Vietnamese English
Không đạt kế hoạch về độ che phủ rừng trên toàn quốc

12/10/2015 1:37:00 PM

Độ che phủ của rừng tăng từ 39,7% (năm 2011) lên 40,43% năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 40,73% nhưng kết quả không đạt so với mục tiêu. Thông tin này được đưa ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2015) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng mặc dù độ che phủ rừng không đạt kế hoạch, kết quả trồng rừng không đồng đều giữa các địa phương, công tác trồng rừng thay thế chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng ngành lâm nghiệp đã thay đổi được nhận thức của toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, khi đã lấy rừng thì phải trồng bù rừng. Trước tình trạng khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng giảm khoảng 300.000ha, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng điều này cho thấy công tác kiểm kê, đo đạc rừng đã bị sai số rất lớn do quản lý thủ công. Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hoàn thành công tác kiểm kê bằng số hóa – TTXVN đưa tin.


Sau hơn 5 năm triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngành lâm nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng xấp xỉ 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 5,95%/năm, so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần, ước đạt khoảng 6,8-7,0 tỷ USD vào năm 2015. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, nguyên nhân là do kết quả điều tra, kiểm kê rừng 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương bị lệch so với số liệu báo cáo năm 2013 khi tổng diện tích rừng bị giảm 157.949 ha, tương ứng khoảng 0,53% độ che phủ rừng toàn quốc.

Nông dân ký chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

Bà con nông dân 4 huyện của tỉnh An Giang, bao gồm: Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn và TP Long Xuyên vừa hưởng ứng chiến dịch thu thập chữ ký chung tay bảo vệ môi trường nông thôn mang tên “Môi trường sạch – Cuộc sống xanh” – theo MONRE..

Theo đó, bào con nông dân cam kết sẽ thực hiện thu gom các vỏ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng và vận động cộng đồng chung tay thực hiện để bảo vệ môi trường nông thôn. Qua 2 ngày đầu phát động đã có hơn 1.000 lượt nông dân tham gia chương trình, thu được 3,5 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV ngoài môi trường.

Năm 2016, Việt Nam sẽ chịu hạn hán kỷ lục

Hiện tượng hạn hán do El Nino đang tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta kéo dài đến hết mùa Đông Xuân năm 2015-2016. Theo đó hiện tượng hạn hán do El Nino đang tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục như hồi năm 1997 - 1998 và kéo dài đến hết mùa Đông Xuân năm 2015 - 2016. Ngoài cường độ mạnh, hạn hán trong vụ này cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua: Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên.

Từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa, dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ở các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP HCM – theo Báo Giao Thông Vận Tải.

Nguồn gốc chất độc thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam và láng giềng

Mỗi năm, khoảng 100 triệu người ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc bị nhiễm độc từ nguồn nước chứa thạch tín. Nồng độ thạch tín trong nước uống ở các quốc gia Đông Nam Á đôi khi cao gấp 20, 30 hoặc 100 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đi tìm nguyên nhân khiến thạch tín phổ biến ở Đông Nam Á hơn những khu vực khác trên thế giới – VnExpress cho biết.

Đa số thạch tín hình thành tự nhiên do sản phẩm phụ từ hoạt động vi khuẩn trong đất. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 30/11, các nhà nghiên cứu tìm ra nguồn cung cấp thức ăn của vi khuẩn giải phóng thạch tín. Các nhà khoa học từ lâu đã hiểu quá trình giải phóng thạch tín vào nước ngầm. Khi nguồn khí oxy hạn chế, một số vi khuẩn trong đất sử dụng oxit sắt để hô hấp, khiến thạch tín liên kết với oxit sắt bị tách ra và thấm vào nước chảy qua lòng đất. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa biết tại sao quá trình này diễn ra phổ biến hơn ở một số nơi. Để hiểu rõ hơn điều gì khuyến khích vi khuẩn giải phóng thạch tín, các nhà khoa học quyết định xem xét những khu vực châu Á nơi nhiễm độc thạch tín phổ biến nhất. "Chúng tôi tập trung vào vùng đất ngập nước  bởi đây là loại hình đất thường thấy ở Campuchia, Việt Nam và nhiều quốc gia khác bị nhiễm độc thạch tín", Fendorf nói.

