Hệ thống cây cổ thụ xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
3/29/2012 5:26:00 AM
Ông Tạ Đình Hạp, 75 tuổi, là một giảng viên sau 40 năm dạy học ở trường cao đẳng sư phạm, nay đã về nghỉ hưu tại quê hương ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Với tấm lòng yêu quê hương và cũng mong muốn được góp phần vào việc bảo tồn các vốn quý của dân làng nên vừa rồi ông đã biên soạn tài liệu về một số cây cổ thụ ở quê hương để đề nghị được xét duyệt là Cây di sản Việt Nam.
Dị Nậu là một miền đất cổ nên trước đây có rất nhiềua cây cổ thụ được trồng xung quanh đền chùa, điện miếu, dọc đường đi trong làng và trên các cánh đồng.
Trước đây, ở các gò Quán Sãi, Chùa Chặng, Cổng Tây, Gội Dược, Giếng Nến, Quán Thánh... dân làng đều trồng được những cây đa, cây lụ, cây si, cây gạo, cây trâm, cây phượng... cổ thụ cao to lắm. Cây đa Quán Sãi là cây cổ thụ đã có từ rất lâu, trông đẹp và bề thế. Ở cổng Tây có cây si mọc cạnh đền Nam Căng, cành lá xum xuê, từng chùm rễ buông xuống đất, trông cổ kính biết bao. Ngoài cây si, ở cổng Tây còn có mấy cây lụ già gốc to, thân vươn thẳng lên cao, cành lá quanh năm xanh biếc, ngọn xòe ra, trông tựa như mâm xôi khổng lồ.
Tại ngã ba ở bến Gò Chò đi lên có hai cây phượng cổ thụ, về mùa hè hoa nở đỏ rực cả góc trời, trông đẹp lắm.
Cây cổ thụ, vừa là nơi tạo ra bóng mát cho dân làng, vừa là phong cảnh mang bản sắc riêng cho mỗi làng quê, đồng thời là minh chứng sống đi cùng bề dày lịch sử của quê hương mình. Tuổi đời mỗi cây cổ thụ đều gắn liền với bao kỷ niệm của từng người dân bản quán. Nhìn cây cổ thụ nào cũng thấy cổ kính, linh thiêng mà lại gần gũi, thân thương như chính máu thịt mình.
Cây sống cùng đất trời và con người qua bao năm tháng. Những cây cổ thụ đã trải qua bao trận phong ba, bão táp với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên; hơn nữa, có thời gian cũng chưa được người dân quan tâm bảo vệ, chăm sóc nên đến nay nhiều cây cổ thụ không còn nữa, nó chỉ còn là kỷ niệm đẹp đáng nhớ của một thời quá khứ với lớp người cao tuổi.
May thay, đến nay dân làng vẫn giữ được một số cây cổ thụ ở cạnh các ngôi đền, chùa trong xã mà tuổi đời của chúng rất đáng trân trọng nên chúng ta cần nhanh chóng làm đủ các thủ tục để được Nhà nước công nhận là Cây di sản Việt Nam, nhằm bảo vệ, chăm sóc những cây cổ thụ đó được trường tồn trên quê hương thân yêu của chúng ta. Ngôi đại cổ từ Quốc Tế đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ ngày 22 – 9 – 1992; ngôi chùa Thiên sinh Bà Nhan cổ kính được tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa từ ngày 05 – 6 – 2009. Hy vọng tới đây Nhà nước sẽ công nhận những cây cổ thụ quý hiếm của dân làng là Cây di sản Việt Nam. Khi đó hệ thống đền, chùa và cây cổ thụ sẽ tạo thành một quần thể Lịch sử - Văn hóa trên quê hương yêu dấu của chúng ta. Đó là điểm nhấn về lịch sử văn hóa của một làng Việt cổ mà chúng ta cần trân trọng bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn của nó mà ông cha ta đã tốn bao công sức gây dựng nên từ bao đời qua.
Những cây cổ thụ của xã Dị Nậu còn tồn tai đến nay đang được dân làng chắm sóc, bảo vệ gồm :
1/ Cây đa cổ thụ ở gò Quán Thánh do gia đình cô Hán Nguyên Nhân (cụ Phó bá Ngữ) lúc đó làm Phó lý; sau đú được khao để lên chức Bá hộ đó trực tiếp trồng cây đa này ở gần quán Văn Chỉ linh thiêng vào đầu thế kỷ XIX để làm kỷ niệm cho đời sau. Tính đến nay cây đa này đã gần 200 năm mà cành lá vẫn sum suê, xanh ngắt bốn mùa. Vì đa được trồng ở vị trí ở gần bến đò Quán Thánh và quán Văn Chỉ nên thường xuyên có đông người qua lại; dừng chân để nghỉ ngơi dưới bóng mát khi đi lao động về hoặc ngồi chờ một chuyến đò ngang...Bởi vậy, cây đa đã gắn bó bao kỷ niệm thân thương với mọi người dân trên miền quê này.
