Đến thời điểm này, có 839 đơn kiện Vedan của nông dân huyện Cần Giờ được Hội nông dân TP HCM sàng lọc và khẳng định hợp lệ, đủ điều kiện kiện khởi kiện ra tòa.
|
Người nông dân sống nhờ vào đánh bắt trên sông Thị Vải đã phải chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng ô nhiễm của Vedan. Ảnh: Viện IER. |
Tuy nhiên, Vedan cho rằng việc ô nhiễm sông Thị Vải do nhiều nguyên nhân, cần một nghiên cứu khoa học để xác định tỷ lệ chịu trách nhiệm của thủ phạm này. Tổng cục Môi trường đã giao Viện Tài nguyên - Môi trường (IER) thực hiện nghiên cứu này. Kết quả đánh giá khoa học của IER cuối năm 2009 xác định, Vedan góp 89% ô nhiễm sông Thị Vải ở vùng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (vùng H), hơn 30% ở vùng ô nhiễm nghiêm trọng (vùng M), và 10,1% ở khu vực ô nhiễm (vùng L). TP HCM có 650 ha của xã Thạnh An thuộc vùng ô nhiễm M và L.
Tuân thủ kết quả khảo sát khoa học mới này, Hội Nông dân TP HCM tiếp tục rà soát các thống kê thiệt hại của dân. Và 839 đơn của nông dân vùng thiệt hại được xác định hoàn toàn chính xác, với số tiền cần bồi thường là 107 tỷ đồng.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất
Dù đã tuân thủ các yêu cầu, nhưng phía Vedan vẫn cù cưa, không chịu bồi thường và đưa ra mức hỗ trợ chưa bằng 10% giá trị thiệt hại. Đây là hành động khiến nông dân không thể chấp nhận, cũng như chính quyền thành phố không thể nhún nhường. Ngày 19/7, trao đổi với Đất Việt về công tác chuẩn bị khởi kiện Vedan, ông Phan Văn Phận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, cho biết toàn bộ 839 lá đơn trên đều hợp lệ, không trùng lặp và đã được chính quyền xác minh.
Ngay từ đầu, hội đã xác định việc hướng dẫn nông dân kê khai thiệt hại, không chỉ sử dụng cho việc đòi bồi thường theo thỏa thuận, mà còn sử dụng làm chứng cứ khi ra tòa. Do vậy, khi tiến hành khởi kiện, nông dân chỉ cần điền lại mẫu đơn kiện mới, làm giấy ủy quyền cho người đại diện mà không phải lo việc thu thập chứng cứ. Nông dân cũng không phải lo các thủ tục chứng minh thiệt hại, cũng như trình các hóa đơn chứng từ mua giống, thức ăn… Công tác tính toán thiệt hại sẽ do các nhà chuyên môn đảm nhiệm. Những hộ dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại chỉ cần kê khai thời gian nuôi, diện tích thực nuôi, loài thủy sản nuôi có xác nhận của thôn, ấp rồi xã sẽ chứng thực. Án phí UBND huyện sẽ tạm ứng cho nông dân.
Sáng nay (20/7), các công chứng viên thuộc Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp TP HCM) chia làm hai nhóm về xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), để công chứng giấy ủy quyền của 839 hộ dân thị thiệt hại cho bốn người đại diện nông dân khởi kiện vào cuối tháng 7. Đó là luật sư Nguyễn Văn Hậu, luật sư Nguyễn Thành Hiệp (Đoàn luật sư TP HCM) và hai cán bộ của Hội Nông dân huyện Cần Giờ.
Cũng trong hôm nay, Hội Nông dân TP HCM có buổi làm việc với Vedan theo đề nghị của công ty này, để cung cấp các thông tin, tài liệu cho Vedan về thiệt hại của nông dân Cần Giờ, nhằm thỏa thuận lầ cuối mức bồi thường. Vedan đã từ chối lời đề nghị của chính quyền TP HCM đi thực địa xác minh thiệt hại của nông dân, dù trước đó đã kêu ca rất nhiều về việc “không được phép tham dự điều tra để kiểm chứng”.