Ảnh vệ tinh hé lộ thảm họa ô nhiễm không khí Trung Quốc

Theo Live Science, ảnh chụp vệ tinh gần đây chỉ ra những đám mây mù bao phủ vùng đông bắc Trung Quốc dày đến mức có thể thấy rõ từ không gian. Bức ảnh được vệ tinh theo dõi Trái Đất Suomi NPP của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp hôm 30/11. Gần như ngay sau khi bức ảnh chụp được công bố, các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra báo động cam dành cho tình trạng ô nhiễm nặng với Chỉ số chất lượng không khí (AOI) nằm trong khoảng 201 - 300. Tuy nhiên, hôm 7/12, họ phải nâng lên báo động đỏ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra báo động đỏ về ô nhiễm không khí, cho thấy chỉ số AQI vượt quá 300. Hàng triệu người dân được khuyên nên ở trong nhà, lái xe bị hạn chế và có lệnh cấm nấu nướng ngoài trời – theo VnExpress.

Ở thời điểm vệ tinh chụp những bức ảnh, mật độ chất dạng hạt trong không khí là 666 microgam trên một mét khối khí, theo thiết bị cảm biến trên mặt đất ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Chất dạng hạt là những phân tử nhỏ hơn 2,5 micromet bay lơ lửng giữa khí quyển. Phần lớn các hạt này đến từ nhiên liệu hóa thạch đốt cháy như than đá hoặc sinh chất như gỗ và phụ phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, than đá giải phóng cacbon dioxide (CO2) và sulphur dioxide (SO2) vào không khí khi bốc cháy. SO2 kết hợp với hơi nước tạo thành axit sunfuric và hợp chất sulphate. Khi axit sunfuric phản ứng với nước trong không khí, nó hình thành mưa axit gây hại cho môi trường, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ.

Nhật Bản theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm tại Bắc Kinh

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 9/12 cho biết, nước này sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm trọng tại Bắc Kinh,Trung Quốc. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ theo dõi những vấn đề có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô Bắc Kinh cũng như các thành phố khác của Trung Quốc – theo VOV.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp thông tin và trang bị cho cư dân Nhật Bản những biện pháp cần thiết để phòng chống các loại dịch bệnh có thể phát sinh do vấn đề ô nhiễm không khí thông qua các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, như Đại sứ quán và các Lãnh sự quán của Nhật Bản. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu các vấn đề về môi trường Nhật Bản cho biết, mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí đang xảy ra rất nghiêm trọng tại Bắc Kinh, tuy nhiên, không tác động nhiều đến Nhật Bản. Nhật Bản cũng cam kết sẽ tham gia và hỗ trợ tích cực bên cạnh những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm tại Bắc Kinh.

Trái đất có thể hoàn toàn dùng năng lượng sạch vào năm 2050

Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Stanford và trường đại học UC Berkeley cho thấy đến năm 2050 thì toàn bộ năng lượng mà con người sử dụng có thể hoàn toàn được cung cấp bởi nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra bản đồ và dự báo những loại năng lượng mới sẽ được dùng trong tương lai trên toàn thế giới và kết luận rằng con người sẽ sớm có thể đạt được mục tiêu sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng sạch – theo Nhân Dân.

Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu tin vào kết quả của nghiên cứu là việc giảm giá rất nhanh của các nguồn năng lượng mới. Chẳng hạn, giá thành năng lượng gió hiện đã thấp hơn khí gas tự nhiên nên những năm tới việc chuyển đổi nguồn năng lượng hay xây dựng các nhà máy phát điện bằng nguồn năng lượng mới sẽ không còn khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý việc chuyển sang năng lượng sạch sẽ cho phép giảm chi phí cho chăm sóc sức khỏe do hậu quả của ô nhiễm môi trường đến từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 3013