Chuyên gia Nhật Bản nói "với máy sục khí công nghệ bio-nano, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ giảm nhiều".
Tại cuộc gặp, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tiến sĩ Tadashi Yamamura. Ảnh: VGP.
Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định đã điều tra, khảo sát trong hai năm để đưa ra đề nghị trên. Ông hi vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đề xuất của nhóm chuyên gia Nhật Bản "là ý tưởng tốt, rất thiết thực với Việt Nam"; đồng thời đánh giá cao phía Nhật Bản đã vận động kinh phí thực hiện việc này bằng nguồn vốn xã hội hoá.
Công nhân vớt rác trên sông Tô Lịch. Ảnh: Quốc Vương.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các chuyên gia Nhật Bản làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên Môi trường, TP Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án làm sạch sông Tô Lịch. Thủ tướng tin tưởng, công nghệ mới sẽ thành công trong xử lý nước thải, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Nội và các địa phương khác.
Sau khi thực hiện, Bộ Tài nguyên Môi trường tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét để quyết định chủ trương.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.