Vietnamese English
Kiểm soát đặc biệt dự án Formosa, bôxít Tây Nguyên

11/28/2017 10:40:00 AM

Bộ Tài nguyên dự kiến đưa 28 cơ sở công nghiệp trên toàn quốc vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có dự án Formosa Hà Tĩnh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên Môi trường sáng 27/11, Phó tổng cục trưởng Môi trường Hoàng Văn Thức cho hay, sau sự cố môi trường biển miền Trung, để tránh bị động trong công tác quản lý nhà nước, Bộ đã lập danh mục những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, tương tự như Formosa để đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

kiem-soat-dac-biet-du-an-formosa-boxit-tay-nguyen


Formosa cùng 27 dự án khác sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường. Ảnh: Đức Hùng.

Tổng cục Môi trường cho biết, có 16 tiêu chí để lựa chọn cơ sở nguy cơ ô nhiễm cao đưa vào diện kiểm soát đặt biệt, đó là các tiêu chí các ngành nghề  như sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản; quy mô dự án; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; quy trình kiểm soát…

"Bộ đã lấy ý kiến, thực hiện rà soát và dự kiến đưa 28 cơ sở vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có dự án Formosa ở Hà Tĩnh, bôxít Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim ở Núi Pháo… Những dự án trên khi nhắc đến tên thì tương đối đặc thù, nếu các doanh nghiệp không làm tốt công tác môi trường sẽ gây ảnh hưởng lớn", ông Thức nói.

Lãn đạo Tổng cục Môi trường cũng cho hay, với khoảng 300 dự án quy mô nhỏ hơn cũng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các tỉnh sẽ có cơ chế kiểm soát định kỳ, đôn đốc doanh nghiệp làm tốt công tác môi trường.

Danh sách đơn vị bị kiểm soát đặc biệt về môi trường có thể được cơ quan quản lý thay đổi theo thời gian. Ví dụ một doanh nghiệp bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sau 2 - 3 năm đầu tư thiết bị xử lý hiện đại, giúp chất thải, phát thải ra môi trường đều đạt tiêu chuẩn thì có thể đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt; ngược lại, doanh nghiệp khác có nguy cơ cao sẽ bị đưa vào danh sách này.

Sửa đổi quy chuẩn về khí thải ngành thép

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng cho biết, cơ quan này đang sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (Quy chuẩn QCVN 51:2013/BTNMT) đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép, nhằm "đáp ứng việc bảo vệ môi trường quốc gia và bảo đảm tất cả các cơ sở hoạt động công bằng trước pháp luật".

kiem-soat-dac-biet-du-an-formosa-boxit-tay-nguyen-1


Tổng cục phó Môi trường Hoàng Văn Thức tại buổi họp báo sáng 27/11. Ảnh: Võ Hải.

Ông Hoàng Văn Thức cho hay, thời gian qua, Bộ Tài nguyên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Trong quá trình rà soát, Bộ đã nhận diện một số vướng mắc, bất cập của quy chuẩn 51, trong đó có quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng.

"Tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn 51, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường", ông Thức nói.

Về phía Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 19-20% thay cho 7%.

Tổ soạn thảo quy chuẩn mới đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn trên, tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xem xét giảm nồng độ tối đa cho phép đối với một số thông số ô nhiễm (SO2, NOx) trong khí thải sản xuất thép, phù hợp với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trước đó vào năm 2014, Bộ Tài nguyên có văn bản cho Formosa áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu 15%, trong khi theo quy chuẩn 51 chỉ cho phép 7% như nêu trên. Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định, sửa đổi quy chuẩn 51 với đề xuất hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 15% “không phải để hợp thức hoá cho Formosa”.

“Quy chuẩn đưa ra áp chung cho một ngành chứ không phải để điều chỉnh riêng cho doanh nghiệp nào. Không có đặc cách đặc thù cho ai cả”, ông Thức nhấn mạnh và nêu rõ, dự án Formosa Hà Tĩnh cũng phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế.

Theo Bộ Tài nguyên, việc phát thải của Formosa trong giai đoạn vận hành thử nghiệm đang được giám sát chặt chẽ. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại… đều thấp hơn nhiều lần so với Quy chuẩn 51. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với quy chuẩn 51.

Bộ Tài nguyên cho rằng, việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, Formosa sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý để đáp ứng quy chuẩn Việt Nam.

Võ Hải/VnExpress

Lượt xem : 2125