Vietnamese English
Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng

5/5/2016 10:51:00 AM

Theo thống kê, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tính đến hết tháng 4/2016 đã lên tới 9.020 tỉ đồng.

Thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, gần 475.000 hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt. Về trồng trọt, thiệt hại về lúa là gần 248.000ha; cây công nghiệp là 129.000ha, thủy sản là hơn 5.000ha, hoa màu là 19.000ha và cây ăn quả là hơn 52.000ha. Tại khu vực Nam Trung Bộ, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 23.000ha.


Dự báo nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, khoảng 57.000ha đất lúa phải dừng sản xuất vụ Hè Thu. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích thiệt hại các vụ lúa từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là 208.800ha.

Sắp di dời khu ô nhiễm nổi tiếng ở Sài Gòn

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2016 phải di dời toàn bộ 21 cơ sở gây ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12. UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Việc xử lý các cơ sở này phải hoàn thành trong năm 2016. Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) được TP giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch này - tin từ Sở TN&MT TP.HCM cho hay.

Một cán bộ Sở TN&MT cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, trong 21 cơ sở nói trên có 16 cơ sở sẽ di dời đến Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, huyện Bình Chánh. Năm cơ sở còn lại có ba cơ sở tự tìm địa điểm di dời, hai cơ sở sẽ chuyển đổi sang ngành nghề không ô nhiễm. Các cơ sở di dời sẽ gửi hồ sơ cho Sở KH&ĐT để được tham gia chương trình kích cầu của UBND TP như hỗ trợ tài chính, được vay ưu đãi. Công tác di dời dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2016 và phải hoàn tất trước ngày 31/12/2016. Sau giai đoạn này, những cơ sở chưa di dời sẽ bị xử lý và không được hỗ trợ.

Lập hội đồng khoa học và công nghệ tìm nguyên nhân cá chết ở miền Trung

Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia vừa được thành lập để phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung – theo VnExpress.

Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phù du từ ngày 7/4 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường. Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, dầu loang. Các mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm với hệ thống máy móc hiện đại của Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ đã loại trừ nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.  

Thả 6 con rùa sắp tuyệt chủng về biển

Tuổi Trẻ đưa tin chiều 4/5, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi phối hợp cùng Đồn biên phòng Bình Hải thả 6 con rùa biển về với môi trường tự nhiên. Theo đó, khoảng 12g cùng ngày, trong lúc tuần tra khu vực biển thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bình Hải phát hiện một nhóm người tụ tập tại bờ biển thuộc thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu), khi đến kiểm tra thì nhóm người này liền bỏ đi.

Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ phát hiện và thu giữ 6 con rùa biển còn sống trong tình trạng đuối sức, có phần trầy sướt nhẹ ở thân. Trong 6 con này có 5 con vích và 1 con đồi mồi, tổng trọng lượng 45kg, nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn. Đồn biên phòng Bình Hải nhanh chóng báo cáo sự việc cho Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành thả 6 con rùa biển này về với môi trường tự nhiên tại bãi biển thôn An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn cho chúng.

Gây ô nhiễm, công ty ở Brazil đối mặt án phạt 43,5 tỉ USD

Các công tố viên liên bang Brazil vừa hoàn thành tập hồ sơ đòi công ty khai thác sắt Samarco cùng hai công ty mẹ là Vale và BHP Billiton phải bồi thường 43,5 tỉ USD vì gây ô nhiễm môi trường. Sự việc xảy ra vào tháng 11/2015 khi công ty khai thác sắt nội địa Samarco làm sập một con đập khiến 19 người chết và gây ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Gualaxo do Norte. Hãng tin RT cho biết hồ sơ đòi bồi thường của Brazil được hoàn tất sau quá trình điều tra kéo dài 6 tháng. Các công tố viên yêu cầu Samarco và hai công ty mẹ phải trả trước 2,2 tỉ USD trong vòng 30 ngày sắp tới.