2/ Hàng cây hoa đại (còn lại 7 cây cổ thụ) được các bậc tiền nhân trồng ở xung quanh chùa Thiên sinh Bà Nhan ngay từ khi xây dựng ngôi chùa vào đầu thế kỷ XIV (đời nhà Trần) ở gò Chùa. Theo tài liệu còn lưu trữ được tại ‘‘Viện nghiên cứu Hán Nôm’’ tại Hà Nội thì chùa Thiên Sinh Bà Nhan còn có hai tấm văn bia bằng đá mang ký hiệu N010756 – 10757 và N010758 – 10760 ghi lại việc làm cây đèn 120 ngọn bằng gỗ lim và Hưng công sửa chữa chùa Thiên Bà Nhan được dựng trước nhà chùa vào năm 1719 và năm 1735 (tấm văn bia thứ hai nay vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn). Trước đây, những tấm văn bia này đều được các bậc tiền nhân dựng lên tại những vị trí trang trọng trước nhà chùa mà cạnh đó đều có những bóng cây đại cổ thụ phủ bóng mát lên bia đá.
Tính đến nay, bảy cây hoa đại này đã sống trên 700 năm mà quanh năm cành lá vẫn xanh tươi, hoa thơm ngào ngạt, tôn thêm phong cảnh linh thiêng cho ngôi chùa cổ kính đã gần ngàn năm tuổi.
3/ Đăc biệt, trước miếu thờ Đức Thánh Tản Viên ở Chòm Nam có cây Thị đại thụ (địa phương quen gọi là cây Cậy). Theo lời kể của các bậc bô lão trong làng truyền ngôn lại từ đời này qua đời khỏc thì cây Thị đã có từ thời Đinh Bộ Lĩnh (970 – 979) đi dẹp loạn 12 sứ quân để lập nên Nhà nước Đại Cổ Việt. Theo Ngọc Phả của làng hiện nay còn lưu giữ được ở ‘‘Viện nghiên cứu Hán Nôm’’ tại Hà Nội mang ký hiệu AEa 9/32 thì ngôi đền Quốc Tế cùng bốn ngôi điện là Điện Đông, Điện Tây, Điện Nam, Điện Bắc và miếu thờ Đức Thánh Tản Viên được dân làng lập lên từ năm 258 TCN để thờ cúng các danh tướng thời vua Hùng thứ 18. Về sau các cụ đã trồng cây Thị trước miếu thờ Đức Thánh cho thêm phần linh thiêng. Như vậy, đến nay cây Thị này đã sống chừng hơn 1000 năm tuổi. Gốc Thị bạnh ra xù xì, khoẻ khoắn, thân vẫn bền, cành lá vẫn xanh tươi, tràn đầy sức sống, hàng năm vẫn trổ hoa, kết bao trái thơm ngọt cho đời. Tháng 10 - 2008, một số cụ cao niên đại diện cho Ban Di tích Lịch sử – Văn hoá của xã đã tiến hành đo chu vi gốc cây Thị được 7,96m (đường kính ~ 2,54m, khoảng 6 người ôm), chiều cao từ gốc đến ngọn là 18,45m. Phải chăng, cây Thị đại thụ ấy mang theo hồn cốt va ý chí kiên cường của quê hương nên dù trải qua bao phong trần nhưng cứ ngạo nghễ, hiên ngang giữa đất trời qua bao cơn phong ba bão táp để vươn lên mãi mãi! Hiển nhiên, cây Thị như một điểm nhấn trong tổ hợp các Di tích Lịch sử – Văn hóa của quê hương. Nhìn lại, chúng ta càng phải có nghĩa vụ gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm đó, coi cây Thị như vật báu vô giá của dân làng. Vì cây Thị cổ kính, thiêng liêng như thế, lại đứng bên cạnh miếu thờ Thánh Tản Viên bất tử nên bao du khách qua đây đã dừng xe, xuống ngựa, ngả mũ đi bộ rồi dừng chân để chăm chú ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, suy tư về cuộc đời với cả tấm lòng ngưỡng mộ và thán phục về cụ Thị trường sinh bất lão! Dù vội vã hay vô tình đến đâu, khi đi qua miếu thờ Thánh Tản Viên, mọi người đều muốn dừng chân một chút để chiêm bái miếu thờ đức Thánh và chụp được tấm hình đứng bên cạnh cụ Thị ngàn năm tuổi làm kỷ niệm - bởi từ Nam ra Bắc mấy người đã may mắn gặp được bóng cây đại thụ quý hiếm như cây Thị này!
