Sau 3 năm triển khai (2006-2009), dự án thí điểm phân loại rác 3R (giảm - reduce, tái chế - recycle và tái sử dụng - reuse) tại Hà Nội, do JICA (Nhật Bản) tài trợ - sẽ kết thúc vào tháng 11 tới. Theo Ban Quản lý dự án, việc phân loại rác đã mang lại những lợi ích tức thì trên địa bàn 4 phường thí điểm: Giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác. Nhưng...
Người Hà Nội tập phân loại rác kiểu Nhật
Vào 6h chiều, tại tổ dân phố số 7, phường Phan Chu Trinh. Hai thùng rác, một vàng (rác vô cơ), một xanh (rác hữu cơ) được đặt gọn ghẽ ở góc đường. Thay vì tiếng kẻng rác quen thuộc, với thời gian thu gom rác tại mỗi tổ dân phố chừng 15 phút như thông thường, người dân tại tổ 7 phường Phan Chu Trinh có hẳn gần ba giờ để nhẩn nha đổ rác. Yêu cầu duy nhất của sự ưu ái này là người dân phân loại rác tại nguồn: rác nhà bếp (rác hữu cơ) và các loại rác đem đi chôn lấp (rác vô cơ).
Phan Chu Trinh là phường đầu tiên được chọn thí điểm cho dự án 3R bởi hai nhân tố: Dân trí cao và mật độ dân cư thấp. Thế nhưng, sau hàng loạt các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, sự giám sát cộng hưởng từ các tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ, đoàn thể... nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phân loại rác triệt để tại nguồn.
"Nhiều khi nói hôm trước, hôm sau mọi người lại vẫn đổ chung các loại rác. Tôi thấy mệt lắm. Nhất là nhiều gia đình thường xuyên thay người giúp việc. Các cháu cũ khi quen phân loại thì lại về mất, các cháu mới thậm chí còn chẳng biết thùng xanh (rác hữu cơ), thùng vàng (vô cơ) khác nhau thế nào thì làm sao phân loại được tại nguồn" - bác Phạm Hoàng Ngọc, tổ trưởng dân phố, bức xúc.
Suốt 2 năm trời từ khi 3R được đưa đến phường Phan Chu Trinh, hầu hết các tổ trưởng dân phố như ông Ngọc đều túc trực bên những thùng rác vào giờ... ăn cơm để làm công việc vác tù và hàng tổng. "Nếu không có chế tài xử phạt sẽ rất khó. Dân mình cứ bảo phải học cách phát triển của Singapore, Nhật Bản, vậy tại sao chuyện cỏn con như đổ rác cho đúng cách, để sạch sẽ cho chính cộng đồng mình sinh sống mà lại không làm được?" - ông Ngọc bộc bạch.
Theo chị Nguyễn Hương Giang - cán bộ dự án phân loại rác thải tại nguồn, nếu không có sự tham gia của các tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, không rõ khi nào ý thức người dân mới chuyển biến. Tuy nhiên, không phải ngày nào các tổ trưởng dân phố hay đại diện chính quyền cũng có mặt bên thùng rác để yêu cầu người dân phân loại cho đúng.
Là một người tâm huyết với dự án, ông Ngọc cho rằng dự án triển khai thí điểm để nhân rộng mô hình, nhưng lại chưa được thực hiện triệt để. "Bản thân phường còn lơ là với chuyện đổ rác hợp vệ sinh, nữa là các cấp chính quyền cao hơn" - ông cho biết.
Chỉ tích cực khi có phong trào
|
Điểm tập kết rác thải ở khu đô thị mới Trung Hoà, Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Trọng Chính. |
Dù mỗi gia đình tại các địa bàn thí điểm đều được phát hai thùng rác màu xanh và màu cam để phân loại rác thải, nhưng người dân đa phần vẫn đựng rác vào túi nilon. Còn các thùng rác được phát được... úp ngay ngắn bên ngoài căn hộ.
"Nhà chỉ có 30 mét, 1 thùng rác còn tìm mãi mới có chỗ để chứ có thêm một thùng nữa thì biết để đâu? Thùng rác hữu cơ vì thế vẫn lẫn đầy túi nylon đựng rác - chị Thu ở phường Thành Công than thở - Mỗi cuộc họp tổ dân phố, tôi chỉ nói với bà con thế này: Đừng quan tâm dự án dài, hay ngắn. Điều quan trọng là mình được tạo điều kiện để chung tay có môi trường sống hợp vệ sinh hơn, vì chính gia đình mình thôi. Chứ tâm lý "sạch rác nhà, còn hàng xóm mặc kệ" vẫn phổ biến lắm".
