Vietnamese English
Khô hạn lịch sử sẽ kéo dài nhất trong 60 năm qua

12/8/2015 8:35:00 AM

Mùa Đông Xuân 2015 – 2016 sẽ xảy ra đợt khô hạn lịch sử và kéo dài nhất trong 60 năm qua. Theo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2015 – 2016 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino (cụ thể trong đợt này là hạn hán) đang tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục như hồi năm 1997 – 1998 và kéo dài đến hết mùa Đông Xuân năm 2015 – 2016.

Dự báo, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino năm 2015 – 2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua: Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên - Dân Việt cho biết.


Thực tế, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa, dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP.HCM. Do ảnh hưởng của hiện tượng trên, các nguồn thủy lợi, thủy điện tại TP.HCM đều thấp hơn cùng kỳ năm 2014. Đối với hồ Dầu Tiếng thượng nguồn khu vực TP.HCM, mực nước hồ ngày 13.11.2015 đạt 22,46m, thấp hơn 1,85m so với quy trình và thấp hơn mực nước hồ cùng kỳ năm 2014 là 2,15m.

Thiếu quyết liệt khi xử lý cơ sở gây ô nhiễm

Bộ Tài chính vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; đồng thời, báo cáo việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thu được từ đất tại vị trí cũ khi di dời; việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ứng trước đã thực hiện dự án đầu tư tại vị trí mới (nếu có).

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc thực hiện nên đến nay, hầu hết các địa phương đang trong quá trình rà soát, chưa phê duyệt được danh mục các cơ sở phải di dời – theo An Ninh Thủ Đô.

Hội nghị COP21 thông qua dự thảo thỏa thuận khí hậu

Ngày 5/12, các quan chức đại diện 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp đã thông qua bản dự thảo văn bản thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Bản dự thảo gồm hơn 40 trang này được đưa ra sau 4 năm đàm phán đầy cam go và sẽ được trình lên các Bộ trưởng thảo luận vào ngày 7/12 – theo VTV.

Mặc dù còn nhiều mâu thuẫn, song dự thảo này đã đề ra một số lựa chọn, trong đó có mục tiêu dài hạn về việc kìm hãm quá trình biến đổi khí hậu và gia tăng tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại điện phái đoàn Pháp, bà Laurence Tubiana, đánh giá mặc dù những vấn đề chính trị lớn vẫn chưa được giải quyết, song bản dự thảo này đã thể hiện thiện chí của tất cả các bên nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bắc Kinh lần đầu ban bố “báo động đỏ” ô nhiễm không khí

Chính quyền Bắc Kinh đã lần đầu tiên ban bố “báo động đỏ” ô nhiễm không khí đồng thời cảnh báo thủ đô Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với tình trạng sương mù dày đặc từ ngày 8 – 10/12. Theo Reuters, trong thông báo ban hành “báo động đỏ” hôm 7/12, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động xây dựng ngoài trời cũng như khuyến cáo các trường học đóng cửa.

"Xe chở rác thải xây dựng, chở xi măng, chở sỏi và nhiều phương tiện cỡ lớn khác sẽ bị cấm hoạt động trên đường phố”, tuyên bố hôm 7/12 của chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh. Sau hàng thập niên quay cuồng với vòng xoay tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết đưa ra những giải pháp giúp cải thiện chất lượng môi trường bao gồm tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều thành phố lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới – theo Infonet.

Các quốc gia châu Phi đặt mục tiêu khôi phục 100 triệu ha rừng

TTXVN đưa tin ngày 6/12, Nhóm các quốc gia châu Phi và các nhà tài trợ đã công bố sáng kiến đầy tham vọng với mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ phủ xanh 100 triệu ha diện tích đất trống đồi trọc và rừng thoái hóa trên toàn "lục địa đen." Dự án mang tên " Sáng kiến khôi phục rừng châu Phi" (AFR100) được ra đời trên ý tưởng tái trồng rừng, tăng diện tích thảm xanh thiên nhiên giúp hấp thu lượng lớn carbon trong môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho người nghèo tại các vùng nông thôn. 10 quốc gia châu Phi, 9 đối tác tài chính và 10 đối tác kỹ thuật đã cam kết tham gia dự án.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU), Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ sẽ là những tổ chức hỗ trợ. Dự án lần này được đánh giá mang tầm cỡ châu lục với quy mô lớn nhất kể từ trước tới nay. Các quốc gia gồm CH Congo, Ethiopia, Kenya, Liberia, Madagascar, Malawi, Niger, Rwanda, Togo và Uganda đặt mục tiêu khôi phục hơn 30 triệu ha. Các đối tác khác trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đóng góp trực tiếp 1 tỷ USD vào quỹ phát triển dự án và 540 triệu USD cho các quỹ đầu tư tư nhân hỗ trợ các hoạt động này.

Volkswagen vay 21 tỉ USD, có thể phải bán vài thương hiệu con vì gian lận khí thải

Để giải quyết những hậu quả từ vụ lùm xùm gian lận khí thải, tập đoàn Volkswagen được cho sẽ phải đi vay 21 tỉ USD từ nhiều quỹ tín dụng tại châu Âu. Số tiền khổng lồ này được dùng để dàn xếp kiện tụng, chi phí triệu hồi xe hay nộp phạt do những gian lận mà họ gây ra. Theo Reuters, tập đoàn xe hơi Đức sẽ phải bán đi một số thương hiệu con để có được khoản vay trên – theo Tinhte.

Số tiền 21 tỉ USD được Volkswagen mượn từ 13 tổ chức tài chính khác nhau trên khắp Âu châu. Nhằm đảm bảo cho khoản vay này, tập đoàn Volkswagen có thể sẽ phải bán đi một vài thương hiệu con mà họ đang sở hữu. Những cái tên được đề cập bao gồm Bentley, Lamborghini và Ducati (thuộc Audi AG). Sở dĩ, đây là những thương hiệu nhỏ và ít giá trị bởi chỉ bán xe số lượng rất ít và phục vụ một đối tượng khách hàng nhất định. Volkswagen là tập đoàn xe hơi từng giữ vị trí số 1 thế giới trong 2014 với nhiều thương hiệu con. Tập đoàn này dính vào vụ gian lận khí thải khi bị giới chức Mỹ phát hiện khiến họ phải thu hồi xe trên diện rộng trong thời gian vừa qua.

 

Mai Anh (TH)

Lượt xem : 2424