ quan/người phê duyệt, người thẩm định hoặc Chính phủ như thế nào. Trong trường hợp dự án được triển khai và gây thiệt hại cho xã hội, môi trường thì trách nhiệm thuộc về ai là những vấn đề cần được làm rõ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.           Luật Bảo vệ môi trường, 2005

2.           Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bản dự thảo lần 5, Tờ trình Quội hội, 2013.

3.           World Bank, Safeguard Policy, OP 4/01 - Environmental Asessment, January 1999.

4.           ADB, Safeguard Policy Statement, July 2009.

5.           JICA, Guidelines for Environmental and Social Consideration, April 2010.

TP Hồ Chí Minh 22/12/2013 (Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam)

PGS.TS Lê Trình,
Ủy viên BCH TƯ Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam


         

Lượt xem : 1425