Hệ lụy của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành hiện thực
12/14/2022 8:06:00 AM
Hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy những nguy cơ ngày càng hiện hữu do biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trung bình toàn cầu mới chỉ tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giới chuyên gia cho biết các trận lũ lụt, hạn hán và nắng nóng kéo dài trong năm nay cho thấy những cảnh báo về hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành hiện thực và đây mới chỉ là “sự khởi đầu.”
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong năm nay. Đặc biệt, nhiều dự luật mới tại Mỹ và châu Âu được thông qua.
Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào tháng trước cũng đạt nhất trí về một thỏa thuận nhằm giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức an toàn tức là tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp dường như ngày càng xa vời. Trong năm nay, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, tác nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử.
Tại hội nghị COP27 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay “cuộc tự sát tập thể.”
Trong năm nay, các chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc cũng đưa ra những cảnh báo mạnh nhất từ trước đến nay về những nguy cơ mà con người cũng như Trái Đất đang đối mặt.
Tháng 2 vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo mang tính bước ngoặt, nêu chi tiết tác động đang gia tăng của tình trạng Trái Đất nóng lên. Kể từ đó, hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy những nguy cơ ngày càng hiện hữu do biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trung bình toàn cầu mới chỉ tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá mùa màng từ Trung Quốc đến châu Âu, trong khi hạn hán khiến hàng triệu người tại vùng Sừng châu Phi rơi vào cảnh đói ăn. Lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến hơn 30% diện tích Pakistan ngập trong nước, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD.
Nhà khoa học khí hậu và là người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, ông Robert Vautard cho rằng năm 2022 sẽ là một trong những năm nóng nhất trên Trái Đất khi tất cả các hiện tượng thời tiết đi kèm với nhiệt độ cao hơn và “đây mới chỉ là bắt đầu.” Năm nay đang tiến tới trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử dù có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina từ năm 2020. Chuyên gia này cảnh báo khi hiện tượng này chấm dứt, khả năng trong vài tháng tới, nhiệt độ của Trái Đất có thể sẽ tăng lên một mức mới.
Rất có thể năm 2023 sẽ chứng kiến những cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu, cho biết các sự kiện này bao gồm cả Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới sau khi các bên tham gia hội nghị COP27 chính thức yêu cầu xem xét hệ thống tài chính quốc tế và vai trò liên quan của các tổ chức tài chính quốc tế.
Tiếp đó, COP28 dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm sau tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ công bố tiến độ toàn cầu trong thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt trung bình của Trái Đất dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C.
Nguồn: Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem : 1203