Thị là giống cây quý, nên trong sách :‘‘Đại Nam Nhất Thống Chí’’ trang 276 đã ghi, cây Thị có 7 điều tuyệt: 1- Thọ; 2- Nhiều bóng; 3- Không có tổ chim; 4- Không có mọt; 5- Lá trắng có thể thưởng ngoạn; 6- Quả thơm ngon có thể ăn; 7- Lá rụng to lớn có thể viết chữ.
Ở nước ta có cây Thị cổ ở điện Lam Kinh – Thanh Hoá trông cổ kính biết bao; ở Phan Thiết có ngôi chùa còn lưu giữ được 108 bản kinh cổ thuộc loại lâu nhất được khắc bằng gỗ Thị qua bao đời nay mà không bị mối mọt. Bên cạnh miếu thờ Cây Thị ở làng Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay vẫn còn cây thị đã sống hơn 500 năm mà cành lá vẫn xanh tươi, khỏe khoắn, tuy thân cây bị rỗng một đoạn dài. Tại thôn Nhuận Trạch huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) còn gìn giữ được cây Thị cũng gần ngàn năm tuổi mà từ gốc đến ngọn vẫn khỏe khoắn, xanh tươi – Cây Thị này đã được Nhà nước công nhân là ‘‘Cây di sản Việt Nam’’, thật là đáng trân trọng biết bao!
Mong rằng, cây Thị ở điện Bắc cứ trơ gan cùng tuế nguyệt, sống mãi với thời gian, như một chứng nhân lịch sử cho một làng quê cổ kính đã tồn tại gần bốn ngàn năm tuổi! Để ngợi ca và tỏ lòng ngưỡng mộ cây thị ngàn năm tuổi và bảy cây hoa đại thọ hơn bảy trăm năm, trong tác phẩm ‘‘Dị Nậu – Lịch sử một làng quê’’ của tác giả Tạ Đình Hạp do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2010 có hai bài thơ Đường luật nói về cây thị và những cây đại cổ thụ như sau :
Thiêng liêng cây Thị bên đền
*********
Đại thụ ngàn năm kết trái vàng
Dầm sương dãi nắng sống hiên ngang
Ngọn xòe cánh Phượng chầu cung Bắc
Cành uốn lưng Rồng ngắm điện Nam
Bão táp thân gồng trời độ thế
Mưa sa rễ bám đất cưu mang
Chứng nhân lịch sử hồn quê mẹ
Cổ kính, linh thiêng thắm nghĩa làng.
Đại thụ bên cổ tự
Bảy cây đại thọ bảy trăm niên(*)
Dáng đứng uy linh trước cửa thiền
Rễ bạnh chân rùa thâu khí vượng
Ngọn dang cánh phượng đón nguồn thiêng
Bốn mùa thơm ngát ngời tâm phật
Tám hướng diệu huyền rạng cảnh tiên
Phật tử lên chùa gieo giống đức
Ngưỡng hàng cổ thụ chốn tôn nghiêm.
Phải chăng, những cây cổ thụ còn lưu giữ lại được là vốn quý vô giá mà ông cha ta đã có công vun trồng, tưới tắm từ bao đời nay. Bởi vậy, thiết nghĩ lớp hậu sinh chúng ta đều có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ để những cây cổ thụ mói trường tồn theo thời gian cùng song hành với sự trường sinh và phát triển trên miền quê yêu dấu của chúng ta.
Kinh mong các cấp chính quyền và Nhà nước xem xét và công nhận cây đa ở gò Quán Thánh, bảy cây hoa đại trên chùa Thiên sinh Bà Nhan và cây thị đại thụ bên cạnh miếu thờ Đức Thánh Tản Viên của Dị Nậu là Cây di sản Việt Nam. Âu, đó cũng là nguyện vọng chính đáng, là nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của mọi người dân trên miền quê cổ kính này. Được công nhận là Cây di sản Việt Nam cũng là dịp để khẳng định nghĩa vụ của mọi người dân nơi đây cần nâng cao ý thức cùng tinh thần trách nhiệm để bảo tồn, tu bổ, phát huy những di tích lịch sử - văn hóa vật thể và phi vật thể mà ông cha ta đã tốn bao công sức gây dựng nên cho muôn đời sau!
(Khu 4 xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ; ĐT: 0979407724).
Lượt xem : 4640