Vietnamese English
Hài hòa lợi ích thủy điện và môi trường

11/18/2009 7:10:00 AM

ThienNhien.Net - Thế giới đang phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng song song với việc kìm hãm biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng phát thải khí nhà kính. Thủy điện được kỳ vọng là một trong số các lựa chọn giúp giải quyết thách thức này. Tuy nhiên, bất kỳ loại năng lượng nào cũng phải đối mặt với các vấn đề môi trường riêng. Rất nhiều dự án thủy điện đang là mối đe dọa lớn cho tính toàn vẹn môi trường của một số lưu vực đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới. Bài viết dưới đây sẽ xem xét các giải pháp giúp hài hòa giữa phát triển thủy điện và bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt.



Tiềm năng của thủy điện không nhất thiết phải trả giá bằng sự mất mát các hệ sinh thái nước ngọt (Ảnh: Thinkquest.org)


Theo Ủy ban Năng lượng Thế giới (WEC), thủy điện cung cấp 19% nhu cầu năng lượng toàn cầu và hiện vẫn chưa được khai thác hết, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. WEC dự báo, để khai thác được 2/3 tiềm năng còn lại của thủy điện, cần xây dựng thêm 20 000 nhà máy thủy điện với tổng công suất lên tới 1400KW và chi phí 1500 tỉ USD.
Trong khi tiềm năng kinh tế và kỹ thuật của thủy điện là rất hấp dẫn, câu hỏi lớn đặt ra là liệu tiềm năng này có thể khai thác ở mức độ nào để không gây ra những thiệt hại môi trường trên diện rộng?

Theo Liên hợp quốc, 60% trong số 227 con sông lớn nhất thế giới đã bị chia cắt bởi đập và kênh đào, dẫn đến sự thoái hóa các hệ sinh thái. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là các ảnh hưởng kết hợp, tích lũy của một số con đập trên cùng một dòng sông. Một bản báo cáo gần đây của WWF xác định, hiện nay hệ sinh thái của 20 con sông đang gặp nguy hiểm vì phải gánh số lượng lớn các con đập, trong đó có sông Dương Tử ở Trung Quốc, La Plata ở Nam Mỹ và Tigris ở Trung Đông.

Những tác động đến hệ sinh thái thường có quan hệ chặt chẽ tới những ảnh hưởng xã hội, bởi các hệ sinh thái nước ngọt cung cấp các dịch vụ cơ bản cho con người. Khi nguồn cung này mất đi, những người nghèo thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nâng tầm quá trình ra quyết định

Thiệt hại về môi trường do các dự án thủy điện gây ra ngày càng trở nên rõ ràng trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, những thiệt hại đó không phải lúc nào cũng liên quan tới quy mô của công trình. Theo Ủy ban Đập Quốc tế, với các con đập lớn, những tác hại tới môi trường là có thể tránh được, song các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại thường không hiệu quả. Đây là kết quả của sự thiếu chú ý tới công tác dự báo và áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tác động.

WCD đã đưa ra các khuyến cáo để nâng tầm quá trình ra quyết định, giúp các công trình thủy điện mang lại kết quả hài hòa giữa lợi ích môi trường, xã hội và kinh tế. Xét về khía cạnh giảm tác động sinh thái của các nhà máy thủy điện, WCD đặc biệt chú trọng tới các điểm sau: Đánh giá lựa chọn và nhu cầu tổng thể; phương pháp tiếp cận lưu vực sông; và các biện pháp giảm nhẹ tác động.

Đánh giá lựa chọn và nhu cầu

Trong một thế giới mà nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, thì việc có thêm một nhà máy thủy điện có thể được xem xét. Tuy nhiên, hiện nay các hệ thống truyền tải điện thường không hiệu quả, với lượng hao hụt lớn, trong khi hiệu quả sử dụng điện lại không cao ở tất các các ngành. Có ý kiến cho rằng, giảm nhu cầu năng lượng thông qua hiệu năng không phải là một lựa chọn cho các quốc gia đang phát triển. Song các nhà máy thủy điện (cùng các lựa chọn cung cấp năng lượng khác) không thể tiếp tục nếu không có các chính sách và chương trình hiệu quả nhằm giải quyết sự kém hiệu quả trong sử dụng điện.

Không thể biện hộ gì về giá trị kinh tế hay môi trường khi tiến hành một dự án thủy điện trong khi một nửa số năng lượng bị lãng phí vì sử dụng thiếu hiệu quả.

