Khởi sắc môi trường nông thôn
8/9/2015 7:33:00 AM
Tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai đang gặp khó, khi điều kiện cơ sở hạ tầng, kiến thức và tập quán sinh hoạt của người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên nên công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã khởi sắc.
Tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai đang gặp khó, khi điều kiện cơ sở hạ tầng, kiến thức và tập quán sinh hoạt của người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên nên công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã khởi sắc. Ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai khẳng định như vậy với báo Đại Đoàn Kết.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi nhiều diện mạo làng quê
Ảnh: T. Thi
PV: Thưa ông, Lào Cai được đánh giá là một trong những tỉnh quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng NTM. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Ông Giàng Seo Vần: - Vệ sinh môi trường nông thôn đang trở thành đề tài nóng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Để giảm thiểu tác động đến môi trường, ngay trong năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch “Xây dựng đời sống văn hóa, cải tạo tập quán lạc hậu”, trong đó nhấn mạnh những vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến môi trường của bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng biên giới. Tuy nhiên, để làm tốt việc này ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì người dân phải tự ý thức bảo vệ môi trường ngay từ chính gia đình, dòng họ.
Trong Đề án 14 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu, cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn” thì Tỉnh ủy đã giao cho MTTQ tỉnh chủ trì, thực hiện. Theo đó, Mặt trận phải hướng trọng tâm về cơ sở, tập trung đi sâu vào các nội dung như: Tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cấp huyện, xã, thôn, bản thực hiện. Đổi mới công tác tuyên truyền cho phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Nghiên cứu, đề xuất các chế tài thực hiện tại cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của người dân bằng việc nghiên cứu, ban hành các hương ước trên cơ sở nguyện vọng, phong tục tập quán của người dân…
Vậy trong quá trình triển khai thực hiện, kết quả nổi bật nhất trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn tại Lào Cai là gì thưa ông?
- Đồng bào vùng cao từ lâu đã quen với phong tục, tập quán lạc hậu nên lúc đầu Mặt trận tổ chức tuyên truyền bà con rất khó tiếp cận như xây dựng nhà tiêu vệ sinh. Tuy nhiên, đến nay ý thức người dân trong việc cải thiện môi trường sống đã nâng lên một bước đáng kể. Để thúc đẩy việc này, tỉnh Lào Cai cũng quan tâm, hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo 50% nguồn kinh phí xây dựng nhà tiêu. Với mẫu định hình nhà tiêu trị giá 4,5 triệu đồng thì tỉnh đã hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo 2 triệu/1 nhà tiêu. Riêng đối với địa hình vùng cao thường xuyên bị khô hạn đây là những nơi rất khó khăn để xây dựng được một nhà tiêu hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2015, MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, đặc biệt các đoàn thể, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau giúp cho tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn tỉnh nâng lên. Đến nay, 144 xã ở vùng cao, biên giới tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 70%. Đây được xem là con số tích cực.
Được biết, ngoài xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, Lào Cai cũng luôn chú trọng đến việc thu gom rác thải để bảo vệ cảnh quan, môi trường sống trong lành, thưa ông?
- Việc thu gom rác thải ở khu vực nông thôn là việc làm quan trọng, việc này liên quan trực tiếp đến việc xây dựng tổ liên gia, tổ tự quản trong từng KDC. Để đảm bảo việc này được thực hiện thường xuyên, các địa phương đã bố trí và cắt cử người thu gom rác thải hàng tuần để đảm bảo vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Hiện nay, trên 80% các KDC đã thành lập được các tổ liên gia, tổ tự quản khiến việc thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nông thôn có chuyển biến rõ nét.
Với đặc thù là tỉnh có đông đông bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện sinh hoạt lạc hậu cũng khiến công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn, vậy những khó khăn đặt ra đối với công tác môi trường tại Lào Cai là gì thưa ông?
- Vấn đề đang đặt ra với Lào Cai hiện nay là môi trường, thời tiết, nước sinh hoạt. Tại một số vùng của Lào Cai, nước sinh hoạt của người dân đang bị thiếu trầm trọng. Riêng đối với Lào Cai việc tuyên truyền, vận động cho người dân làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là cả một vấn đề lớn vì đối với người dân vùng cao, đặc biệt vùng biên giới thường xuyên bị khô hạn, nước sinh hoạt cho người dân không đủ dùng.
Mặt trận là đơn vị được tỉnh chọn chủ trì, thực hiện tuyên truyền về vệ sinh môi trường nông thôn nhưng đội ngũ cán bộ có đủ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực môi trường còn yếu và thiếu, ý thức bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa gắn với tập tục sinh hoạt lạc hậu ở mức độ nào đó vẫn chưa có những chuyển biến rõ nét.
Để giải quyết được bài toán này, Mặt trận cần có giải pháp thế nào để nâng cao ý thức người dân, thưa ông?
- UBMTTQ tỉnh Lào Cai sẽ thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành và các tổ chức thành viên của MTTQ tại địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, của từng đơn vị, cơ quan, gia đình về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; Tích cực tuyên truyền để bà con xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng cường đẩy mạnh để cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu…
Trân trọng cám ơn ông!
Nhã Phương (thực hiện)
Lượt xem : 2418