Vietnamese English
Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1)

8/27/2023 9:07:00 AM

Nhiều năm qua, Hà Nội đang chuyển mình để phát triển các loại hình giao thông “xanh” để giảm ô nhiễm khí thải. Đó là các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt điện, taxi điện… Tất cả đều hướng đến mội Hà Nội “xanh”.

 

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 1

LỜI TÒA SOẠN

Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc. Điều này dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đô thị, đi cùng với đó là số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bài toán đặt ra cho Thủ đô lúc này là làm thế nào phát triển giao thông mà vẫn có thể bảo vệ được môi trường.

Giống như nhiều thành phố đang trong giai đoạn phát triển, Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số và phương tiện cá nhân cao. Mặc dù Chính quyền, nhân dân Thủ đô đã nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, văn hóa giao thông; song những hệ lụy tất yếu của phát triển “nóng” đang khiến Thủ đô đứng trước nhiều thách thức; trong đó nổi bật là vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là khí thải từ phương tiện giao thông.

Với tuyến bài gồm 5 kỳ chủ đề: "Hà Nội "xanh hóa" giao thông để giảm ô nhiễm môi trường", nhóm tác giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về việc gia tăng phương tiện, vấn đề ô nhiễm từ phương tiện giao thông tại Thủ đô và hành trình thủ đô Hà Nội “chuyển mình” mạnh mẽ để phát triển giao thông xanh. Tuyến bài cũng đưa ra những ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, mong muốn “hiến kế” Hà Nội có thể giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động giao thông.

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 2

Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn, do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn.

Tại Hà Nội, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.

Theo Sở GTVT TP. Hà Nội, tính đến cuối năm 2022, địa bàn thành phố có tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông (ôtô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại đây.

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 3
Sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện tại Hà Nội là một trong số nguyên nhân dân ô nhiễm môi trường. Ảnh: Huy Tình.

Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trong thời gian qua trên địa bàn tăng cao, khoảng 10%/năm, trong khi đó kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 đến 4%/năm và quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Điều này khiến cho ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; đặc biệt, ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện giao thông đang ở mức cao với tỷ lệ trên 70%.

Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, theo Sở GTVT TP. Hà Nội dự báo, đến năm 2025 dự báo Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ôtô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy, phương tiện cơ giới cá nhân lúc này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 lần đến 10,6 lần, các phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Các phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng sẽ bị hở khiến xăng có nguy cơ dễ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.

Trong khi nhiều người tham gia giao thông chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Vì vậy, với mật độ các loại phương tiện giao thông cao, chất lượng các loại phương tiện giao thông kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt khiến cho thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải đang có xu hướng gia tăng.

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 4

Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường từ sự phát triển của giao thông, Hà Nội đã xác định phát triển giao thông xanh là vấn đề tất yếu. Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện). Đề án do Công ty Cổ phần Đồng Xuân triển khai, phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cho đến nay, dự án giao thông sạch với những nét mới có tính đột phá đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang mầu sắc riêng của Hà Nội, của quận Hoàn Kiếm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Tiếp nối thành công đó, tháng 12/2021, ba tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường.

Bước ngoặt của phát triển giao thông xanh của Thủ đô được đánh dấu vào đầu năm 2022, khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuyến đường sắt đã góp phần hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường và được đông đảo nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Cũng trong năm 2022, Vingroup đã cho vận hành hệ thống xe buýt điện, với bước đầu chạy thí điểm tại các khu đô thị của tập đoàn. Đầu năm 2023, người dân Thủ đô lại có thêm sự lựa chọn khi Vingroup ra mắt hãng taxi điện đầu tiên. Taxi Xanh SM hoạt động tại Hà Nội với dàn xe điện VinFast, là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng taxi Xanh SM tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2023.

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 5
Đồ họa: Hải An.

Mới đây nhất, ngày 24/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam cũng đã đưa vào thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị. Theo đó, trong giai đoạn thí điểm đầu tiên, doanh nghiệp sẽ triển khai tại 79 điểm trạm trên địa bàn Thủ đô, với 1.000 phương tiện. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Đây được đánh giá là một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội bởi hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ sẽ phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống vận tải công cộng. 

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 6

Theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông vận tải, trong lĩnh vực giao thông đô thị. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Để thực hiện mục tiêu “xanh hóa” xe buýt, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất chia lộ trình chuyển đổi, trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2030), xe buýt xanh tại Hà Nội sẽ đạt khoảng 50 - 60%, giai đoạn 2 (từ năm 2030 đến năm 2035), con số này đạt từ 90 - 100%.

Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch đã được quy định tại Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.

Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Mức cụ thể theo từng dự án được UBND thành phố phê duyệt.

Hà Nội và khát vọng “xanh hoá” giao thông (Bài 1) - Ảnh 7
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Huy Tình.

Có thể thấy rằng, phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng của Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị. Tuy nhiên, mục tiêu về phát triển giao thông xanh hiện nay đang vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Điển hình là các vấn đề về: Quy hoạch phát triển đô thị; phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng và vượt kiểm soát; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu,...

Để xây dựng được một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống với giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Các vấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải công cộng; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Thủ đô cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với vận tải công cộng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tối đa trở ngại cho cho vận tải công cộng khi lưu thông trên đường.

Nội dung: Phạm Giang
Ảnh: Huy Tình
Đồ họa: Hải An

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem : 767