Hương chè
1/7/2020 8:48:00 AM
Tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu các vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên dãy núi Tây Côn Lĩnh của mình vào tháng 3. Mùi chè Xuân xao qua lửa nóng phả ra từ các xưởng chế biến dọc hai bên đường, đó là thứ mùi hấp dẫn nhất mà tôi đợi chờ để được hít hà mỗi dịp năm mới.
Vùng núi Tây Côn Lĩnh nổi tiếng với cây chè Shan tuyết, thứ chè tuyệt phẩm tẩm ướp trong sương của núi cao và gió trời cho một mùi hương khiến bất kỳ ai ngửi qua một lần cũng sẽ nhớ mãi. Không có mùi hương gì đặc biệt như mùi chè xao trên lửa, nhất là vụ chè Xuân. Sau một mùa Đông dài đằng đẵng với giá buốt và sương muối, những cây chè như bừng tỉnh khi ánh nắng ấm áp đầu tiên xuất hiện. Những búp chè mập mạp được phủ một lớp lông tơ màu tuyết trắng mịn, nhú nở chờ đợi những đôi tay của các cô gái dân tộc Dao, Mông mau mắn hái về, thứ nguyên liệu tắm sương, tắm gió ấy mới tuyệt hảo làm sao. Uống một chén chè Xuân coi như uống cả một vụ chè trong năm. Chè Xuân có cái vị chờ đợi, vị đậm đà của những lá non mới ủ trong sương giá chờ ngày được khai nở là một thức uống hảo hạng bậc nhất mà vùng cao nguyên Hà Giang có được.
|
Người dân tộc Dao áo dài xã Phương Độ, thành phố Hà Giang kiểm tra chất lượng búp chè Shan tuyết. |
Là vùng sản xuất chè lớn thứ 3 trên cả nước, chè Shan tuyết Hà Giang với những bảo chứng về chất lượng đã từng bước tạo được sự tin cậy của nhiều khách hàng khắp trong và ngoài nước. Những cây chè cổ thụ tập trung chủ yếu ở dãy núi Tây Côn Lĩnh quanh năm mây phủ. Vùng nguyên liệu gần nhất về địa lý nếu tính từ trung tâm thành phố Hà Giang, có thể kể đến ba thôn vùng cao Nà Thác, Lùng Vài, Khuổi My thuộc xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), ở độ cao gần 1.300 m so với mực nước biển, chè được trồng và chăm sóc từ bao giờ không ai biết. Có thể cây chè mọc tự nhiên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh và là những cây chè cụ kị, hơn 300 năm trước khi người Dao di cư vào đất Việt, họ mang theo tập quán trồng và chăm sóc chè đến nơi đây. Tiếp đến là 2 xã Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên) nằm ở phía Nam của dãy Tây Côn Lĩnh, nơi này là vùng núi đồi trùng điệp, ngăn cách bởi các con suối chảy qua như một sự an bài hợp lý cho các cư dân sinh sống ở đây.
Chè Thượng Sơn, Cao Bồ được mệnh danh là chè ướp mây, bởi những cây chè sinh trưởng trên núi cao, quanh năm mây trắng bao phủ. Tại thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ có một cây chè khổng lồ cao 6 m đường kính 2 vòng tay người ôm, nổi bật giữa quần thể 220 cây chè cổ thụ rêu phủ từ thân tới lá đã được công nhận là cây di sản. Tại đây người Dao từ lâu đời đã sử dụng lá và búp chè để chế biến thành sản phẩm. Có thể nói, vùng chè Cao Bồ, Thượng Sơn là nguồn cung cấp nguyên liệu lớn cho các xưởng sản xuất ở quanh khu vực Vị Xuyên.
Ngược lên phía Tây, nơi những vòng cua uốn lượn dưới chân mây, những thửa ruộng bậc thang đã trở thành danh thắng nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì là các xã Nậm Ty, Bản Péo, Túng Sán… là những vùng nguyên liệu chè danh tiếng của đất Hà Giang. Riêng xã Nậm Ty là một vùng chè Shan tuyết có tiếng với thương hiệu Tấn Sà Phìn, chè Bản Péo đã từng bước xâm nhập thị trường trà trong và ngoài nước, đem về nguồn thu lớn cho người dân. Từ những sản phẩm chè nguyên sơ đầu tiên như chè sao suốt, chè lam và chè vàng, hiện nay, bà con trồng chè đã bắt đầu chú trọng về sự đang dạng của các sản phẩm. Cây chè được bà con chăm sóc, nâng niu. Với họ, loại cây này là một báu vật trời cho. Trong hương sắc mùa Xuân, mùi chè lan tỏa từ các xưởng sản xuất là mùi hương ấm no và hạnh phúc cho bà con.
Trọng Toan/Baohagiang
Lượt xem : 1468