Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có định biên và thụ hưởng ngân sách, nhưng Hội vẫn liên tục phát triển (tăng gấp 2 số hội thành viên so với nhiệm kỳ trước) và có nhiều hoạt động phong phú, đạt hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp BVMT và phát triển bền vững của thành phố.
Điểm mạnh nhất của Hội BVMT Hải Phòng là công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội. Không chỉ đóng góp vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về môi trường, các chuyên gia của Hội còn tích cực tham gia công tác thẩm định về môi trường nhiều Dự án Quy hoạch kinh tế - xã hội của ngành, địa phương (quận huyện) và các Dự án Quốc gia trên địa bàn. Điển hình như: Quy hoạch xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2050; Dự án cảng nước sâu Lạch Huyện; Quy hoạch cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải nguy hại; Kế hoạch phòng chống sự cố tràn dầu…Quan trọng hơn, những ý kiến tư vấn, phản biện khách quan của Hội đều được các đối tác chấp thuận và cơ quan chức năng đồng tình. Các Chi Hội và hội thành viên ở các Sở, ngành, các trường Đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc Hội cũng làm tốt nhiệm vụ này; đồng thời triển khai nhiều Chương trình, Dự án thiết thực trên địa bàn.
Các hoạt động tư vấn phản biện về chủ đề nhập khẩu phế liệu, Bảo tồn ĐDSH vườn quốc gia Cát Bà, Quy hoạch BVMT của thành phố, cũng như các đề tài, dự án: Điều tra khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính; Khai thác tri thức bản địa của cộng đồng vạn chài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vạn Hương (Đồ Sơn)... do các thành viên Hội BVMT Hải Phòng triển khai, được địa phương đánh giá cao.
Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được Hội Bảo vệ môi trường thành phố Hải Phòng quan tâm. Rất nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, buổi tọa đàm về chủ đề liên quan tới BVMT được Hội chủ động, hoặc phối hợp với các đơn vị trong nước và nước ngoài tổ chức. Bên cạnh những tạp chí, Bản tin chuyên đề phát hành đều đặn, Hội còn in một số cuốn sách và tài liệu về lĩnh vực này. Nhiều hoạt động của Hội BVTN&MT Việt Nam như: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ĐTM, Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo tồn Cây Di sản…cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo và các đơn vị thành viên của Hội BVMT Hải Phòng. Tới này đã có 65 cây cổ thụ ở Tiên Lãng, Cát Hải, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Hải An đã được VACNE xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam./.
|