Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu): câu hỏi về sự bất cập giữa luật pháp và thực tiễn còn bỏ ngỏ.
1/27/2010 2:52:00 PM
Thực tiễn hiện nay cho thấy không ít khu bảo tồn thiên nhiên trên dãy Trường Sơn chỉ được bảo vệ tốthơn khi được sử dụng mang lại lợi ích cho địa phương hay sinh kế cho người dân, nhưng chính việc sử dụng lại gây sức ép thậm chí vi phạm quy chế bảo tồn. Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu là một trường hợp.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là phần đuôi phía Đông Nam dãy Trường Sơn, được thành lập năm 1978 theo Quyết định số 634/UB ngày 6/5/1978 của Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai (cũ), ban đầu có tên gọi là Khu Rừng cấm Bình Châu - Phước Bửu. Năm 1986, khu rừng cấm này được công nhận trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam theo Quyết định 194-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (cũ).
Tập đoàn cây Tràm nước tại resort Bình Châu - Saigon Tourism
Đây là một trong số ít khu vực nằm dọc theo bờ biển Việt Nam có độ che phủ rừng tự nhiên cao. Khí hậu đặc trưng bởi lượng mưa thấp, mùa khô kéo dài không thích hợp canh tác nông nghiệp. Diện tích che phủ rừng của khu bảo tồn là 7.224 ha chiếm 64% diện tích khu bảo tồn, trong đó có 7.117 ha là rừng tự nhiên, đặc trưng với kiểu rừng rụng lá với các loài cây họ Dầu chiếm ưu thế (hệ sinh thái rừng khộp). Đặc biệt vì là rừng khô ven biển nên tại đây có tập đoàn cây tràm nước rất đặc thù.Tại Bình Châu-Phước Bửu, đã phát hiện 49 loài thú, 106 loài chim, 38 loài bò sát và 12 loài ếch nhái. Trong số đó có các loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu như Khỉ mặt đỏ Macaca arctoides, Gà lôi hông tía Lophura diardi và Bồ câu nâu Columba punicea. Hệ thực vật gồm 732 loài thuộc 123 họ với 114 loài thực vật quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai Bà Rịa, xoan đào, trắc, giáng hương, huỳnh đàn, bình linh...
Vào năm 2008, có gần 55 ngàn dân sống ở vùng đệm khu bảo tồn .Ngay vùng lõi cũng có 6 xã, người dân sống bằng nông nghiệp nhưng đời sống phần lớn phụ thuộc vào rừng. Mạng đường liên xã, liên thôn và đường mòn khá phát triển khiến cho việc vi phạm lâm luật dễ có điều kiện phát triển. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc đã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu xử lý 57 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Tính đến tháng 5/2009 đã có 20 dự án du lịch đầu tư vào hoặc liên quan đến khu bảo tồn này theo loại hình du lịch sinh thái hoặc du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng được cấp phép. Tổng diện tích đầu tư của các dự án này khoảng 1.500ha, tương đương 1/3 tổng diện tích khu bảo tồn. Trong số này có 9 dự án du lịch đã làm xong thủ tục đất đai và một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch resort Sài Gòn-Bình Châu-Hồ Cốc, Viễn Đông, Vên Vên, Hương Phong… Trung bình mỗi năm khu bảo tồn này đón khoảng 2.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng, tham quan có hướng dẫn và khoảng 5.000 lượt khách là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về khu bảo tồn. Nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, nhà nghỉ, biệt thự du lịch, hồ bơi,… đã được xây dựng, nhiều loài sinh vật ngoại lai như cây cảnh được đưa vào trồng, thậm chí cá sấu được đưa vào nuôi. Khu du lịch Sài Gòn - Bình Châu đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) công nhận là một trong 65 “Khu du lịch sinh thái bền vững nhất trên thế giới” (?) mặc dù nó tọa lạc ngay trong vùng lõi của khu bảo tồn.
Ngày 3/3/2006, Chính phủ đã ra Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, theo đó cấm tuyệt đối mọi hành động đưa sinh vật lạ vào khu bảo tồn, xây dựng, thay đổi cảnh quan vùng lõi, hoặc việc quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần đối với khu bảo tồn đã được xác lập phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Địa điểm xây dựng nhiều dự án resort du lịch trong khu BTTN Bình Châu - Phước Bửu đều nằm trong phân khu quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên cũng nhờ có các điểm du lịch này mà thiên nhiên của khu bảo tồn được bảo vệ tốt hơn dù không nguyên trạng. Như vậy ở đây xuất hiện một nghịch lý: không phát triển loại hình resort du lịch thì không bảo vệ được thiên nhiên, nhưng chính phát triển loại hình du lịch này lại vi phạm quy chế khu bảo tồn. Cần phải giải quyết nghịch lý “ muốn thực hiện luật thì phải phạm luật” này như thế nào? Với việc phát triển 20 dự án du lịch, sớm hay muộn Bình Châu – Phước Bửu cũng không còn đủ giá trị của một khu bảo tồn thiên nhiên theo đúng chuẩn, nhưng nếu không phát triển du lịch thì việc tàn phá khu bảo tồn này có thể còn nhanh hơn. Những điều xảy ra ở Bình Châu – Phước Bửu cũng là thử thách đối với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác trên dãy Trường Sơn và nhiều vùng đất nước./.
Lượt xem : 10629