Vietnamese English
Hiểu thế nào về “xã hội hóa”?

3/24/2015 9:38:00 AM

Nhân đọc bài Hãy gọi đúng tên “tư nhân hóa” trên TBKTSG số ra ngày 12-3-2015, tôi xin nêu một số vấn đề về việc xã hội hóa hiện nay.

 

Từ khi thực hiện chính sách đổi mới, với chủ trương phát huy nội lực, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cá nhân, tổ chức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì cụm từ “xã hội hóa” xuất hiện và được nhắc đến trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, như việc xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế… Gần đây là xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định tư pháp, thi hành án… Từ đó, các bệnh viện tư, trường học tư, văn phòng công chứng tư, thừa phát lại… đã ra đời và đi vào hoạt động.

Nên hiểu và thực hiện việc “xã hội hóa” như thế nào cho đúng và phù hợp? Chúng ta có đang lạm dụng cụm từ này hay không? Hiện còn có các quan điểm khác nhau về việc này.

Trước hết, theo Đại từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin thì thuật ngữ xã hội hóa được giải thích như sau: xã hội hóa- làm cho thành của chung.

Giáo sư Bùi Trọng Liễu viết trên VietNamNet từ năm 2007: “Ở các nước phương Tây, dù là người cộng sản hay không, cụm từ “xã hội hóa” (tiếng Pháp là socialisation), từ trước đến nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa “tập thể hóa”, “đặt dưới chế độ cộng đồng”, “quản lý hay điều khiển của nhà nước nhân danh xã hội”…và ông cho rằng “cụm từ xã hội hóa ở Việt Nam càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại”.

Tương tự, khi bàn về khái niệm “xã hội hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Xã hội hóa được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên từ giữa những năm 1980) giải thích là làm cho trở thành của chung của xã hội, với thí dụ xã hội hóa tư liệu sản xuất, tức là quốc hữu hóa tư liệu sản xuất. Nghĩa của cụm từ này trong các tiếng nước ngoài cũng tương tự (đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ hay sở hữu tập thể; luyện cho hợp với môi trường xã hội; làm cho phù hợp với tư tưởng và triết lý xã hội chủ nghĩa; quốc hữu hóa…)”.

Còn theo những gì Tiến sĩ Nông Phú Bình viết trong cuốn Một số thuật ngữ hành chính do Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2000, thì “xã hội hóa là quá trình chuyển hóa, tạo lập cơ chế hoạt động và cơ chế tổ chức quản lý mới của một số lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Nếu đặt trong hoàn cảnh, thực tiễn mới hiện nay, thì khái niệm về xã hội hóa mà Tiến sĩ Nông Phú Bình đưa ra tỏ ra phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề là cần có sự phân định rạch ròi, việc nào là của Nhà nước, việc nào của tổ chức, cá nhân khác và việc nào Nhà nước và tổ chức, cá nhân khác cùng làm để tránh tình trạng Nhà nước ôm đồm, độc quyền nhưng thực hiện không hiệu quả, những việc mà đáng ra thuộc về các tổ chức, cá nhân khác. Cần xác định việc nào thì Nhà nước không thể ôm đồm, độc quyền mà nên giao trả lại cho tổ chức, cá nhân khác.

Muốn vậy, cần phải đánh giá một cách tổng thể về vấn đề “xã hội hóa” hiện nay, về hiệu quả của việc “xã hội hóa” mà chúng ta đã thực hiện. Đồng thời, cần phải có quy định và cơ chế quản lý phù hợp, đừng để cho việc “xã hội hóa” bị lợi dụng.

Phan Thị Bình Thuận (TBKTSG)

Lượt xem : 3211

TIN KHÁC

MÙA YÊU THƯƠNG (01/02/2025 11:48 )
Tết là (31/01/2025 09:54 )
Xuân ấm (31/01/2025 08:32 )
Mùa yêu thương (30/01/2025 14:54 )