Vietnamese English
Hòa giải xung đột môi trường 2. Nhận diện Xung đột môi trường

12/18/2014 4:12:00 PM

(VACNE) - XĐMT là một quá trình bất đồng thuận trong xã hội, leo thang từ mâu thuẫn, qua tranh chấp, lên xung đột.

 

 

Nguyễn Đình Hòe - VACNE

 

 

 Người dân phản đối công ty Mauri - La Ngà (Đồng Nai)
xả thải gây chết cá (2008)

Nhiều định nghĩa về XĐMT đã được trình bày trên văn liệu quốc tế[1],[2] . Lê Ngọc  Thanh và Mai Trọng Thông (2014) đã liệt kê khá nhiều định nghĩa khác nhau về XĐMT trên cở sở nhiều tài liệu mà tác giả thu thập được trong và ngoài nước cho đến năm nay (2014). Tác giả nhận định rằng “XĐMT là một dạng củả xung đột xã hội, liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bất cứ XĐMT nào cũng xuất phát từ vấn đề quyền lợi, xuất phát từ đương sự đối lập, và có thể giải quyết. XĐMT xảy ra do tác động đến các chức năng môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại một địa    phương, một vùng, thậm chí ở một quốc gia” . Tác giả đi đến nhận định XĐMT “ là tình trạng trong đó mục tiêu, cảm xúc, quan điểm hoặc hành động của một bên (cá nhân hoặc nhóm) can thiệp hay cản trở bên kia (cá nhân hoặc nhóm), làm cho hoạt động của họ (một hoặc cả hai bên) kém hiệu quả”. Các tác giả cũng chỉ rõ, dựa theo ý kiến của Mitchell, B. có 4 nguyên nhân dẫn đến XĐMT là (i) Khác biệt về hiểu biết và nhận thức, (ii) Khác biệt về đánh giá giá trị tài nguyên, (iii) Khác biệt về lợi ích và (iv) Khác biệt về tính cách của các nhóm người trong xã hội [3].

Dễ thấy khi vấn đề “cảm xúc, sự khác biệt” được đưa vào nội hàm XĐMT, người đọc lại hầu như không thấy rõ vấn đề luật pháp đã bị vi phạm như thế nào, cũng như đa phần vẫn coi XĐMT là một sự kiện, một hiện tượng mà không phải là một quá trình với rất nhiều chiều ngầm, quyền lực ngầm và sự khó minh bạch trong tất cả các khâu trong quá trình xã hội đặc thù đó.

Để dơn giản và dễ áp dụng trong hòa giải, có thể chắt lọc các điểm  thống nhất  của rất nhiều ý kiến thành định nghĩa sau đây

Định nghĩa: XĐMT là một quá trình bất đồng thuận trong xã hội, leo thang từ mâu thuẫn, qua tranh chấp, lên xung đột, nảy sinh từ các quan hệ bất đồng trong sở hữu, sử dụng tài nguyên, môi trường.

XĐMT ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn (sự khác nhau có tính đối nghịch) trong sở hữu, sử dụng tài nguyên, môi trường. Khi mẫu thuẫn leo thang, tranh chấp (disputes) xuất hiện. Tranh chấp là mâu thuẫn căng thẳng khó đối thoại khiến các bên tranh chấp bắt đầu dử dụng các giải pháp mà riêng mình cho là phải. Tranh chấp leo thang công khai sẽ chuyển thành xung đột (conflicts) khi các bên tranh chấp có đông người tham gia (thường trên 10 người) và có những biện pháp phản đối lẫn nhau, căng thẳng, và nhiều khi kèm theo những hành động quá khích.

“Mâu thuẫn - tranh chấp – xung đột” là 3 bậc thang của một quá trình bất đồng thuận xã hội có tên chung là XĐMT. Vì vậy không nhất thiết phải gọi riêng Tranh chấp và XĐMT như nhiều tác giả. Khi thảo luận và xử lý một vụ XĐMT cụ thể, cần chỉ rõ là nó đang ở giai đoạn nào là chính. Bởi lẽ các công đoạn Mâu thuẫn – Tranh chấp và Xung đột không hoàn toàn tách rời nhau mà chúng sinh ra ở trong nhau, cái này là kết quả hoặc là nguyên nhân ở ngay trong lòng cái kia.

 



TÀI LIỆU DẪN

 

[1]  Burgess,G.  and H. Burgess (1994). Environmental Mediation: beyon the limits applying dispute resolution principles to intractable environmental conflict.University of Colorado at Boulder, USA.

[2] Emerson, K., ands others  (2009) . Environmental Conflict resolution: Evaluating performance outcomes and contributing  factors. Confl. Res. Quat.v,27 n.1., USA

[3] Lê Ngọc  Thanh và Mai Trọng Thông (2014 . Nhận dạng, đánh giá xung đột môi trường  ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1990 đến nay). Hội thảo Hợp tác Khoa học công nghệ vì sự phát triển bền vững nông nghiệp Lâm Đồng – Tây Nguyên 2014,  

Lượt xem : 4721