Chính quyền và doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau
Ông Đỗ Đức Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhờ tin báo của quần chúng nhân dân, đến cuối tháng 7/2009, việc phá rừng Cây Thị mới bắt đầu bị phát hiện. Nhưng thời điểm này, đã có khoảng 20ha rừng ở khu vực Khe Lớn và Khe Nhỏ bị đốn gục.
Đến lúc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên mới phối hợp với Hạt kiểm lâm Đồng Hỷ, Công ty Ván dăm Thái Nguyên và UBND xã Cây Thị thành lập đoàn kiểm tra để… làm rõ.
Không khó khăn lắm, chỉ mới đặt chân đến xóm Suối Găng, đoàn kiểm tra đã phát hiện 80 khúc gỗ tạp bị khai thác trái phép. Còn tại Khe Lớn, Khe Nhỏ, ở khu vực giữa sườn đồi, cũng ngổn ngang những cây keo bị chặt đổ. Đến lúc này, các cơ quan hữu trách mới biết và tìm ra nguyên nhân của việc phá rừng này.
Theo Văn bản số 99 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tất cả các rừng nghèo kiệt đều phải cải tạo, để trồng rừng mới. Rừng Cây Thị gồm 11.553ha, do Công ty Ván dăm Thái Nguyên quản lý.
Thế nhưng, từ lâu, công tác quản lý rừng ở Công ty Ván dăm Thái Nguyên đã bị buông lỏng, trong khi các hộ dân ở địa phương lại thiếu đất sản xuất, nên đã xảy ra việc người dân chặt phá rừng thuộc công ty quản lý, để trồng rừng mới theo Dự án của Chương trình 135, mà không gặp bất kỳ sự phản ứng nào từ phía công ty.
Mặc dù quản lý rừng Cây Thị, nhưng khi thấy người dân phá rừng, công ty đã không tiến hành kiểm tra, mà lại cho rằng, người dân phá rừng và trồng cây trên đất của… họ. Vì thế, việc phá rừng kéo dài tới gần nửa năm, mà công ty không hề biết rằng, diện tích rừng mình quản lý đang bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Đỗ Đức Thịnh, thì công tác quản lý của cán bộ triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thuộc Chương trình 135 trên địa bàn không được tốt, dẫn đến việc cấp phát cây giống trồng rừng không đúng đối tượng. Bởi theo dự án này, người dân chỉ được trồng mới trên những diện tích đất rừng kém hiệu quả, nhưng phải là ở diện tích mà họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thế nhưng, những người phá rừng Cây Thị đã không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng thực chủ quyền, cũng như mỗi hộ lại trồng rừng trên diện tích rất lớn, cũng không có thiết kế trồng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, song vẫn được giao cây giống một cách tùy tiện, mà không kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Việc để người dân phá hàng chục hécta rừng nằm trên diện tích quản lý của Công ty Ván dăm Thái Nguyên, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền xã Cây Thị trong việc phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Vì thế, dẫn đến việc UBND xã Cây Thị đã đo đạc, giao đất cho các hộ dân trên đất của Công ty Ván dăm, khiến các hộ dân tưởng đã được giao đất nên mới chặt phá rừng để trồng mới theo Dự án của Chương trình 135. Hơn nữa, thấy người dân phá rừng ở diện tích rất lớn, chính quyền xã biết nhưng đã không hề ngăn chặn.
Trách nhiệm không nhỏ ở đây cũng thuộc về lực lượng Kiểm lâm của huyện Đồng Hỷ, trong đó, đầu tiên là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. Do không bám sát địa bàn, không sát dân cũng như không sát rừng, sự phối hợp với Ban lâm nghiệp xã cũng gần như không có, đã đưa đến tình trạng, nhân dân phá rừng trên diện tích rất lớn mà không biết.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Cũng phải nói thêm, lợi dụng việc các hộ dân phát phá rừng để trồng mới, nhiều đối tượng đã "tát nước theo mưa", hùa vào để đốt phá, khai thác rừng bừa bãi. Đó là lý do rừng Cây Thị bị tàn phá nhanh như vậy.
Vì thế, chúng tôi đồng tình với hướng giải quyết tiếp theo của Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ là tiếp tục phối hợp với Công ty Ván dăm Thái Nguyên và các xã tổ chức truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa nạn chặt phá rừng bừa bãi, trên tích rừng Cây Thị vừa bị đốn hạ để trồng mới, cần được bàn giao lại cho các hộ dân quản lý, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc".
Tuy nhiên, để ngăn chặn sự việc tái diễn, không thể không làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc này. Để hơn 19ha rừng bị phá, thì không thể chỉ riêng "Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện" như Văn bản số 76/BC-HKL do ông Đỗ Đức Thịnh ký, đề nghị. Bởi vụ việc diễn ra trong 5 tháng mà không bị ngăn chặn, đã cho thấy sự yếu kém trong hoạt động quản lý của hàng loạt cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương.
Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Công ty Ván dăm Thái Nguyên - đơn vị được giao quyền quản lý nhưng đã không kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý. Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ là đơn vị được giao kiểm tra công tác quản lý rừng, nhưng lại không biết việc phá rừng kéo dài như vậy, cũng không thể vô can.
Trong việc này, UBND xã Cây Thị cũng phải chịu trách nhiệm khi để người dân phá rừng ngay trên địa bàn. Có xử lý đúng người đúng tội, mới có thể bảo vệ diện tích rừng còn lại ở địa phương tránh khỏi nguy cơ bị tàn phá