Vietnamese English
Ka Bay và bắt đầu Mô hình liên kết đồng quản trị rừng

5/29/2015 6:29:00 PM

(VACNE)- BBT vừa nhận được bài viết của KS. Phan Đình Nhã – Viện Tư vấn Phát triển (CODE) về mô hình liên kết đồng quản trị rừng tại buôn Ka Bay, Cong Tu. Xin chân thành cảm ơn Tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

         Để có thể tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các vùng rừng này, cộng đồng buôn Ka Bay đã chủ động phối hợp với Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam với phương án cùng nhau quản lý và bảo vệ rừng nhằm đưa lại lợi ích cho cả hai bên. Sự hợp tác này đã khởi động một giải pháp đồng quản trị tài nguyên rừng không chỉ dừng lại giữa cộng đồng người dân Buôn Ka Bay và Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam mà cả với cộng đồng người Rơ Ngao trong các thôn khác vừa mới được giao đất giao rừng như Đắc Wớt, Đắc Yo và Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đây là Mô hình hợp tác giữa cộng đồng và doanh nghiệp cần thừa kế và nhân rộng.

        Nằm ở cuối xã Hơ Moong về phía Bắc nơi đầu nguồn con sông Pô Cô, buôn Ka Bay với hai lần bị ảnh hưởng bị thu hồi đất và di dời tái định cư của hai dự án thủy điện lớn Ya Ly và Plei Krong đang có những bước chuyển dịch thật đáng mừng trong việc tái tạo một phần không gian sinh tồn cho cộng đồng người Gia Rai nơi định cư mới. Dòng nước mát và ổn định đang chảy về từ cánh rừng đầu nguồn được Nhà nước giao 2013 để rồi cây cối trong buôn đã xanh tốt hơn; những con đường dọc ngang trong buôn, trong các vườn hộ đã có thêm những bóng cây để giảm bớt cái nóng đầy oi bức của mùa khô trên Tây Nguyên. Gương mặt của các cháu nhỏ, các chị, các em và các già đã vui hơn.

        Bà con Ka Bay vui vẻ chia sẻ, là vào thời điểm họ chuyển về tái định cư trên mảnh đất này (2006), thì các buôn khác như Đắc Yo, Đắc Wớt, Kờ Tu, Ka To gần như đã được sắp xếp tái định cư yên ổn. Chung quanh buôn Ka Bay vào thời điểm đó, rừng đã bị các buôn đến tái định cư trước đó và các buôn từ các xã như Sa Nghĩa, K'roong đã chiếm dụng và khai thác gần hết để lấy đất sản xuất. Ka Bay đã trơ trọi giữa không gian dưới chân dãy núi Sác Ly. Di dời tái định cư buộc cộng đồng phải tách khỏi không gian văn hóa rừng cộng đồng truyền thống, trong khi đó tại nơi ở mới không còn điều kiện để thiết lập lại rừng truyền thống, nước trên các con suối cũng biến mất để lại cho con người, mặt đất cái khô khát và nóng bỏng. Với 135 giếng nước nước được đào theo Chương trình tái định cư, trong đó chỉ có 5-6 giếng là có nước đã không thể đủ để cộng đồng người Gia Rai làng Ka Bay cắt được một phần cơn khát cho người dân, chưa nói đến việc tắm rửa.




Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

        Lãnh đạo xã Hơ Moong hiểu rất rõ trách nhiệm của mình trước cái khát của dân và đã tìm kiếm mọi cơ hội để năm 2012 xây dựng các hệ thống cấp nước tự chảy từ các cánh rừng còn lại dưới chân dãy Sác Ly về cho các buôn, trong đó có Ka Bay. Có công trình cấp nước chưa đủ, khi mà các vùng rừng đầu nguồn còn chưa có chủ. Những cánh rừng đó đang chịu một áp lực rất lớn bởi sự hiện hữu về nhu cầu khai thác đất sản xuất của người dân. Nếu không có giải pháp quản lý hợp lý, không trao quyền quản lý sử dụng các cánh rừng nhỏ nhoi còn lại này cho cộng đồng, thì chắc chắn nguồn sinh thủy cho các công trình khó mà duy trì và phát triển bền vững. Các công trình cấp nước thiếu rừng đầu nguồn sẽ trở thành những công trình văn hóa không hồn không hơn không kém. Nhận thức đầy đủ về những thách thức đó, chính quyền xã Hơ Moong mà đứng đầu là vị chủ tịch rất được dân yêu dân mến Nguyễn Văn Niệm đã chủ động vận động một chương trình thí điểm giao đất giao rừng 2012-2013. Chương trình do Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cùng các tổ chức thuộc Liên minh Chủ quyền sinh kế (LISO) chịu trách nhiệm hỗ trợ ngân sách và phương pháp thực hiện. Chương trình đã thành công và được địa phương xem như một sáng kiến. 30,8 ha Rừng đầu nguồn, Rừng giọt nước đã được giao cho cộng đồng người dân buôn Ka Bay với quyền sở hữu đích thực. Gần 2 năm, cộng đồng đã có những nỗ lực quản lý, bảo vệ và chăm bẵm để từng bước tái tạo màu xanh cây là và nguồn nước cho thiên nhiên và con người nơi đây.

        Người dân Ka Bay chắc không ai có thể quên được sự kiện sáng ngày 04 tháng 12 năm 2013, ngày mà Buôn Ka Bay được chính quyền địa phương trao trực tiếp Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng đất và rừng. Ngày đó những cánh rừng đầu nguồn, rừng Giọt nước có lẽ cũng rất vui khi thấy mình đã có chủ quản lý. Bàn tay thô ráp của già làng A Xinh hôm đó run run đón nhận giấy chứng nhận mà ánh mắt trào dâng niềm vui sướng và hạnh phúc. Vì, buôn mới của già từ đây đã có rừng. Già không nói lên nổi cái niềm vui mà Già và con cháu Già đang có. Làng đã có rừng, rồi nước cũng sẽ theo về và rồi lễ hội Giọt nước của buôn rồi sẽ được giữ mãi cho con cháu. Con cháu già sẽ có nơi nương tựa trong cả không gian thực lẫn không gian tâm linh.

        Gần 2 năm trôi qua, những mầm non cây lá trên hai vùng rừng và ngay cả trong buôn đã nhiều hơn qua mấy mùa mưa nắng. Dòng nước mát cho sinh hoạt, dòng nước cho tín ngưỡng Lễ Giọt nước đã tuôn chảy và đầy thêm. Một số hộ gia đình như gia đình anh A Sy từng có hoạt động khai phá đất đai bên bìa rừng cộng đồng nay đã dừng lại để rừng của buôn anh có thêm không gian phát triển.

        Trách nhiệm với rừng từ ngày xưa đã là điều thường trực trong mỗi người dân. Chính vì điều đó mà bất cứ ai khi có hành vi xâm hại rừng đều bị phát hiện và ngăn chặn. Ngăn chặn bởi Luật tục của cộng đồng và ngăn chặn bởi luật pháp quy định của Nhà nước. Một câu chuyện thật cảm động đã xảy ra cách đây chưa lâu được anh Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch xã kể lại làm chúng tôi hết sức thán phục. Đó là việc Trưởng buôn A Đíu lên trụ sở UBND xã báo cáo và xin lỗi về việc đã vô ý để lọt một người lạ vào lấy cây trong rừng cộng đồng. Việc vi phạm không lớn, song việc Trưởng buôn lên xã báo cáo thì lại có ý nghĩa rất lớn. Cộng đồng đã nhận cái sai của một người ngoài thành cái sai của chính mình. Vì, họ hiểu rằng Nhà nước giao rừng cho Buôn mà buôn không giữ được thì đó là sai sót và trách nhiệm thuộc về buôn. Chúng tôi biết trong việc này, buôn đã có hình thức xử phạt đối với người vi phạm để răn đe người khác.

