IPA – Hệ Phương pháp thích hợp trong đánh giá Thể chế và Chính sách: Bài 1. Giới thiệu chung
6/25/2017 7:12:00 PM
(VACNE) - Xin giới thiệu loạt bài viết của PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội của VACNE về một phương pháp mới thích hợp cho đánh giá Thể chế và Chính sách.
Loạt gồm 4 bài nhằm giới thiệu một Phương pháp mới thích hợp cho đánh giá Thể chế và Chính sách (lấy ví dụ trong lĩnh vực Môi trường) Hy vọng rằng IPA được áp dụng rộng rãi và đúng chuẩn sẽ làm cho các Thể chế và Chính sách (Môi trường) trở nên phù hợp thực tiễn, ít gây tranh cãi, ít bị sửa đổi, bị “rút lại” bị “xin lỗi” như không ít lần đã xảy ra
1. Thể chế và Chính sách (TCCS)
Xây dựng và thực hiện, TCCS là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của các cấp Chính quyền. Tuy nhiên, một chính sách hay một thể chế được ban hành có thể đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và các tổ chức, nhưng cũng có thể gây khó khăn hay thiệt hại cho một số nhóm công dân hay tổ chức khác. Điều đó khiến cho thái độ của cộng đồng có thể rất khác nhau trước một chính sách hay một thể chế được ban hành: ủng hộ, thờ ơ hoặc vi phạm, thậm chí phản đối. Không thiếu các chính sách hay trở nên không có hiệu quả vì không tính hết các yếu tố này.
Thể chế (Institutions) là toàn bộ các quy tắc, chuẩn mực có tính hệ thống, điều chỉnh theo một định hướng các quan hệ xã hội, được hợp pháp hoá bằng cách ghi nhận trong các văn bản nhà nước đem đến tư cách hợp pháp cho nhà nước và xã hội, và được bảo đảm về quyền lực (công quyền) có hiệu lực của nhà nước nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội.
Chính sách (Policy): là Sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào Thể chế chung và tình hình thực tế mà đề ra. Như vậy thể chế là quy định có tính chất chiến lược, vĩ mô, chung cho toàn xã hội; chính sách là sách lược, kế hoạch nhằm thực hiện thể chế trong bối cảnh cụ thể, thời gian cụ thể. Cơ quan ban hành thể chế là Quốc hội, Chính phủ dưới dạng luật, pháp lệnh. Cơ quan ban hành chính sách là Chính phủ và UBND các cấp gồm: Nghị quyết, Nghị định (Chính phủ), Quyết định, Chỉ thị (Thủ tướng), Quyết định, Chỉ thị, Thông tư/Thông tư liên tịch (cấp Bộ), Quyết định, Chỉ thị (UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND)[i]. Ở Việt Nam, cấp chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) là cấp thực thi chính sách, không phải cấp ban hành chính sách. Như vậy thể chế là quy định có tính chất chiến lược, vĩ mô, chung cho toàn xã hội; chính sách là sách lược, kế hoạch nhằm thực hiện thể chế trong bối cảnh, thời gian cụ thể.
2. Phương pháp Đánh giá TCCS (IPA –Institution and Policy Appraisal)
IPA xuất phát từ phương pháp phân tích môi trường chính trị (Political Mapping) của Đại học Harvard – Hoa Kỳ năm 1994, trong lĩnh vực hoạch định các chính sách về y tế công cộng[ii]
Do tính trung lập và hiệu quả, phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi sang nhiều lĩnh vực khác của Môi trường và Phát triển, được bổ sung và hoàn thiện dần để thích ứng với các hoàn cảnh chính trị, địa lý, văn hoá và trình độ phát triển khác nhau. Lĩnh vực áp dụng của IPA rất đa dạng, từ phân tích đánh giá các chính sách lớn của nhà nước, của các bộ/ngành, các địa phương cho đến các quyết định của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), cấp cơ quan, tổ chức, thậm chí cả các quyết định cá nhân. IPA là phương pháp mềm và động, ứng dụng để đánh giá thể chế, chính sách trong quá trình đưa thể chế, chính sách vào thực tiễn. Đây không phải là quy trình hoạch định một chính sách mới mà là đánh giá một chính sách trong quá trình thực hiện, từ đó tìm ra cách vận động các tổ chức, nhân dân thực hiện chính sách có hiệu quả hơn, cũng như góp phần bổ sung, hoàn thiện hơn một chính sách cụ thể đã ban hành[iii],[iv].
Hy vọng rằng IPA được áp dụng rộng rãi và đúng chuẩn sẽ làm cho các TCCS trở nên phù hợp thực tiễn, ít bị sửa đổi, bị “rút lại” bị “xin lỗi” như không ít lần đã xảy ra.
----------------------------------------------
[i] Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND và UBND mỗi cấp. Chính trị QG, Hà Nội, 1997.
[ii] Reich, M.R. Political Mapping of Health Policy. HarvardSchool of Pullic Health. Boston, Massachusets, USA. 1994
[iii] Nguyễn Đình Hoè (2004) Phương pháp IPA trong Quản lý tổng hợp đới bờ. Khoa Môi trường Đại học KHTN Hà Nội
[iv] Trần Thúy Hằng (2017) Đánh giá khả năng thực hiên khoản 1 đìều 20 Nghị định 155-2016/ NĐ-CP tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm Hà Nội bằng phương pháp IPA. Khoa Môi trường Đại học KHTN Hà Nội.
Nguyễn Đình Hoè – VACNE
Lượt xem : 4238