Trên thực tế, việc phân loại rác tại Hà Nội chỉ là 2R, do đã có một hệ thống những người thu gom đồng nát giúp thu mua các loại rác có thể tái chế (recycle) như giấy báo, lon bia, nhựa..., chị Giang cho hay. Trong thời gian 3 năm thực hiện thí điểm dự án, tính trung bình mỗi ngày thu gần 13 tấn rác hữu cơ tại cả 4 phường, giảm khoảng 30% tổng rác thải đưa ra bãi chôn lấp.
Theo chị Giang, tỉ lệ hợp tác với dự án từ người dân là khoảng 70% trên các địa bàn thí điểm. Trong một khảo sát gần đây nhất, có tới trên 80% người dân cho rằng điều kiện vệ sinh trên địa bàn thực hiện dự án được cải thiện. Chỉ riêng phường Thành Công đã có thể tiết kiệm 20 triệu đồng/tháng nhờ phân loại rác tại nguồn.
Nhưng dự án không chỉ là "xuôi chèo, mát mái". Dù các cán bộ dự án thường xuyên tiến hành tuyên truyền về thời gian và các điểm đổ rác, nhưng tỉ lệ người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi, đổ rác ra đường vẫn cao. Một đại diện phường Thành Công đã phải thốt lên, dự án chỉ được triển khai tích cực khi có phong trào. Còn cứ để "tự nhiên" là tình hình đi xuống, giống y như trật tự giao thông, không có công an là cùng... vượt đèn đỏ.
Bên cạnh đó, dự án 3R hầu như vẫn bó tay trước các chợ tạm, hàng rong, quán cóc - vốn là những đầu nguồn thải rác lớn nhất. "Cơ chế xử phạt rất khó, nhất là khi người dân vẫn còn nặng tâm lý xử lý, thu gom rác thải là việc của chính quyền" - chị Giang nhận định.
Ý thức không thể hình thành trong ngày một, ngày hai
Hàng loạt các hoạt động tuyên truyền về 3R đã được dự án tiến hành, như Hội nghị các ngôi sao 3R, tổ chức các khoá\buổi giáo dục, hướng dẫn học sinh tiểu học làm quen với phân loại rác thải, tổ chức thi vẽ, làm đồ chơi tái chế cho các học sinh...
Theo ông Nguyễn Văn Hoà - Giám đốc điều hành dự án 3R, Hà Nội cần xây dựng một đô thị theo định hướng bền vững, giảm thiểu rác, quay vòng hoạt động rác để tăng tuổi thọ cho bãi rác Nam Sơn. Ông Hoà cũng thừa nhận, dự án 3R không dễ thực thi, do thành phố có nhiều thành phần xã hội, có đông lao động di cư. Mục đích chính của dự án là giúp người dân nhìn nhận rác vẫn có thể quay về phục vụ đời sống nếu biết tận dụng. "Đừng chỉ quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà quên đi rác thải" - ông Hoà khuyến cáo.
Theo ông, ban quản lý dự án đã trình một đề án chiến lược rác thải lên thành phố, theo đó vào năm 2020, đại đa số người dân Hà Nội từ đô thị đến nông thôn đều biết và thực hiện mô hình 3R. "Vấn đề không phải là bỏ ra bao nhiêu kinh phí, bởi điều quan trọng nhất của nó là nâng cao ý thức của người dân về môi trường, để mọi người đều hiểu sự quan trọng của việc xả rác và phân loại rác đúng quy định. Ý thức không thể xây dựng được trong ngày một, ngày hai" - ông Hoà cho hay.
"Các chuyên gia Nhật khi đến hiện trường, thấy ai phân loại không đúng, họ sẵn sàng cho tay vào nhặt ra những túi nylon bẩn bỏ sang thùng vô cơ. Họ từ nơi giàu có đấy mà đâu có ngại bẩn, ngại mất vệ sinh. Thế mà dân ta không làm được thì xấu hổ quá" - bác Ngọc bộc bạch.