Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên
10/22/2009 2:34:00 PM
TP - Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế Tài nguyên. Nhiều ý kiến không hài lòng với dự thảo luật bởi chưa làm rõ được tài nguyên nào khuyến khích khai thác, tài nguyên nào cần bảo vệ cho con cháu sau này.
|
Nhiều đại biểu Quốc hội: Không nên khuyến khích xuất khẩu than. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính & Ngân sách của Quốc hội, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, có phần kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương.
Luật thuế này sẽ là công cụ vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo.
Phát biểu tại đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã thất thu khá nhiều trong lĩnh vực khai thác tài nguyên.
“Là thành viên Chính phủ nhưng tôi tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính & Ngân sách, luật thuế ban hành phải làm sao giữ được tài nguyên cho con cháu sau này”- Ông Nguyên nói.
|
Trung Quốc mua khoáng sản thô không phải để phục vụ sản xuất ngay mà họ đưa vào những mỏ nhân tạo. Dự báo nguồn tài nguyên trên toàn cầu đang dần cạn kiệt, nên phải sau năm 2050 Trung Quốc mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất. - Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên.
|
|
Thực tế là, trước đây giao mỏ cũng không ai nhận, do không có thị trường. Việc khai thác chỉ rộ lên trong mấy năm gần đây. Dẫn đến, các địa phương cấp phép khai thác mỏ tràn lan. Đặc biệt, sau khi phân cấp về địa phương, đã có tới hơn 4.000 giấy phép khai thác được cấp, trong khi Bộ TN&MT chỉ ban hành hơn 100 giấy phép.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng tình, phải kiểm tra ngay việc cấp phép khai thác mỏ tràn lan tại các địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, việc khai thác khoáng sản để phục vụ sản xuất trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần khuyến khích. Còn đơn thuần khai thác rồi xuất khẩu thô thì phải xem xét cẩn trọng. Đáng tiếc là những quy định trong dự thảo luật chưa làm rõ được quan điểm này.
Đại biểu Tất Thành Cang (TPHCM) cho rằng, phải tăng mạnh thuế suất đối với những tài nguyên không tái tạo được. Tiến tới, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.
Khung thuế phải do Quốc hội quyết
Dự thảo luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, có đề xuất, Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính & Ngân sách cho rằng, điều này là không hợp lý, bởi Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó có mức thuế suất cụ thể. Trong trường hợp thật đặc biệt, để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thuế suất cụ thể.
“Thuế suất không thể giao Chính phủ quy định mà đã được hiến định là Quốc hội quyết”- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói. Nội dung này đã được quy định trong Hiến pháp nên việc giao Quốc hội quyết định mức thế suất là điều không cần phải bàn cãi.
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cũng cho rằng, dự thảo luật lặp lại tình trạng luật khung, luật ống, giao cho Chính phủ hướng dẫn quá nhiều. Trong khi đó, khung thuế suất lại quá rộng, rất dễ dẫn đến việc vận dụng tùy tiện, nảy sinh cơ chế xin - cho. Ngoài ra, một số quy định về giá tính thuế trong dự thảo luật cũng không khả thi, còn cảm tính.
Hà Nhân
(TienPhong, 22/10/2009)
Lượt xem : 2018