Hà Tĩnh: Cây thị 700 tuổi được công nhận cây di sản
5/30/2023 6:40:00 PM
Cây thị hơn 700 tuổi ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, gắn liền với giai thoại vua Lê Lợi đánh giặc Minh, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam theo quyết định số 114/QĐ-HMTg, ngày 29 tháng 5 năm 2023.
Cây thị trong khuôn viên nhà dân ở xóm Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, được nhà chức trách Hà Tĩnh xác định hơn 700 tuổi. Cây cao khoảng 20 m, cành lá sum suê, vỏ có nhiều khối u, đường gân sần rùi, chu vi thân khoảng 10 m. Gốc cây rỗng ruột, 4-5 người có thể ẩn nấp bên trong. Vào mùa, cây luôn sai quả.
Tương truyền, năm 1424 trong quá trình đánh quân Minh gặp khó khăn, Lê Lợi đã phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để chờ thời cơ.
Cây thị được trồng trong vườn nhà dân ở thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa. Ảnh: Đức Hùng
Một lần bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và ẩn nấp trong gốc thị này. Khi truy tìm thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, đàn chó săn liên tục sủa vang xung quanh gốc thị, quân Minh dùng gươm giáo xỉa vào cây khiến Lê Lợi bị thương, phải nén đau. Bất ngờ một con cáo trắng từ trong hốc cây chạy ra đánh lạc hướng đàn chó săn và quân giặc, nhờ vậy Lê Lợi thoát nạn.
Năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm cùng nhau đánh giặc ngoại xâm.
Lớp vỏ cây có nhiều khối u, đường gân sần rùi, dưới gốc có chỗ rỗng ruột. Ảnh: Đức Hùng
Sau khi đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau gọi tên cây là "Gốc thị sử tích" hay "Cây thị ăn thề" và lưu truyền câu thơ về giai thoại lịch sử này: "Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/ Phá giặc xây cơ đồ".
Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch xã Kim Hoa, cho biết việc công nhận cây di sản Việt Nam ngoài giúp bảo vệ đa dạng sinh học, sự phong phú của hệ thực vật thì còn có ý nghĩa quảng bá lịch sử văn hóa của địa phương. Sắp tới chính quyền sẽ có chính sách bảo vệ tốt hơn để cây trường tồn với thời gian.
Cây di sản là cây đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên; có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Theo Đức Hùng (vnexpress.net)
Lượt xem : 1179