Vietnamese English
Khởi động dự án Bảo vệ Đa dạng Sinh học và Hệ sinh thái của Trung Trường Sơn

5/31/2019 7:15:00 AM

Hàng ngàn người dân trong khu vực Trung Trường Sơn sẽ cùng dự án Dự trữ Các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CarBi) II bảo vệ và tăng cường sinh kế của mình trong 5 năm tới (2019 – 2024).

 Dự án sẽ đóng góp vào việc bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn. Nối tiếp thành công của giai đoạn I, dự án CarBi giai đoạn II đặt mục tiêu tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên của khu vực rừng tự nhiên xuyên biên giới, trải dài 242.000 héc-ta tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam của Việt Nam và hai tỉnh Sekong và Salavan của Lào. Dự án được thực hiện bởi WWF và các đối tác tại bốn tỉnh trên. 

 

Khởi[-]động[-]dự[-]án[-]Bảo[-]vệ[-]Đa[-]dạng[-]Sinh[-]học[-]và[-]Hệ[-]sinh[-]thái[-]của[-]Trung[-]Trường[-]Sơn
 
Khu vực Trung Trường Sơn là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên liền mạch rộng lớn nhất châu Á. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với 134 loài động vật có vú và hơn 500 loài chim. Đặc biệt, một số loài động vật quý hiếm và đặc hữu trong khu vực mới chỉ được khoa học biết tới trong mấy thập kỷ gần đây như Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và Mang lớn (Muntiacus vuquanghensis). Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các khu vực có thiên nhiên trù phú khác tại châu lục, sinh cảnh nơi đây đang bị đe doạ bởi nhiều hoạt động phát triển của con người như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp pháp và bất hợp pháp trên diện rộng; khai thác gỗ bất hợp pháp; và săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Những vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém như hạn chế trong thực thi pháp luật, sự phụ thuộc của người dân địa phương vào nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng cũng như hiểu biết ít về mối liên hệ giữa gìn giữ hệ sinh thái và sự thịnh vượng của với cuộc sống con người. 
 
Dựa vào thành quả giai đoạn I (2011 – 2017), dự án CarBi sẽ tiếp tục tập trung vào giải quyết các mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu vực với nhiều hoạt động mở rộng và tăng cường. Tăng cường sự tham gia của người dân địa phương, những người phần lớn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên cho kế sinh nhai, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích họ thay đổi hành vi vì bảo tồn là một trong những triết lý hoạt động chủ đạo của dự án. Dự án sẽ triển khai những chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhằm giảm động cơ khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp. Một cách tiếp cận mới đó là chương trình Quỹ Phát triển Thôn – được quản lý bởi chính người dân để thay đổi sinh kế hay gia tăng thu nhập từ các hoạt động nông lâm kết hợp hoặc sinh kế khác. Ít nhất 50 thôn, trong đó có 30 thôn tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, sẽ được hưởng lợi từ hoạt động này.
 
Dự án sẽ là thực hiện mô hình đầu tiên tại Việt Nam thí điểm xây dựng cơ chế Bồi hoàn Đa dạng Sinh học – một cơ chế tài chính bền vững hiện đã được thực thi thành công tại một số quốc gia. Cơ chế này sẽ yêu cầu những bên sử dụng dịch vụ môi trường/hệ sinh thái không những trả tiền cho loại dịch vụ họ sử dụng mà còn phải bồi hoàn những mất mát về đa dạng sinh học do việc sử dụng đó gây ra. Mô hình sẽ được triển khai đầu tiên tại hai tỉnh của Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ mô hình sẽ được đề xuất lên cấp trung ương, bổ sung vào khung pháp lý để triển khai trên toàn quốc. Cùng với đó, một số mô hình khác đã được dự án áp dụng thành công trong giai đoạn một sẽ vẫn được tiếp tục triển khai như Quản lý Rừng dựa vào Cộng đồng và Chi trả Dịch vụ Môi trường Rừng. Những mô hình này đều góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời cho thấy tính hiệu quả của việc bảo tồn dựa vào cộng đồng. 
 
Khởi[-]động[-]dự[-]án[-]Bảo[-]vệ[-]Đa[-]dạng[-]Sinh[-]học[-]và[-]Hệ[-]sinh[-]thái[-]của[-]Trung[-]Trường[-]Sơn
 
Trong giai đoạn II, CarBi sẽ khuyến khích chính những người dân chủ động nâng cao nhận thức cho cộng đồng mình sinh sống về bảo vệ các loài hoang dã. Giai đoạn I của dự án đã chứng kiến những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của người dân tại xã A Roàng và Thượng Nhật khi được hai nhóm thanh niên tình nguyện tuyên truyền về bảo tồn. Do đó, mô hình này sẽ được nhân rộng với ít nhất 10 nhóm mới tại hai tỉnh. 
 
