Hồi sinh những dòng suối
3/30/2020 8:01:00 AM
Những dòng suối một thời từng là nguồn sống của nhiều vùng quê. Thế nhưng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, những tác động tiêu cực đến môi trường khiến nhiều dòng suối rơi vào tình trạng bị “bức tử” do thay đổi dòng chảy, do rác thải từ quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân.
"Con đỉa cũng không sống nổi"
Trong ký ức của nhiều người, dòng suối Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang) lưu giữ biết bao kỷ niệm thời niên thiếu. Suối Lực Hành chảy từ đầu xã đến cuối xã, tác động đến quá trình sản xuất, sinh hoạt của tất cả mọi người dân. Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, suối Lực Hành là nguồn tưới chính của bà con, lâu nay người dân Lực Hành sống dựa vào suối. Thập niên 90, khi điện lưới quốc gia chưa về đến Lực Hành, ông cùng nhiều bà con trong xã bỏ công đắp các phai tạm để làm thủy điện mini thắp sáng; rồi các bà, các mẹ lợi dụng sức nước để làm cối giã gạo, giảm được bao nhiêu công sức lao động. Theo ông Kế, ngày ấy nước suối Lực Hành trong leo lẻo, trẻ con chăn trâu tắm mát, cá tôm cũng nhiều vô kể...
Suối Lực Hành (Yên Sơn), đoạn qua thôn Làng Ngoài có màu đục như nước ao tù.
Nhưng giờ thì khác rồi. Ở Lực Hành giờ không ai dám tắm suối nữa khi dòng chảy này đã bị tác động tiêu cực từ quá trình sản xuất, sinh hoạt của nhiều người. Ngoài rác thải sinh hoạt, trên địa bàn xã Lực Hành có hơn 30 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng, hoạt động liên tục những tháng cuối năm. Theo ông Kế, hầu hết các cơ sở chế biến này chỉ xử lý được phần bã, còn lại nước thải từ quá trình sản xuất được thải trực tiếp ra môi trường, trong đó đa phần là thải ra suối.
Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn Làng Ngoài Hoàng Văn Kết chỉ tay về phía dòng suối đi qua thôn bảo, giờ đỡ nhiều rồi, chứ 2 tháng cuối năm âm lịch, nước ô nhiễm hơn nhiều. “Đỡ”, theo lời ông Kết, là nước suối có màu đục như nước ao tù. Ông Kết bảo, nước sẽ có màu đục và ô nhiễm như này kéo dài khoảng 3 tháng, giờ bà con chỉ chờ trận lũ để trôi hết nước thải từ các lò sản xuất dong riềng thải ra, trôi cả rác thải sinh hoạt mà nhiều người dân thiếu ý thức vứt ra suối. Ở thôn Làng Ngoài, cũng như ở các thôn khác của Lực Hành, đều thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường, nhưng theo UBND xã Lực Hành, các tổ này chỉ mới dừng lại ở việc quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa… chứ việc ra quân dọn dẹp vệ sinh khu vực suối hầu như chưa mấy khi thực hiện.
Nghề chế biến tinh bột dong riềng, chế biến tinh bột sắn… những năm gần đây đem lại thu nhập cho người dân Yên Sơn. Tuy nhiên, do các cơ sở chế biến chủ yếu là nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, nên vấn đề xử lý chất thải từ quá trình sản xuất bị bỏ ngỏ. Chất thải thải ra môi trường, ra suối, khiến những dòng suối bị xâm hại nặng nề. Cũng trên địa bàn huyện Yên Sơn, người dân xã Lang Quán rất bức xúc khi 6 - 7 cơ sở chế biến tinh bột sắn tại các thôn 5, 11, 15, 17, 18, 21 đã “bức tử” suối của họ. Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn 9 cho biết, nhà chị cách suối gần trăm mét, nhưng thời điểm chế biến rộ (3 tháng cuối năm âm lịch), mùi hôi thối từ chất thải do các cơ sở chế biến này thải ra suối khiến gia đình chị cũng như nhiều người dân trong thôn phải đóng cửa tối ngày để giảm bớt mùi.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng thôn 9, xã Lang Quán cho biết, bà con rất bức xúc khi môi trường sống bị ô nhiễm. Thời điểm đúng mùa chế biến, nước thải, bã sắn do các cơ sở này thải ra suối dày đến 15 - 20 phân. Sợ nhất là những ngày trở trời, có gió, mùi hôi thối từ suối ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn, không khí bị ô nhiễm nặng nề. Dòng suối này trước từng là nguồn sống của nhiều người, nhưng giờ không con gì có thể sống được, ông Toàn ví von, đến con đỉa còn chết nói gì đến tôm, cá. Bà con không dám lội chân xuống suối, ai có việc phải đi ven suối phải đeo khẩu trang kín mít; trâu bò cũng không ai dám cho đằm mình chứ không nói đến uống nước suối.
Rác thải ứ đọng trên suối Lang Quán (Yên Sơn).
Không chỉ chất thải từ quá trình sản xuất sắn, rác thải sinh hoạt cũng bị nhiều người ý thức kém vứt ra suối. Ông Lương Kim Quế, Trưởng thôn 10, xã Lang Quán cho biết, mặc dù đã cắm biển cấm vứt rác, thôn cũng đã xây dựng quy chế phạt tiền nếu bắt được người vứt rác nhưng nhiều người lợi dụng đêm tối, đem cả bao tải rác ra vứt bừa ở suối. Ngay trước cổng vào Đền Minh Lương, thôn 7 xã Lang Quán, rác thải cũng ứ đọng lại, trông rất mất mỹ quan. Trong khi chờ giải pháp từ “trời”, những ngày cuối tuần, các thôn ven suối như thôn 7, 9, 10, 11, 12… đều vận động bà con gom đẩy rác thải ra hai bên hoặc vớt lên bờ để khơi thông dòng chảy.
