Vietnamese English
Khôi phục hệ sinh thái của 400 loài động thực vật ở ĐBSCL

12/7/2017 6:19:00 AM

Ngày 5/12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Công ty Intel Việt Nam cùng hợp tác khôi phục một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen - ngôi nhà của hơn 400 loài động thực vật đa dạng, cung cấp sinh kế cho hơn 9.000 người dân sống xung quanh đó.

 Sau nỗ lực tái trồng hơn 12.000 cây tại những khoản rừng bị suy thoái trong Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen năm 2016, công ty Intel Products Vietnam (Intel) và WWF tiếp tục hỗ trợ khôi phục sinh cảnh hoang dã địa phương, với dự án trồng thêm 7.000 cây vào cuối năm 2017. Ngày 4 và 9/12/2017, sẽ có 270 tình nguyện viên đến từ Intel tham gia hoạt động trồng rừng cùng Khu bảo tồn và người dân địa phương.



Chính thức thành lập vào năm 2004, 
Khu bảo tồn Đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen, tỉnh Long An, là một trong số ít những sinh cảnh tự nhiên còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, với gần 400 loài động thực vật đa dạng. Sinh cảnh ĐNN Láng Sen cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ sinh thái, như nước ngọt và nguồn lợi thủy sản, cho hơn 9.000 người dân trong khu vực.

Những năm gần đây, sự biến đổi nhanh chóng về các yếu tố khí hậu như 
nhiệt độ và lượng mưa, cũng như về chế độ thủy văn của sông Mekong, đã làm cảnh quan rừng tại đây xuống cấp nghiêm trọng, gây sức ép lên các hệ sinh thái vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho Đồng bằng sông Cửu Long và là nguồn cung cấp thu nhập quan trọng cho người dân địa phương.

Do vậy WWF và Intel bắt đầu hợp tác xây dựng dự án
 khôi phục rừng bị suy thoái vào năm 2016, vừa nhằm bảo tồn sinh cảnh cho các loài hoang dã và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương đang sống phụ thuộc phần lớn vào hệ sinh thái của khu vực.

Hơn 12.000 cây gáo vàng và cây tre, là những giống cây bản địa, có phân bố tự nhiên hoặc đã có mặt lâu đời tại địa phương và là một thành phần quan trọng của các hệ sinh thái trong khu vực, đã được trồng trong quá trình thực hiện 
dự án vào năm 2016.

Với tỉ lệ cây sống trung bình hơn 80%, khu vực rừng tái trồng đã góp phần vào nỗ lực của WWF trong việc duy trì sinh cảnh hoang dã, cải thiện khả năng điều tiết của đất ngập nước để giảm thiểu các tác động tiêu cực của lũ lụt và hạn hán, và cung cấp các lâm sản ngoài gỗ (như tinh dầu cây tràm, mật ong, các loại dược liệu hoặc dịch vụ du lịch sinh thái rừng) để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo trong khu vực Láng Sen.

"Sự hỗ trợ của Intel trong việc trồng thêm 7.000 cây tại KBT sẽ giúp nhân rộng kết quả tích cực mà dự án bước đầu đạt được từ năm 2016 tại khu vực rộng 5.030 ha của Láng Sen", Bà Trịnh Thị Long – Điều phối Chương trình bảo tồn Nước, WWF, cho biết, "và đóng góp vào chiến lược của WWF giúp KBT ĐNN Láng Sen và cộng đồng địa phương tăng cường khả năng chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.”

Hoạt động trồng cây năm 2017, sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đa phương, giữa WWF, KBT ĐNN Láng Sen và Intel, trong việc tiếp tục phát triển bền vững sinh cảnh hoang dã tại địa phương.

Bà Hồ Thu Uyên - Giám đốc Đối Ngoại Intel Việt Nam và Malaysia - chia sẻ: “Việc hợp tác với WWF để khôi phục sinh cảnh hoang dã tại Khu bảo tồn Láng Sen từ năm 2016, không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung trong việc hành xử có trách nhiệm đối với môi trường sống của chúng ta. Intel cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và các tình nguyện viên cùng chung tay với Intel và WWF để bảo tồn khu sinh cảnh tuyệt đẹp này mà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho Việt Nam.”

Anh Tuấn (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 2269