Về đánh giá các lựa chọn, gợi ý chính của WCD là suy xét kỹ tầm quan trọng của các khía cạnh xã hội và môi trường cũng như các yếu tố kỹ thuật, kinh tế và tài chính của các dự án. Điều này đặc biệt quan trọng khi giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, chủ yếu ở vùng nông thôn Nám Á và Cận Sahara.

Tác động tới hệ sinh thái, thủy điện có thể đe dọa nghiêm trọng tới chất lượng và an ninh nguồn nước. Hơn nữa, ảnh hưởng của các con đập thủy điện lớn lên ngư nghiệp và nông nghiệp có thể rất tàn khốc, thường trực tiếp đe dọa tới sinh kế của những cộng đồng nghèo nhất.

Trong hầu hết các trường hợp, nhu cầu năng lượng của khu vực này sẽ được đáp ứng tốt nhất thông qua các hệ thống năng lượng phi tập trung, vì những cộng đồng nghèo này thường không đủ điều kiện đầu tư cho các nhà máy thủy điện lớn cùng các hệ thống truyền tải đi kèm.

Nhà máy thủy điện quy mô nhỏ cùng các nguồn năng lượng tái tạo khác như sinh khối, mặt trời và gió là những lựa chọn tuyệt vời nhất để giảm thiếu sự thiếu năng lượng và điều này cần được nhìn nhận rõ hơn trong các bản đánh giá lựa chọn.

Phương pháp tiếp cận lưu vực sông

Yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và xã hội của thủy điện là lựa chọn địa điểm tốt. Như đã nói, các phương pháp giảm nhẹ tác động môi trường thường chứng tỏ không hiệu quả. Chính vì vậy, tốt nhất là tránh những ảnh hưởng tiềm ẩn ngay từ khi lựa chọn địa điểm triển khai dự án.

Các ảnh hưởng tới hạ nguồn cũng như các ảnh hưởng tích lũy của một số con đập trong cùng hệ thống sông thường không được xem xét cẩn trọng trong quá trình ra quyết định. Theo quan điểm của WWF, điểm mấu chốt để có được lựa chọn đúng đắn là quyết định phải phù hợp với Khung Quản lý Tích hợp Lưu vực Sông (IRBM).

IRBM là quá trình phối hợp bảo tồn, quản lý và phát triển nước, đất, các nguồn tài nguyên liên quan trong một lưu vực sông. Mục đích của IRBM là bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế của người dân bằng cách giữ gìn các hệ sinh thái hỗ trợ nhau. Điều này đòi hỏi một phương pháp tiếp cận tích hợp, toàn diện và có chiến lược.

Các biện pháp giảm nhẹ tác động

Mặc dù quá trình ra quyết định sẽ đảm bảo lựa chọn địa điểm hợp lý để hạn chế ảnh hưởng, song các biện pháp giảm nhẹ tác động vẫn là rất cần thiết. Dưới đây là ba biện pháp đặc biệt quan trọng cho bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt.

Dòng chảy môi trường
Thay đổi dòng chảy là một trong những hậu quả chính của việc xây đập. Tối đa hóa công suất điện của một nhà máy thủy điện theo nhu cầu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với cả các hệ sinh thái và những người sử dụng nguồn nước do dòng chảy bị thay đổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có thể điều chỉnh chế độ hoạt động của đập, tạo ra Dòng chảy môi trường đáp ứng và hài hòa các nhu cầu khác nhau.

Dòng chảy môi trường có đóng góp quan trọng tới “sức khỏe” của con sông, tới phát triển kinh tế và giảm nghèo. Dòng chảy môi trường không phải là dòng chảy tự nhiên mà là một chế độ nước tạo ra sự cân bằng nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau về nguồn nước, trong đó có nhu cầu của hệ sinh thái và cộng đồng dân cư.

Để chứng tỏ rằng dòng chảy môi trường không phải là một thứ quá xa xỉ với các quốc gia phát triển, WWF đã hợp tác với Bộ Phát triển Năng lượng và Nước của Zambia và Công ty Cung cấp Điện Zambia trong việc đưa các dòng chảy môi trường vào con đập Itezhi-tezhi, thượng nguồn khu ngập nước Kahfue. Dự án đã thiết lập một mạng lưới kiểm soát khí tượng thủy văn và một mô hình máy tính nhằm tạo ra các kịch bản quản lý nước khác nhau. Một chế độ hoạt động mới cho con đập đang được triển khai nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho cuộc sống hoang dã.