Hiện nay, mối đe doạ lớn nhất đối với các loài hoang dã trong khu vực đó là nạn đặt bẫy nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán, tiêu thụ thịt động vật hoang dã ngày càng cao, đặc biệt tại các đô thị lớn. Do đó, để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn trực tiếp tại các KBT, chấm dứt buôn bán và tiêu thụ các loài hoang dã sẽ là một trong những trọng tâm hoạt động của dự án trong thời gian tới. Dự án sẽ xác định những điểm nóng chợ buôn bán và nhà hàng phục vụ thịt động vật hoang dã; hợp tác với chính quyền địa phương để tăng cường thực thi pháp luật với sự kết hợp của nhiều ban ngành; và thúc đẩy hợp tác giữa Lào và Việt Nam trong cuộc chiến này. 
 
Tất cả những hoạt động trên sẽ hỗ trợ những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực bao gồm tăng cường thực thi pháp luật trong các KBT được lựa chọn; điều tra đa dạng sinh học bằng những phương pháp đổi mới; giới thiệu và áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến trong các KBT. Đây là những hoạt động chính của dự án xuyên suốt hai giai đoạn, với những thành công tạo ra thay đổi lớn trong bảo tồn trong giai đoạn đầu. 
 
Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Quảng Nam là một tỉnh có diện tích rừng che phủ trên 58% diện tích toàn tỉnh, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm gần 70% tổng diện tích rừng. Đây là một tài sản quý giá bởi rừng là thành phần quan trọng nhất của sinh quyển và có ý nghĩa lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, sinh thái và môi trường. Những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái của dự án CarBi rất đáng được trân trọng. Nhìn vào thành quả đã đạt được của dự án trong giai đoạn I, tôi tin rằng CarBi giai đoạn II sẽ mang lại những chuyển biến tích cực cho bảo tồn cũng như góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.”
 
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu: “Việc chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ mở rộng giai đoạn hai của dự án CarBi chứng tỏ những thành tựu của giai đoạn một được nhà tài trợ ghi nhận. Những thành tựu nổi bật nhất của CarBi I, đó là: (1) Mô hình Tuần tra Cộng đồng đã lôi kéo ngày càng nhiều sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên rừng - một điều kiện không thể thiếu để đảm bảo tính bền vững của dự án; (2) Sự hỗ trợ về kỹ thuật đã tăng cường năng lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng của KBT Sao la và các ban quản lý rừng phòng hộ; (3) Tiếp cận bảo tồn cảnh quan và thông qua hoạt động dự án để nâng cao hiệu suất sinh học của cảnh quan Trung Trường Sơn là một thành công lớn của dự án giai đoạn I. Trên nền tảng những thành tựu này, chúng ta sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa bằng cả ý tưởng và hành động để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu của CARBI giai đoạn II”.
 
Ông Fanie Bekker, Giám đốc Dự án nói: “Chúng tôi trân trọng và cảm kích sự tin tưởng của chính quyền hai tỉnh và các nhà tài trợ đã cho phép đại gia đình dự án, trong đó có các cộng đồng địa phương, tiếp tục hoạt động để những thành quả của giai đoạn I được nhân rộng quy mô trong giai đoạn II thông qua các hoạt động bảo tồn tiên tiến và sáng tạo.”
Dự án chính thức khởi động ngày 30/5, được đánh dấu bởi lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa WWF và UBND tỉnh Quảng Nam tại Hội nghị Tăng cường Quan hệ giữa tỉnh Quảng Nam với các tổ chức Phi chính phủ Nước ngoài và các Đối tác. Lễ ký kết giữa WWF và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được diễn ra trong buổi Hội thảo Khởi động dự án vào ngày 6 tháng 6 này. 
 
Dự án CarBi giai đoạn II sẽ được triển khai bởi WWF-Việt Nam với nguồn tài trợ từ Bộ Môi trường, Bảo tồn và An toàn Hạt nhân của Liên bang Đức, tài trợ thông qua WWF và KfW – Ngân hàng Tái thiết Đức. Đối tác chính của dự án tại hai tỉnh của Việt Nam là: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi Cục Kiểm lâm; Khu Bảo tồn Sao la; Vườn Quốc gia Bạch Mã và chính quyền các huyện và xã quản lý khoảng hơn100 thôn, bản của hai tỉnh. 
 
LÊ NGUYỄN PHƯƠNG MAI

(Tinmoitruong.vn)

Lượt xem : 1584