Vietnamese English
Kiến nghị: Sớm triển khai các hoạt động xử lý đất ô nhiễm Dioxin tại sân bay A Sho (Thừa Thiên - Huế)

8/5/2017 7:03:00 AM

Chiều 4-8, tại Hà Nội, T.Ư Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường VN (VACNE) phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) tổ chức Hội thảo “Kết quả thử nghiệm tẩy độc dioxin bằng phương pháp vi sinh Hàn Quốc tại sân bay A Sho”.​


Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE; GS.TSKH. Anh hùng đa dạng sinh học Asean Đặng Huy Huỳnh. Chủ tịch hội đồng cây di sản Việt Nam ; TS.BS Vũ Chiến Thắng, phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Bộ TN-MT); GS.TS Seo Jong Su, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu độc học môi trường (Viện Độc học Hàn Quốc) cùng các chuyên gia, nhà khoa học khác.

Với kế hoạch triển khai bài bản, chi tiết và tuyệt đối an toàn dưới sự giám sát chặt chẽ giữa Hội đồng Khoa học của VACNE và các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc, cuộc thử nghiệm đã được thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017. Căn cứ trên kết quả báo cáo việc thử nghiệm áp dụng công nghệ sinh học sử dụng 2 chủng vi sinh của Hàn Quốc để xử lý dioxin trong đất tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới do trung tâm nghiên cứu độc học Môi trường thuộc Viện nghiên cứu độc học Hàn Quốc thực hiện và Báo cáo giám sát thử nghiệm việc xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A Sho của các chuyên gia Hội đồng Khoa học thuộc VACNE cùng nhiều ý kiến của các chuyên gia khác, Hội thảo đã thống nhất một số ý kiến trọng tâm.

Thứ nhất, quá trình tiến hành thử nghiệm xử lý dioxin tại hiện trường phù hợp với quy mô thử nghiệm, khả năng tổ chức phối hợp và đặc điểm của vùng nhiễm độc tồn lưu dioxin từ nhiều năm nay.

Thứ hai, phương pháp sử dụng cho thử nghiệm đã diễn ra đúng quy trình và đáp ứng yêu cầu về kĩ thuật xử lý sinh học hiện hành, phù hợp và khả thi với điều kiện của địa phương.

Thứ ba, trong quá trình thử nghiệm các mẫu được lấy đi phân tích có thể đại diện được cho quá trình xử lý dioxin trong đất của khu vực trước và sau khi thử nghiệm.

Thứ tư, đây là phương pháp phân tích được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia và cho kết quả có độ tin cậy.

Thứ năm, phương pháp sinh học kí và hiếu khí kết hợp với 2 chủng vi sinh US6-1 và IC10 để xử lý dioxin trong đất đã có hiệu quả cụ thể rõ rệt tại khu vực thực nghiệm.

Thứ sáu, công nghệ sinh học là công nghệ tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, khả thi và có hiệu quả rõ rệt đối với vùng đất có hàm lượng dioxin <200ppt.

TS.Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định Hội thảo kết quả thực nghiệm này có vai trò rất quan trọng và là cơ sở và là tài liệu tham khảo hữu ích khi xem xét đánh giá quá trình thử nghiệm để quyết định những bước tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Chiến Thắng, Văn phòng BCĐ 33, Bộ TNMT đã đánh giá rất cao sự nhiệt tình, có trách nhiệm và tính khoa học của các nhà khoa học Hàn Quốc, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia thuộc VACNE trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ vi sinh để xử lý đất ô nhiễm tại sân bay A Sho.

Sau Hội thảo, VACNE sẽ kiến nghị với Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT đánh giá kết quả thử nghiệm và xem xét quyết định việc triển khai các hoạt động xử lý đất ô nhiễm dioxin ở A Lưới trong thời gian tới.

Ngày 20-7-2017, Hội đồng Khoa học thuộc Hội BVTN&MTVN đã họp và nghe báo cáo từ lãnh đạo Hội và các chuyên gia về kết quả bước đầu của nhiệm vụ hợp tác với Hàn Quốc 2016-2017. Trên cơ sở các kết quả hợp tác đã đạt được với Hàn Quốc, VACNE đã chủ động xây dựng nhiệm vụ “Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc tẩy độc dioxin trong đất ở sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế” giai đoạn 2016-2018. Công việc hợp tác này đã được Bộ TNMT đồng ý tại Công văn số 4065/BTNMT-VP33 ngày 19/9/2016.

 

Tuệ Lâm (Moitruong24h)

Lượt xem : 1465