Giải pháp bù đắp

Việc xây dựng đập có thể trực tiếp hay gián tiếp làm môi trường sống của nhiều loài mất đi. Những nơi không thể áp dụng các biện pháp giảm nhẹ trực tiếp, chẳng hạn như thông qua các dòng chảy môi trường, cần phải xem xét các giải pháp bù đắp. Thông thường phải bù đắp cho các khu vực lân cận, gần khu trữ nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác của con người (như nông nghiệp), chú trọng tới việc hồi phục môi trường, đặc biệt cho thảm thực vật nơi đó.

Tại các nước đang phát triển, phương pháp bù đắp bằng cách dành riêng đất cho bảo tồn có thể khó khăn vì ảnh hưởng tới nhu cầu đất nông nghiệp và nguồn thu nhập của người dân. Trong trường hợp này, phương thức tiếp cận thành công hơn là triển khai các chương trình khuyến khích người dân sử dụng tài nguyên một cách bền vững hơn.
Cũng phải thừa nhận rằng phục hồi môi trường không hoàn toàn bù đắp được những mất mát về môi trường tự nhiên cũng như khó lòng tạo dựng các giá trị đa dạng sinh học tương đương. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận này có thể mang lại lợi ích trong trường hợp các con đập tồn tại ở nơi môi trường đã bị thái hóa.

Sông cấm

Ở rất nhiều quốc gia, dòng chảy của các con sông đang bị phân rẽ bởi các con đập, có nghĩa là còn rất ít dòng sông giữ được trạng thái tự nhiên vốn có. Kết quả không tránh khỏi là sự suy thoái và mất mát các hệ sinh thái ngập nước và hệ sinh thái nước ngọt. WWF cho rằng các chính phủ nên chỉ định rõ những dòng sông cấm các dự án thủy điện trong các khu vực có giá trị bảo tồn cao. Mặc dù phương pháp tiếp cận này không hoàn toàn bù đắp được mọi mất mát, nhưng ít nhất nó có thể bảo vệ cho các khu vực có giá trị cao.

Cấp chứng chỉ thủy điện

Việc triển khai và giám sát thực thi các biện pháp giảm nhẹ hiện nay chưa hiệu quả. Một hệ thống cấp chứng chỉ được kỳ vọng sẽ giúp áp dụng hiệu quả các biện pháp này. Trong trường hợp các nhà máy thủy điện hiện nay, đặc biệt với nơi không có hệ thống cấp chứng chỉ cho các nhà máy thủy điện, một kế hoạch cấp chứng chỉ sinh thái, chẳng hạn như nhãn “năng lượng xanh” ở Thụy Sĩ có thể là một lựa chọn.

Nhãn năng lượng này buộc các nhà máy đáp ứng các điều kiện nhất định để bảo vệ môi trường sinh thái và khách hàng có thể lựa chọn mua điện “xanh” với một mức giá thích hợp. Về nguyên tắc, một hệ thống cung cấp chứng chỉ như vậy có thể được tạo ra trên qui mô toàn cầu, áp dụng cho các nhà máy thủy điện hay các con đập.

Để vượt qua những thách thức thỏa mãn nhu cầu năng lượng toàn cầu trong khi vẫn giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt đòi hỏi áp dụng các phương pháp tiếp cận mới, hiệu quả. Thủy điện không phải một lĩnh vực độc lập mà cần được coi là một phần của tổng thể các giải pháp đáp ứng nhu cầu năng lượng. Thủy điện có vai trò rất quan trọng trong tương lai năng lượng bền vững, nhưng tiềm năng của chúng không nhất thiết phải trả giá bằng sự mất mát các hệ sinh thái nước ngọt. WWF kêu gọi các chính quyền và các nhà đầu tư đảm bảo cân bằng các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường và tuân thủ các hướng dẫn của Ủy Ban Đập Thế giới khi quyết định tiến hành các dự án thủy điện.


 

Nguồn: Theo Báo cáo “Hydropower and the enviroment: Towards better decision-making” của WWF.
 
Nguyễn Thị Lụa (Theo WWF)
 
(VFEJ, 18/11/2009)

Lượt xem : 3454