Theo văn phòng công tố, mức bồi thường được tính toán dựa trên việc hãng BP bồi thường 53,8 tỉ USD sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico. Công ty này cũng cho biết đã cùng với Samarco và Vale đồng ý trả số tiền 5,6 tỉ USD cho chính phủ Brazil theo một hợp đồng riêng. Tuy nhiên, hợp đồng bồi thường 5,6 tỉ USD này không được các công tố viên liên bang thừa nhận vì cho rằng thiếu biện pháp để đảm bảo các công ty có thật sự trả cho chính phủ - theo Tuổi Trẻ.

UAE tính xây núi nhân tạo để đối phó hạn hán

Với nhiệt độ mùa hè thường xuyên lên đến 50 độ C, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang xem xét xây một ngọn núi nhân tạo đồ sộ nhằm gia tăng lượng mưa. Theo Mirror, các chuyên gia đến từ Liên đoàn Nghiên cứu Khí quyển của các trường đại học ở Colorado, Mỹ, được giao tìm hiểu ảnh hưởng của núi nhân tạo đối với thời tiết, cụ thể là lượng mưa. Theo họ, những ngọn núi khiến không khí bốc lên cao, tạo thành đám mây có thể biến đổi để cung cấp lượng mưa mong muốn – theo VnExpress.

Nghiên cứu do nhà khoa học Roelof Bruintjes ở Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ chỉ đạo, có chi phí 400.000 USD và nằm trong giai đoạn tìm hiểu mô hình chi tiết của dự án. Vị trí ngọn núi chưa được xác nhận. Trung tâm Khí tượng và Địa chấn học của UAE chi hơn 500.000 USD cho nghiên cứu biến đổi thời tiết vào năm ngoái. Dù Bruintjes thừa nhận việc xây dựng ngọn núi rất tốn kém, ông nhấn mạnh nghiên cứu sẽ tạo tiền đề để giải quyết khủng hoảng lượng mưa ở UAE. UAE là nằm trong số những nước nóng và khô nhất hành tinh. Nhiệt độ ở đây thường xuyên chạm mốc 50 độ C vào mùa hè.

Vùng chết khổng lồ có thể xuất hiện trên đại dương năm 2030

Các nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo biến đổi khí hậu do tác động của con người đang làm giảm lượng oxy ở một số khu vực đại dương và có thể tạo ra những "vùng chết" mới vào năm 2030. Lượng oxy trong nước biển thay đổi do biến động tự nhiên. Nhưng nhiệt độ ấm lên khiến nước biển khó hấp phụ và phân phối oxy hơn. Theo các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ (NCAR) tại Colorado, nếu mức thải khí các-bon tiếp tục gia tăng, sự ấm lên toàn cầu chắc chắn sẽ dẫn đến nồng độ oxy sụt giảm trên diện rộng ở khắp các đại dương. Ở một số môi trường như Bắc Cực, nơi nhiệt độ gia tăng gấp hai lần so với những nơi khác trên thế giới và vùng nhiệt đới Đại Tây Dương, quá trình đã bắt đầu diễn ra, theo kết luận từ nghiên cứu – theo VnExpress.

Phần lớn Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trải qua sự sụt giảm oxy trên diện rộng năm 2030, trong khi phía bắc Ấn Độ Dương có ít thay đổi vào cuối thế kỷ. Các vùng biển nhiệt đới ấm lên do El Niño hoành hành vào năm ngoái, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng rặng san hô. Không chỉ làm giảm nồng độ oxy hòa tan, hiện tượng này chắc chắn sẽ đe dọa nhiều dạng sống dưới biển. Một nghiên cứu khác công bố đầu tuần này trên kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia Anh, chỉ ra rìa lục địa ngoài khơi Thái Bình Dương của châu Mỹ và vùng biển Arab từ Pakistan đến đông nam châu Phi có khả năng biến thành "vùng chết". Đây là những khu vực thiếu oxy và bị axit hóa do đại dương hấp thụ nhiều khí CO2 từ khí quyển, có thể phá hủy hệ sinh thái dưới biển ở độ sâu lên đến hơn 200 m.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2008