Chợ Km31, xã Thái Sơn (Hàm Yên) họp ngay cạnh suối Thái Sơn. Rác thải sau mỗi buổi họp chợ, chủ yếu là túi nilon, ngập tràn lòng suối. Các dòng suối ở nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng… than khóc từng ngày. Như suối ở Hùng Lợi (Yên Sơn) không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn bị chất thải xây dựng “bủa vây”, điều này không chỉ mất mỹ quan, mất vệ sinh môi trường mà còn tác động tiêu cực đến dòng chảy, khiến lòng suối bị thu hẹp lại.
Hồi sinh
Tại nhiều địa phương, sau khi nhận thấy những tác động tiêu cực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến môi trường, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ để không chỉ giữ sạch dòng chảy, mà còn lưu giữ những ý nghĩa lịch sử lâu dài cho con cháu.
Suối Khuôn Pén, xã Tân Trào (Sơn Dương) chảy qua chân núi Hồng, qua địa phận thôn Tân Lập. Với mỗi người dân trong thôn nói riêng và cả xã Tân Trào nói chung, dòng chảy lịch sử này là chứng tích cho những ngày tháng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu lại nơi này. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải tự hào, câu chuyện Bác Hồ dừng chân nơi suối Khuôn Pén hầu như người dân Tân Trào nào cũng biết nhờ truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có lẽ nhờ thế mà bà con có hơn trong việc giữ gìn, vệ sinh khu vực dòng suối. Vậy nên, qua bao tháng năm vẫn trong xanh Khuôn Pén, mềm mại như một dải lụa bao quanh vùng quê cách mạng này. Không chỉ phụ thuộc vào ý thức người dân, suối Khuôn Pén cũng nằm trong danh mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, sẽ xây dựng đường nội bộ và đường xuống suối.
Suối Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) được hồi sinh.
Dòng suối Cả qua xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nhiều năm liền bị ô nhiễm vì rác thải sinh hoạt, chất thải từ các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn. Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, Yên Nguyên hiện có hơn 40 ha dong riềng. Trên địa bàn xã cũng đã hình thành hơn chục cơ sở chế biến tinh bột từ loại củ này. Mặc dù không phải là loại cây nằm trong cơ cấu cây trồng của xã, nhưng dong riềng đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Tuy nhiên, theo ông Dũng, vì các cơ sở này chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nên lượng nước thải, bã dong riềng không được xử lý triệt để. Sau khi nghe phản ánh từ người dân sống quanh khu vực suối về chất lượng nước suối Cả, cấp ủy, chính quyền xã Yên Nguyên quyết tâm bằng mọi giá giải quyết được vấn đề này. Năm 2019, sau nhiều năm quyết liệt vận động, tuyên truyền các hộ dân sống quanh khu vực suối, đặc biệt là những cơ sở chế biến dong riềng, Yên Nguyên cũng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa yêu cầu các hộ ký cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường, có chế tài xử phạt, tịch thu phương tiện sản xuất… Nhờ thế, bã dong riềng được thu gom lại, nước thải của các cơ sở này cũng được lắng qua các bể lọc, hạn chế tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên Cầm Văn Dũng cho biết, cùng với việc xử lý các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng, Yên Nguyên cũng ký hợp đồng với một doanh nghiệp môi trường tại thành phố Tuyên Quang để thu gom rác thải sinh hoạt của người dân trong xã. Ông Dũng cho biết, những giải pháp này đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã nói chung và cho dòng suối Cả nói riêng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, các dòng suối trên địa bàn tỉnh có đóng góp rất lớn, cung cấp nguồn tài nguyên nước mặt cho nhiều địa phương. Nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn dòng chảy, từ năm 2019 đến 2025, đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Trong đó, riêng năm 2019, đơn vị này đã tổ chức 6 lớp tuyên truyền tại các huyện, thành phố cho hơn 700 lượt người dân. Ông Trần Vũ Hưng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để những dòng chảy này không bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, về lâu dài, phải nghiêm túc thực hiện các chế tài liên quan về xử lý xả thải; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, xử lý triệt để chất thải, nước thải từ quá trình sản xuất trước khi xả ra môi trường, để đảm bảo chất lượng cho các dòng chảy này.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa: Hệ thống sông, suối của huyện Chiêm Hóa có độ dốc cao, hướng dòng chảy tập trung đổ dồn về sông Gâm và sông Lô nên khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, dân cư sống phân tán nên rất khó khăn bố trí nguồn nước trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Một số thôn, bản vùng cao người dân phải sử dụng nguồn nước tự nhiên (nước lần) chảy ra từ các hang đá, khe núi để sử dụng. Tuy nhiên, nguồn nước tự nhiên này đang có chiều hướng sụt giảm. Để bảo vệ nguồn nước cũng như điều tiết dòng chảy đảm bảo phục vụ lợi ích của người dân, huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết (Yên Sơn): Con suối chảy qua địa phận xã Kiến Thiết (Yên Sơn), đặc biệt đoạn qua chợ Kiến Thiết luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng do rác thải. Nguồn rác từ các hộ dân cư sống quanh khu vực; rác sau mỗi buổi họp chợ cũng được các tiểu thương thiếu ý thức trút xuống. Khắc phục tình trạng này, UBND xã đã huy động đoàn viên thanh niên, dân quân thu gom xử lý. Đồng thời ký cam kết với các hộ dân không được xả rác xuống suối gây ô nhiễm môi trường. Song do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, tình trạng xả rác xuống suối vẫn xảy ra. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm hạn chế xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường sống; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lượt xem : 1606