Vietnamese English
Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

11/26/2024 3:20:00 PM

(TMO) - Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành năm 2024.

Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; GS.TSKH, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành liên quan.

Hội nghị Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội năm 2024 được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động năm 2024, đồng thời xem xét các nội dung quan trọng trong năm 2025 và trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Văn Thăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã báo cáo kết quả các hoạt động chính của Hội thực hiện trong năm 2024. Về công tác tổ chức, tỉnh Bình Dương đã tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh; Thành lập mới Viện Khoa học giáo dục môi trường và phát triển cộng đồng trụ sở tại Đà Lạt, kết nạp 2 đơn vị thành viên mới tại Hà Nội. Đồng thời Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Ninh Bình đã tiến hành thành công Đại hội nhiệm kỳ IV, và ông Đỗ Văn Dung được bầu làm Chủ tịch Hội Ninh Bình nhiệm kỳ 2024-2029. Bên cạnh đó kiện toàn tổ chức CLB Đạp xe truyền thông môi trường kết nối Cây Di sản, kết nạp thêm một số thành viên…

Về công tác Tư vấn, Giám định và Phản biện xã hội, công tác truyền thông môi trường trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, các vị Lãnh đạo, hội viên thường xuyên viết bài đăng trên các trang báo chí liên quan đến lĩnh vực, đặc biệt Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (cơ quan ngôn luận của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã có những tuyến bài sâu sắc, lan toả được tinh thần cũng như nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ và Cây Di sản.

PGS.TS Lê Văn Thăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nhiều vị Lãnh đạo và các chuyên gia của Hội thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí mang tính chất hoạt động tư vấn, phản biện trên phương tiện truyền thông Trung ương, địa phương…Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh và đảm bảo tiến hành các hợp đồng nghiên cứu khoa học theo đúng kế hoạch…

Về công tác “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam liên tục tổ chức các cuộc họp đáp ứng và giải đáp các vấn đề liên quan cho các đơn vị địa phương. Tính đến hết tháng 11/2024 đã có trên 8.000 cây, thuộc 145 loài, trên 58 tỉnh thành được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đáng chú ý, Cuộc thi viết về Cây Di sản năm 2024 được phát động vào tháng 3/2024, được triển khai thực hiện bởi Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường đã thu hút đông đảo các cây bút trên khắp cả nước tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao công tác triển khai thực hiện kế hoạch của các đơn vị thành viên tại các tỉnh thành, địa phương. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, 5 tỉnh thành còn lại sẽ có cây cổ thụ đủ điều kiện được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

TS. Nguyễn Ngọc Sinh thông tin thêm, hoạt động vinh danh Cây Di sản được người dân, các đơn vị, tổ chức…tích cực hưởng ứng. Đơn cử như tại vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các chiến sĩ hải quân mỗi lần đi qua Cây Di sản đều giơ tay chào. Điều đó thể hiện sự tôn trọng, thiêng liêng cao quý của Cây Di sản trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Như vậy, trong năm 2024 về cơ bản toàn Hội đã hoàn thành kế hoạch đã đặt ra trong đó: Hải Phòng, Phú Thọ, Cần Thơ đã tích cực tham gia sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đạt được nhiều kết quả và có tác động tốt; Đánh giá cao sự nỗ lực và nhiệt tình hoạt động của nhiều vị lãnh đạo và hội viên của Hội; Hội đồng cây Di sản Việt Nam, Hội đồng thi đua khen thưởng, Ban truyền thông môi trường và Văn phòng hội chủ động và tích cực hoạt động…

Tại Hội nghị, các Đại biểu cũng đưa ra các ý kiến đóng góp của mình về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động triển khai công tác Hội tại các địa phương. Đơn cử như Đại biểu đến từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Phú Thọ, Đại biểu đến từ Đại học Cần Thơ…

Về phương hướng chung trong giai đoạn tiếp theo, Hội sẽ tiếp tục phương châm hướng tới cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mở rộng Hội ra các lĩnh vực và các địa phương. Tiếp tục giữ vững truyền thống tự hào của Hội, không ngừng đổi mới sáng tạo…

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội VIII, rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ 2024 và phù hợp tình hình mới, năm 2025 toàn Hội nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính, cụ thể: Chú trọng tổng kết công tác năm 2024 và đề xuất kế hoạch phù hợp, khả thi cho năm 2025 đối với toàn Hội và các tổ chức của Hội; Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ Nội Vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường…; Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, bảo đảm các hoạt động theo Điều lệ Hội đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Hội đồng, các Ban chuyên môn và Văn phòng Hội.

Phối hợp hoạt động nhân các ngày kỷ niệm về môi trường (Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương quốc tế, Ngày Đa dạng sinh học Thế giới, Tuần lễ Làm cho Thế giới sạch hơn, Tháng Bảo vệ các loài…; Nghiên cứu, rút kinh nghiệm tiếp tục tổ chức thành công chương trình “Vì môi trường Xanh Quốc gia năm 2025”… Tổ chức tốt hoạt động của các kênh truyền thông VacneGoGreen và VietnamXanhTV cùng trang web vacne.org.vn, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, tinmoitruong.vn…

Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã bầu bổ sung PGS.TS Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cần Thơ vào Ban Thường vụ, ông Ngô Quang Sự, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Dương vào Ban Chấp hành VACNE…

Đồng thời hoàn thiện dự thảo sách “Tài nguyên thiên nhiên và Chuyển đổi Xanh ở Việt Nam”, tổ chức biên tập sách “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” và Cẩm nang chăm sóc sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ cây cổ thụ/Cây Di sản”…/.

 

Theo Nhóm PV (TMO)

Lượt xem : 205