Nguyễn Tiến Dũng, học sinh lớp 11A4, trường THPT Lê Quý Đôn (cùng với Lê Nhật Hưng, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú đạt giải Nhì với đề tài “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông - thông minh, thân thiện với môi trường”) cho biết: “ Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông ở nước ta quá nhiều, hệ thống đèn giao thông ở các tuyến phố đã được triển khai nhưng nhiều người dân không chấp hành dẫn đến không ít vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Trên đường đến trường, em thấy nhiều người dân không chấp hành luật giao thông, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều...”.
Nguyễn Tiến Dũng - đồng chủ nhân của sản phẩm Hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh.
Từ những ý tưởng đó, Dũng chia sẻ với người bạn thân Lê Nhật Hưng. Sau đó, Dũng và Hưng nhờ thầy giáo dạy tin học của trường Lê Quý Đôn phác thảo ý tưởng đề tài xây dựng mô hình hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh.
Theo thiết kế, hệ thống tín hiệu đèn giao thông thông minh bao gồm: hệ thống các bóng đèn, camera, hệ thống cảm biến, tia laze và một số thiết bị hấp thụ ánh sáng mặt trời. Hệ thống này được nối trực tiếp với Trung tâm điều hành tín hiệu đèn giao thông.
“Khi các phương tiện tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn đường, hệ thống laze và cảm biến bắc song song với vạch phân cách tại trục đèn đỏ sẽ nhận biết và điều khiển hệ thống camera ghi lại hình ảnh cũng như biển số của phương tiện đó. Hình ảnh sau đó được chuyển về trung tâm và những người làm việc ở đây chỉ cần theo dõi trên màn hình sẽ biết được phương tiện nào phạm luật”, Dũng giải thích.
Áp dụng hệ thống này, cơ quan quản lý có thể “phạt nguội”. Khi phát hiện phương tiện giao thông nào phạm luật công an giao thông chỉ cần căn cứ thông tin từ biển số xe, xác định chủ phương tiện để gửi giấy xử phạt về tận nhà.
Một điểm khá đặc biệt của hệ thống này là sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành. Trong quá trình tích điện từ ánh sáng mặt trời, năng lượng ngoài việc vận hành cho hệ thống đèn hoạt động còn là nơi sạc pin điện thoại cho người dân.
‘Hệ thống của bọn em thiết kế có bổ sung thêm một số thiết bị thu ánh nắng mặt trời để vận hành. Trong quá trình hấp thụ nhiệt, hệ thống có khả năng tích điện vào một thiết bị khác để dự trữ điện năng. Đối với những người tham gia giao thông, hoặc khách du lịch chẳng may điện thoại hết pin thì có thể sử dụng điện từ hệ thống này như dùng điện lưới ở gia đình”, Dũng cho biết.
Cũng theo Dũng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông vừa chạy được bằng năng lượng mặt trời, vừa có thể hoạt động bằng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, trong thiết kế, hệ thống vận hành bằng năng lượng mặt trời là chính. Chỉ những ngày trời mưa, hoặc năng lượng mặt trời không đủ thì hệ thống mới tự động chuyển sang sử dụng điện lưới.
“Ở nước ta, nhiều địa phương đặc biệt là những vùng miền núi đang thiếu hụt điện trầm trọng. Vì vậy, chúng em đưa ra ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm nguồn điện lưới quốc gia. Sử dụng nặng lượng “sạch” từ mặt trời chính là cách chúng em góp phần nhỏ để bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp”, Dũng cho biết thêm.
Theo thầy Đổ Văn Nhỏ, giáo viên hướng dẫn đề tài của Dũng và Hưng: “Đề tài của các em rất hay, rất thú vị. Sản phẩm không chỉ mang lại tiện ích trong điều hành, quản lý giao thông mà còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của các em”.
“Hiện nay, một số tuyến phố ở Đà Nẵng đã được lắp camera để giám sát người đi đường. Tuy nhiên, hệ thống camera này quay liên tục, vì vậy khi muốn xem lại một cảnh vi phạm giao thông nào đó thì phải tua lại nên rất mất thời gian. Trong khi đó, hệ thống của các em chỉ ghi lại hình ảnh các phương tiện và người tham gia giao thông phạm luật nên rất dễ dàng quản lý”, thầy Nhỏ cho biết thêm.
“Bọn em mong muốn đề tài Hệ thống đèn tín hiệu giao thông được hiện thực hóa để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Bọn em mong rằng trong tương lại không xa sẽ có một vài doanh nghiệp biến ước mơ của bọn em thành hiện thực”, Dũng chia sẻ.
Theo Quang Mậu (ICT News)