Vietnamese English
Hợp tác sông Mekong khởi sắc

8/10/2009 6:38:00 AM

(Toquoc) – Trung Quốc và Mỹ có những cử chỉ hợp tác về nguồn nước và môi trường sông Mekong đang chịu tác động của 25 dự án đập thủy điện.

 

Các báo của Lào như Vientiane Times, Báo Pasaxon và một số hãng thông tấn nước ngoài gần đây đưa tin về các hoạt động của Ủy ban Mekong (MRC) và MRC với Uỷ ban sông Mitsisipi (Mỹ) liên quan nguồn nước và môi trường sông Mekong dưới tác động 25 dự án đập thủy điện trên toàn bộ dòng chảy sông Mekong (14 tại Trung Quốc, 3 tại Thái Lan, 6 tại Lào và 2 tại Campuchia):

Đập Tiểu Loan, Vân Nam, Trung Quốc

Vừa qua đã diễn ra đối thoại giữa 4 nước thuộc Tiểu vùng Mekong (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) với Trung Quốc và Myanmar trong khuôn khổ MRC. Phía Trung Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các nước hạ nguồn Mekong để giảm thiểu tác động đối với hạ nguồn sông của các dự án thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin hơn về kế hoạch và hoạt động của các dự án thuỷ điện ở thượng lưu sông Mekong mà Trung Quốc gọi là Lan Thương. Trung Quốc cho biết đã có nhiều biện pháp giảm hoặc tránh tác động đến việc thay đổi dòng chảy lớn ở các nước hạ nguồn và Trung Quốc đặt ưu tiên cao trong việc xem xét những mối quan ngại của các nước hạ nguồn. Trung Quốc cũng cam kết tham gia đánh giá môi trường chiến lược mà MRC đang tiến hành đối với các dự án thuỷ điện đang đề xuất xây dựng ở hạ nguồn Mekong. Trong quá trình đối thoại, Thái Lan và Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp nhiều thông tin hơn về hoạt động hàng ngày của các dự án để xem xét sự cần thiết trong việc cung cấp hệ thống cảnh báo đối với các nước hạ nguồn. MRC sẽ tiến hành các cuộc họp tiếp theo nhằm xác định những bước đi cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về những vấn đề nhạy cảm, hướng Trung Quốc tham gia vào những nghiên cứu của MRC và MRC tham gia vào các hoạt động ở thượng nguồn Mekong của Trung Quốc.

Ban thư ký MRC ở Lào, cho biết tổ chức này vừa bắt đầu nghiên cứu về những dự án phát triển thủy điện trên sông Mekong và tác động của những dự án này đối với hàng chục triệu cư dân trong vùng. Nghiên cứu này sẽ giúp cho các nước bị ảnh hưởng bởi những dự án thủy điện quyết định có nên xúc tiến các dự án đó hay không. Kết quả cuộc nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố vào tháng 7 hoặc 8/2010.

Sự tham dự của Trung Quốc tại hội nghị hàng năm với 4 nước thành viên của MRC là quan trọng, cho thấy họ đang xem xét một cách khá nghiêm túc tới những mối quan tâm của các nước ở hạ nguồn.

Trong khi đó hợp tác giữa Uỷ ban Mekong và Uỷ ban sông Mitsisipi (Mỹ) bắt đầu khởi động nhanh chóng ngay sau chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Clinlton tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Uỷ ban sông Mekong và Uỷ ban sông Mitsisipi đã ra thông báo ghi nhớ hợp tác nhằm giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên nước của cả hai bên.

 

 

Hai Uỷ ban trên đã đồng ý hợp tác trao đổi kỹ thuật và nghiên cứu những biện pháp tối ưu nhất trong việc điều chỉnh sự thay đổi của khí hậu làm ảnh hưởng đến hệ thống dòng chảy. Hai ủy ban cũng đồng ý hợp tác cùng nhau khuyến khích việc phát triển hệ thống thuỷ điện bền vững, giải quyết vấn đề đảm bảo đáp ứng nguồn thuỷ sản là lương thực thực phẩm, tổ chức quản lý phòng chống thiên tai lũ lụt và tăng cường thông thương đường sông và thương mại đường sông.

Bà Hillary Clinlton phát biểu bày tỏ vui mừng vì sáng kiến hợp tác khởi xướng của hai Uỷ ban đã klhowir động. Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC cho biết “Uỷ ban sông Mekong và Uỷ ban sông Mississippi giống nhau về nguyên tắc làm việc và vai trò quản lý”. Hai Uỷ ban sẽ cố gắng để quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nước một cách bền vững đối với những thách thức của sự biến đổi khí hậu, hiện tượng thiên tai, của việc phát triển các dự án thuỷ điện, v.v... Do đó, sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm của hai bên sẽ giúp cho mỗi bên đạt được những kết quả và lợi ích cao nhất.

Trong lúc sông Mekong và sông Mississipi đang gặp phải những thác thức về môi trường, Ông Chủ tịch Uỷ ban sông Mississipi cho biết: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ để đương đầu với những thách thức trên. Việc hai bên hợp tác gần gũi và thường xuyên tiến hành trao đổi sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất”.

Hiện nay, hai Uỷ ban đang nghiên cứu thống nhất những điều khoản của bản hợp tác để lên kế hoạch thực hiện và cơ chế tổ chức trong hợp tác trong tương lai./.

Linh Hương

 

(To Quoc, 8/8/2009)

Lượt xem : 2899