Nước ta vốn được coi là nơi có nguồn tài nguyên nước giàu có với 2360 con sông, với chiều dài trên 10km, trong đó có 9 hệ thống sông lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, sự tăng nhanh về dân số và khai thác quá mức tài nguyên nước, cũng như tài nguyên đất và rừng đã làm suy kiệt nguồn nước; việc phát triển đô thị và công nghiệp, xử lý các chất thải lỏng - rắn không có sự quản lý chặt chẽ cũng đã làm ô nhiễm nguồn nước. Bởi vậy, suy thoái tài nguyên nước đã trở thành khá phổ biến đối với các lưu vực sông, dẫn đến Việt Nam bị xếp vào loại các quốc gia có tài nguyên nước ở mức trung bình thấp và tiếp tục bị suy giảm.
Do đặc điểm địa lý nước ta kéo dài theo phương kinh tuyến, địa hình bị chia cắt mạnh đã tác động trực tiếp tới sự ảnh hưởng của các chế độ gió mùa, là nguyên nhân gây ra sự phân bố rất không đồng đều về tài nguyên nước (TNN) theo thời gian và không gian. Hàng năm lượng nước tập trung trong 3-4 tháng mùa mưa chiếm tới 70-75%, chỉ riêng một tháng cao điểm trong mùa mưa có thể chiếm tới 30%. Trong khi về mùa khô, lượng nước chỉ chiếm 25-30%. Chính sự phân bố không đều này là nguyên nhân gây ra lũ, úng, lụt và các đợt hạn hán nghiêm trọng. Thêm đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như: thiên tai, lũ lụt, bão, úng ngập, hạn hán, chua phèn, xâm nhập mặn… thường xuyên là mối đe doạ đối với sản xuất và đời sống dân cư nhiều vùng của nước ta. Do vậy, việc điều hoà phân phối nguồn nước, khai thác mặt lợi của nước và giảm thiểu tác hại do nước gây ra cần phải được quản lý thống nhất theo lưu vực sông (LVS).
Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn TNN, giảm thiểu khó khăn về suy thoái TNN cho các LVS, trong các chiến lược TNN của mình, các quốc gia đều phải coi trọng các biện pháp công trình và phi công trình.
Biện pháp công trình
Xây dựng các hồ chứa thượng lưu để điều tiết nguồn nước vận hành theo quy trình hợp lý, đồng thời xây dựng các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất ở trung lưu và hạ lưu các LVS, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và duy trì dòng chảy môi trường. Trong điều kiện cần thiết và cho phép thì còn phải xây dựng các công trình chuyển nước lưu vực để giải quyết cho những vùng khan hiếm nước mà các nguồn nước trong lưu vực không đáp ứng được. Đến nay, trên toàn thế giới, các hồ chứa có tổng dung tích điều tiết được 6.000 tỷ m3, chiếm 14% tổng lượng dòng chảy. Ở Việt Nam tổng dung tích điều tiết của hồ chứa đã và đang xây dựng cho đến nay đạt gần 30 tỷ m3, chiếm 9% tổng lượng dòng chảy nội địa.
Phát triển các hệ thống thu gom và xử lý các loại chất thải. Đối với sông nội đô cần tăng cường nạo vét, làm cống hộp lớn để chuyển tải và dẫn thêm nguồn nước sạch ở sông hồ vào nhằm pha loãng và đẩy nguồn nước bẩn này đến những trạm xử lý; đẩy mạnh việc xây dựng các trạm xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung và phân tán.
Đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hoà nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt.
Biện pháp phi công trình
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Jonhannesburg - Nam Phi 2002, nước đã được xếp vị trí hàng đầu trong phát triển. Liên Hợp Quốc lấy ngày 22/03 hàng năm là Ngày Quốc tế về Nước để mọi người và các cơ quan chức năng nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm đối với việc quản lý bảo vệ và phát triển bền vững nguồn TNN. Công tác quản lý TNN ở Việt Nam trong những năm qua cũng đã được quan tâm và đạt nhiều tiến bộ, tuy nhiên, do tính chất phức tạp và mới mẻ nên đang tiếp tục hoàn thiện.
Về tổ chức, giữa tháng 03/2007, Chính phủ đã quyết định hợp nhất nhiệm vụ quản lý LVS vào chức năng quản lý TNN. Đây cũng là xu thế tổ chức của Thế giới và các nước ASEAN trong việc tách quản lý ra khỏi sử dụng, gắn việc quản lý số lượng với chất lượng, gắn quản lý nước mặt với nước dưới đất. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về TNN cũng như LVS thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn cần phải có sự phối hợp liên ngành nhất là các ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành Điện - Cấp thoát nước, Thuỷ sản với ngành Tài nguyên và Môi trường.
Về quy hoạch, hiện nay, quy hoạch thuỷ lợi, thuỷ điện, cấp nước…đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng…và các Bộ liên quan xây dựng, đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Để quản lý tổng hợp LVS, cần sớm hoàn chỉnh và trình duyệt chính thức quy hoạch các LVS trọng điểm bao gồm quy hoạch phát triển và quy hoạch bảo vệ nhằm hài hoà lợi ích giữa thượng lưu, hạ lưu, giữa các đối tượng sử dụng nước để việc sử dụng được tiết kiệm, đạt hiệu quả và bền vững.
Trước thực trạng suy thoái TNN ở LVS đang gia tăng thì quy hoạch bảo vệ càng phải được coi trọng và cần được đầu tư thực hiện. Việc quản lý thực hiện quy hoạch tổng hợp LVS ngoài ngành chủ quản thì các ngành khai thác sử dụng nước và các địa phương liên quan đều có nhiệm vụ tham gia với tinh thần cộng tác vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đối với một số LVS gặp khó khăn về TNN, cần xây dựng mục tiêu sử dụng nước tiết kiệm trong tất cả các đối tượng sử dụng nước nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ…sao cho có hiệu quả hơn.
Về vấn đề tiết kiệm nước trong nông nghiệp, kinh nghiệm chỉ đạo của Cục Quản lý Tưới tiêu và Cấp nước nông thôn ở Trung Quốc cho thấy, trong chương trình hoàn chỉnh và hiện đại hoá các hệ thống thuỷ nông ở Trung Quốc, đã tăng thêm được 6,67 triệu ha được tưới và tiết kiệm hàng năm được 20 tỷ m3 nước. Ở Việt Nam nếu thực hiện theo chương trình này thì có thể sẽ nâng cao thêm được diện tích tưới tiêu và tiết kiệm được rất nhiều nước.
Các ngành sử dụng nước khác nhau cũng cần có chương trình sử dụng nước tiết kiệm. Riêng đối với thuỷ điện, cần có quy trình vận hành hợp lý để vừa đảm bảo yêu cầu ngành điện và phục vụ các yêu cầu sử dụng nước ở hạ lưu cũng như duy trì động thái của dòng chảy.
Ngoài ra, các Bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản liên quan đến quản lý của ngành mình. Riêng về chính sách phí ô nhiễm, cần có lộ trình nâng dần càng sớm càng tốt để tạo nguồn kinh phí cho xử lý nước. Thuế TNN ở Việt Nam cũng cần đánh giá lại mức thu cho phù hợp.
Theo Viện Chiến Lược, Chính Sách Tài Nguyên và MôiTrường
|