Hoàn thiện cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường kết nối liên thông
12/29/2021 7:53:00 AM
Hoàn thiện hạ tầng dữ liệu số về TN&MT với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ TN&MT; cung cấp Dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về TN&MT; phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Chiều 27/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án “Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu TNMT kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin”.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp
Theo ông Khuất Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu TNMT, Dự án “Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu TNMT kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin” do Cục CNTT và Dữ liệu TNMT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trong 4 năm (từ năm 2023 - 2026) trên phạm vi cả nước đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu nhằm hoàn thiện hạ tầng dữ liệu số về TN&MT với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ TN&MT; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về TN&MT; phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Về mục tiêu cụ thể, Dự án nhằm hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến.
Hệ thống cơ sở dữ liệu TN&MT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó 100% cơ sở dữ liệu quốc gia về TN&MT tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng hoàn thiện; kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Tạo lập, vận hành Cổng dữ liệu và dữ liệu mở về TN&MT. Tập trung ưu tiên xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu một số lĩnh vực quan trọng như đất đai, khí tượng thủy văn, môi trường... phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu TN&MT.Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng ứng dụng cung cấp các công cụ thu nhận, quản lý, phân tích, xử lý, cảnh báo, dự báo để khai thác dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý, chuyên môn nghiệp vụ tiến tới hỗ trợ mọi hoạt động ngành TN&MT dựa trên dữ liệu.
Cùng với đó, phát triển hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ về quản trị các giao dịch về đất đai tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đồng thời, xây dựng được cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; 100% số liệu quan trắc tại các trạm thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia được thu nhận sát theo thời gian thực và kiểm soát, lưu trữ theo quy định; 100% số liệu quan trắc tại các công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật và tối thiểu 75% số liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn khác được thu nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
Tại cuộc họp, các thành viên đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết để thực hiện Dự án và cho rằng, việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT và tổ chức quản lý trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, của Chính phủ và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng là hết sức cần thiết là nhiệm vụ cấp bách cần được triển khai thực hiện đồng bộ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cho Dự án. Trong đó, tập trung vào việc xác định cụ thể các nội dung, sản phẩm kế thừa tại các dự án đã và đang triển khai; đề xuất xem xét, bổ sung bảng thông tin các loại dữ liệu chuyên ngành xây dựng trong dự án; làm rõ hiệu quả đầu tư tại Bộ TN&MT tại 63 tỉnh/thành phố; cần thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công; ...
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết và thiết thực của các thành viên Hội đồng, đồng thời, đề nghị Cục CNTT và Dữ liệu TNMT tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, chủ động trao đổi để thống nhất các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện Dự án trình Bộ TN&MT trình Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thứ trưởng đánh giá cao Dự án có ý nghĩa rất quan trọng góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, xây dựng Chính phủ số và tạo điều kiện cho mọi công dân có thể tiếp cận, cập nhật thông tin cần thiết của ngành TN&MT đã được đơn vị chủ trì xây dựng Dự án thực hiện công phu dựa trên các cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cũng như phương pháp luận khoa học và thực tiễn phù hợp.
Để đảm bảo hiệu quả của dự án, trong quá trình triển khai thực hiện, Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị chủ trì cần rà soát lại mục tiêu, nội dung và giải pháp của Dự án bên cạnh việc đảm bảo các nội dung phải tuân theo các quy định để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, những quy định về kết nối chia sẻ dữ liệu.
Đồng thời, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật;…
(Theo Baotainguyenmoitruong)
Lượt xem : 1801