Vietnamese English
Không giữ được sếu là mắc tội với tương lai

4/22/2010 3:24:00 PM

Giữ chân sếu đầu đỏ (SĐĐ) không chỉ là bảo vệ loài chim cổ xưa, có giá trị thẩm mỹ cao, có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian ở nhiều quốc gia, trong đó có VN, mà còn giữ được các vùng đất nơi chúng sinh sống.

 
Sếu đầu đỏ.
 

Ở đó còn nhiều vấn đề rất cần các nhà khoa học trong tương lai nghiên cứu, tìm hiểu, giải mã cuộc sống. Nếu hôm nay không giữ được sếu, chắc chắn chúng ta sẽ mắc trọng tội với tương lai.

Đó là khẳng định của TS Trần Triết - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất ngập nước (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM), đại diện ICF khu vực Đông Nam Á - tại buổi trao đổi riêng với PV Lao Động về nguy cơ chim sếu biến khỏi đất Kiên Giang. TS Triết cho biết:

- SĐĐ có tên trong sách Đỏ VN và thế giới. Đàn SĐĐ ở vùng hạ lưu sông Mê Kông hiện chỉ còn khoảng 800 cá thể, nghĩa là số lượng trong tự nhiên rất thấp. Mức độ sinh sản của chúng càng thấp, mỗi năm đẻ một lần từ 2-4 trứng. Sếu non có nhu cầu thức ăn rất cao để 5 tháng sau sinh, có thể đạt đến kích thước gần trưởng thành, bay xa hơn 1.000km trong mùa di cư đầu đời. Trong mùa khô, chúng sống tập trung thành đàn đông, vì thế chỉ cần một thay đổi về môi trường sống, hoặc xuất hiện dịch bệnh là khả năng bị ảnh hưởng đến số lượng quần thể, thậm chí là tuyệt chủng là rất lớn.

- Nhưng trong sách Đỏ thì còn rất nhiều động vật cần bảo vệ, sao ta lại dành ưu tiên cho SĐĐ, thưa TS?

- Đúng là có nhiều loài cần được bảo vệ. Tuy nhiên, SĐĐ có vai trò khá đặc biệt nên việc được dành ưu tiên là thoả đáng. SĐĐ không chỉ là động vật có giá trị thẩm mỹ cao, có vị trí rất đặc biệt trong đời sống tinh thần, mà còn được xem như một chỉ báo cho chất lượng môi trường.
 
Sếu có yêu cầu khắt khe về chất lượng môi trường ở những vùng chúng sinh sống. Sự ra đi của sếu là một chỉ thị cho thấy chất lượng môi trường thiên nhiên đang xuống cấp. Giữ được sếu có nghĩa là giữ được cả hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó có nhiều sinh vật khác cùng sinh sống.

Điều quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên là bảo vệ được toàn bộ hệ sinh thái. Trong khi đó, sếu là loài rất đặc sắc, vừa là đại biểu cho cả hệ sinh thái, vừa là chỉ thị cho sự thành công của công tác bảo tồn. Vì thế giữ được sếu có ý nghĩa rộng và xa hơn.

- TS có thể nói rõ hơn?

- Giữ được sếu là giữ được hệ sinh thái tự nhiên, dự trữ được cơ sở thiên nhiên để sau này con cháu chúng ta có cơ hội tìm hiểu được nhiều điều mà hiện nay chúng ta chưa biết hết. Giữ được sếu còn làm nâng cao hình ảnh của đất nước ta trong mắt bạn bè thế giới: Một nước đang phát triển, còn chật vật với chén cơm manh áo, nhưng vẫn nâng niu được giá trị thiên nhiên.

Ở Thái Lan, khoảng trước 40 năm trước đây, cũng có sếu đến trú ngụ, nhưng nay chỉ còn trong sở thú. Chính phủ Thái Lan rất quyết tâm, sẵn sàng chi đến hàng chục triệu USD nhằm khôi phục lại đàn sếu ngoài thiên nhiên, nhưng xem ra khả năng thành công là rất mong manh.

- Nhưng còn áp lực tăng lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu?

- Áp lực gia tăng không có nghĩa là chúng ta trồng lúa mọi lúc mọi nơi, kể cả những nơi không hề thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Hiện ĐBSCL có trên 3 triệu hécta đất trồng lúa, lấy thêm vài ngàn hécta đất ngập nước tự nhiên để trồng lúa có lẽ không giúp ích gì thêm nhiều, nhưng thiệt hại về thiên nhiên thì lớn quá.

Mô hình kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hoá bản địa và nâng cao đời sống người dân Phú Mỹ cho thấy, nếu ta có cách làm tốt thì có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng mà không nhất thiết phải hy sinh chất lượng môi trường hay huỷ diệt thiên nhiên. Ngoài ra, giữ gìn tốt các vùng đất ngập nước tự nhiên còn có thể giúp ta thích nghi tốt hơn với khí hậu đang biến đổi. 

 
Lục Tùng
(Lao Động, 22/4/2010)

Lượt xem : 1614