Kiểm tra các Cây Di sản Việt Nam được vinh danh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
6/19/2021 10:50:00 AM
(VACNE) - Vừa qua thường trực Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường tỉnh Cao Bằng đã đi thăm và kiểm tra lại các cây Di sản Việt Nam tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được công nhận từ 2010-2020.
Tại xóm Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An rừng cây Nghiến cổ thụ với hơn 80 cây đã được công nhận là quần thể cây DSVN năm 2017. Đây là khu rừng Nghiến nguyên sinh còn lại duy nhất của tỉnh được cộng đồng nhân dân xóm Bó Dường đoàn kết bảo vệ từ hàng trăm năm nay. Kể từ khi được công nhận là cây DSVN, Ban quản lý công viên địa chất non nước Cao Bằng đã cùng quan tâm triển khai dự án để khai thác tiềm năng du lịch nơi đây. UBND xã Vân Trình đã cắm biển báo “Quy định bảo vệ khu rừng nghiến Di sản”cạnh đường đường quốc lộ 4A sát chân rừng với nhiều nội dung quy định rõ ràng, có tính pháp lý cao. Phía trong bia cây DSVN, từ lâu dân làng đã lập miếu thờ để bảo vệ khu rừng Nghiến. Năm 2011 miếu được xây dựng lại khang trang hơn, gần đây dân bản đã mở con đường đi lên miếu thờ nền lát gạch, 2 bên đường bó bờ để người dân và du khách đi lại dễ dàng. Bên trong khu rừng có hàng chục di tích những căn nhà tạm giam tù binh Mỹ năm 1968-1972, dự kiến cải tạo tu bổ lại một số nhà tạm giam, chỉnh trang lại đường đi lối lại trong khu rừng rộng chừng 9ha để du khách có thể dễ dàng di chuyển trong rừng. Theo lãnh đạo xã cho biết BQL công viên địa chất non nước Cao Bằng đã đến khảo sát địa điểm làm bãi đỗ xe ngoài đường để các đoàn đến tham quan khu rừng được thuận lợi.
Tại xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, cây Dẻ cổ thụ duy nhất có tuổi thọ hơn 100 năm, vẫn cho quả đều đặn hàng năm, chất lượng quả thơm ngon đặc trưng nhất được công nhận là cây DSVN năm 2016. Cây DSVN nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 206, cách Thác Bản Giốc khoảng 8km, sẽ là điểm đến tham quan, trải nghiệm hái quả của du khách thập phương. Để khai thác lợi thế của cây DSVN (cây ăn quả đặc sản) nói riêng và rừng Dẻ khu vực nói chung, BQL công viên địa chất đã đầu tư làm đường bê tông từ ngoài tỉnh lộ vào đến gốc cây DSVN để cho du khách đến tham quan trải nghiệm, và đường vào khu rừng Dẻ trồng đang thời kỳ rộ hạt cách đó vài trăm mét.
Tại xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng cây sung cổ thụ nhất Việt Nam được công nhận là cây DSVN năm 2018. Đây là tuyến công viên địa chất non nước Cao Bằng từ Pác Bó Hà Quảng sang Trùng Khánh khám phá xứ sở thần tiên Thác bản Giốc - Động Ngườm Ngao. Vì vậy cây Sung cổ thụ sẽ là điểm tham quan của du khách trong hành trình. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân khu vực về bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, hiện nay Lãnh đạo xã đang chỉ đạo thành lập HTX dịch vụ Vệ sinh môi trường, tiến tới thành lập chi hội bảo vệ môi trường, chỉ đạo Hội phụ nữ xã, xóm trồng hoa xung quang gốc cây Sung; đầu tư hàng rào xung quanh gốc cây, vệ sinh toàn bộ gốc, đổ thêm đất vào gốc rỗng để giữ gìn cây trường tồn lâu dài, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp.
Ảnh: Cây nghiến 500 năm ở xã Cách Linh huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng là 1 trong 4 cây cổ thụ qúy hiếm vừa được công nhận cây DSVN tháng 5/2021.
Tại xóm Lũng Túng, xã Kim Loan, Hạ Lang, cây nghiến cổ thụ nhất trong quần thể 8 cây có tuổi thọ hàng nghìn năm được công nhận là cây DSVN năm 2011 mọc sát đường, cách tỉnh lộ 6km các phương tiện dễ dàng di chuyển.
Bốn cây DSVN được công nhận tại huyện Hạ Lang cùng với Động Dơi, đền Bà Tô thị Hoạn (nhà Lê phong tặng) nơi khởi nguồn của sự tích Nàng tô thị Kỳ lừa lạng Sơn, đền Sùng Phúc là DSVH cấp quốc gia sẽ tạo thành quần thể các di tích văn hóa- lịch sử, môi trường hấp dẫn du khách đến tham quan chiêm ngưỡng cảnh quan nơi đây.
Qua đợt kiểm tra cây DSVN tại một số nơi có thể nói rằng, cây DSVN đã có vị trí xứng đáng góp phần khai thác tiềm năng du lịch cho địa phương. Môi trường sinh thái tiếp tục được bảo vệ, ý thức người dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Một số lãnh đạo địa phương huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã lập danh sách thống kê, có minh họa bằng hình ảnh những cây cổ thụ tiêu biểu độc đáo của cơ sở mình quản lý gửi lên huyện để nắm và quản lý bảo tồn.Trùng Khánh là huyện đầu tiên làm được công việc này, đây là sáng kiến hay cần nhân rộng để quản lý chặt chẽ những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh không bị đào bới chuyển ra ngoài tỉnh.Tuy nhiên một số cây DSVN có tuổi thọ lâu năm có nguy cơ gẫy đổ do gốc cây đã bị mọt rỗng nhiều có cây người lớn chui vào được như cây Sung Tổng Cọt, cây Nghiến Kim Loan. Vì vậy đề nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người dân địa phương và có biện pháp khắc phục ngay trong việc chăm sóc bảo vệ để sự sống cây DSVN trên địa phương tồn tại lâu dài với thời gian, góp phần tích cực gìn giữ màu xanh cho quê hương, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay./.
Đinh Ngọc Hải
Lượt xem : 1541