        Rừng đầu nguồn, Rừng giọt nước đã là tài sản của buôn và được buôn chăm sóc, bảo vệ. Mỗi hộ dân trong buôn Ka Bay đã tự nguyện góp 20.000 đồng/năm để hỗ trợ công tác bảo vệ rừng và kiểm tra bảo dưỡng công trình nước sạch cho tổ bảo vệ của buôn. Những khu rừng của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam nằm kề bên rừng cộng đồng do đó cũng được gián tiếp bảo vệ. Cộng đồng Ka Bay hiểu rằng, những cánh rừng của Công ty đang nằm phía trên rừng của buôn, nếu chúng được bảo vệ tốt thì rừng của buôn cũng yên ổn cả về quy mô diện tích sinh thủy cũng như chất lượng nước chảy ra trên con suối. Cả hai bên đều hiểu về điều đó và sự phối hợp là rất thực tiễn. Chính vì vậy mà Buôn Ka Bay và Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam đã đi đến một giao ước có ý nghĩa lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên: Buôn nhận trách nhiệm bảo vệ những diện tích rừng của Công ty tiếp giáp với rừng cộng đồng (khoảng 50 ha); Công ty cam kết không sử dụng các hóa chất độc hại phía trên vùng rừng giáp rừng đầu nguồn nước của buôn. Hàng năm hai bên tổ chức tổng kết đánh giá các hoạt động phối hợp bảo vệ rừng và có sự động viên khen ngợi lẫn nhau. Mô hình đồng quản trị ra đời. Rừng của hai bên đều xanh tốt và không bị cháy. Chính quyền xã ghi nhận, động viên và khuyến khích tăng cường mở rộng sự hợp tác này.

        Từ thực tế những gì đạt được với cộng đồng buôn Ka Bay, các buôn Đắc Yo, Đắc Wớt và Kơ Tu đã đồng loạt đề nghị UBND xã Hơ Moong tiếp tục vận động nguồn lực để họ cũng có được quyền quản lý sử dụng các cánh rừng đầu các công trình nước như Ka Bay và Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam để bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn nước của họ.

        Đắc Yo, Đắc Wớt và Kơ Tu đã lần lượt được giao đất giao rừng và một mạng lưới bảo vệ 4 cánh rừng cộng đồng đầu các công trình nước với 12 thành viên đã hình thành trên địa bàn xã Hơ Moong. Buôn Ka Bay trở thành nòng cốt cho sự phục hồi và phát triển rừng của xã Hơ Moong và cũng là nòng cốt của Mạng lưới các nhóm quản lý bảo vệ rừng. Cán bộ và lãnh đạo Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam đã tham gia các cuộc chia sẻ với người dân và các tổ chức tư vấn và bày tỏ sự ủng hộ để thúc đẩy hợp tác giữa Công ty và cộng đồng người dân trong quản lý tài nguyên rừng.

        Chuyện về rừng Ka Bay và những buôn sau đó tiếp nhận quyền quản lý rừng cộng đồng và câu chuyện về sáng kiến thiết lập liên kết với các bên liên quan trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng (liên kết đồng quản trị giữa cộng đồng với doanh nghiệp, liên kết luật tục với luật tục giữa các cộng đồng dân tộc khác nhau, liên kết giữa luật pháp và luật tục) đã trở thành một mô hình điển hình không những hỗ trợ cho việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với rừng mà còn tạo ra những mô hình liên kết, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả và bền vững. Những nỗ lực của chính quyền địa phương, Liên hiệp các hội KH&KT Kon Tum, Viện CODE và các tổ chức thuộc Liên minh LISO thực sự đã đưa đến cơ hội rất lớn cho cộng đồng các buôn làng trên đất Hơ Moong để họ tái tạo lại rừng, nơi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa tâm linh gắn với rừng đang có nguy cơ mai một.

        Nhìn lại khoảng thời gian gần 10 năm, khi những gia đình đồng bào Gia Rai, Rơ Ngao để lại sau lưng họ ruộng rẫy, đồi bãi và những cánh rừng để đến với Ka Bay, thì giờ đây đang có những biểu hiện của sự hồi sinh, dù rất chậm nhưng đáng để mừng. Những cánh đầu nguồn dưới chân núi Sác Ly đang thay da đổi thịt để rồi tiếng cồng, chiêng sẽ ngân lên trong mỗi mùa lễ hội trong các buôn làng của các cộng đồng Rơ Ngao, Gia Rai nơi đây.

                                        Hơ Moong,15  tháng 4 năm 2015

KS. Phan Đình Nhã – Viện Tư vấn Phát triển (CODE)

Lượt xem : 2303