Vietnamese English
Hà Nội phát triển nông nghiệp ven đô - Hướng đi bền vững

10/28/2017 6:47:00 AM

Vùng ven đô được coi là khu vực vừa có hoạt động đặc trưng cho nông thôn, lại vừa có hoạt động mang tính chất đô thị. Do vậy, phát triển nông nghiệp ven đô bền vững là xu hựớng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp trong tương lai. Vấn đề được đặt ra là phát triển nông nghiệp ven đô như thế nào không chỉ là bài toán kinh tế nông nghiệp, mà phải giải quyết hợp lý, hài hòa các quan hệ chức năng giữa các khu vực trong một vùng đô thị.

 


Chính sách nào “giữ chân”, “giữ đất” người nông dân ven đô thực hiện chức năng làm “nông nghiệp đô thị” hay “vành đai xanh” cho các trung tâm đô thị hiện đại.

Những thách thức trong phát triển nông nghiệp ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa

Theo số liệu thống kê, diện tích đất tự nhiên của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính đã lên tới 3358,92 ha (tăng lên gấp 3,6 lần so với trước) kéo theo dân số tăng lên 7,5 triệu dân so với 2 triệu dân của năm 1999. Thời gian qua, Hà Nội đã có chiều chủ trương, chính sách, đề án nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, hiệu quả theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, quy mô nhỏ, manh mún trong khi việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất hạn chế dẫn đến năng suất, chất lượng, giá trị nông sản Hà Nội còn thấp.

Hà Nội là một trong hai thành phố (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh) có tốc độ đô thị hóa đạt cao nhất cả nước. Quá trình đô thị hóa của Hà Nội đã phát triển mạnh theo chiều rộng. Những dự án bất động sản, khu đô thị ở các cửa ngõ Thủ đô đã và đang mọc lên như nấm khiến cho tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Các điểm dân cư ven đô, những khu vực có khả năng tạo động lực phát triển đô thị, cũng liên tục được khoác lên mình những “bộ mặt” đô thị; với 19 khu công nghiệp, 110 cụm công nghiệp được quy hoạch, cũng đã và đang hình thành những trung tâm dịch vụ tại chỗ.

Trong giai đoạn 2011-2015, diện tích đất nông nghiệp giảm trung bình 5.500-6.000ha/năm, bình quân mỗi năm giảm trên 1000ha; nguyên nhân chính của việc giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất khu công nghiệp và đất giao thông...

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu như năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội là 30 - 32%, đến năm 2020 sẽ nhảy vọt thành 55 - 65%. Đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển nông nghiệp manh mún, thiếu bền vững dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như nước dùng cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện giáp ranh với khu vực nội đô như Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, v.v…, bị ô nhiễm khá nặng, ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, cũng như môi trường sống của người dân các địa phương này.

Vùng ven đô là vành đai xanh cung cấp, thực phẩm (thịt cá, rau quả xanh, hoa tươi…) cho cư dân nội thành, cho các khu đô thị mới. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng này là sinh kế chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, với nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy nhanh, sản xuất nông nghiệp vùng ven đô đang đứng trước nhiều thách thức phải chuyển đổi.

Giải quyết sinh kế cho người nông dân sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp

Nông nghiệp đô thị tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị thông qua các hoạt động kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi và những hoạt động liên quan như sản xuất, phân phối, chế biến và tiếp thị các sản phẩm. Nông nghiệp đô thị ven đô có thể giúp các hộ gia đình tiết kiệm, đồng thời nông nghiệp đô thị còn là hoạt động kinh tế mang tính cạnh tranh, cung cấp việc làm cho người có kỹ năng lao động thấp, ít vốn cho đầu tư mô hình theo kiểu gia đình. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng ven đô đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề là phụ nữa, người lao động ở độ tuổi trung niên, trẻ em, v.v... Người nông dân mất đất sản xuất dẫn đến mất việc làm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.

GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam, đặt vấn đề: Phát triển nông nghiệp ven đô như thế nào không chỉ là bài toán kinh tế nông nghiệp, mà quan trọng hơn là phải giải quyết hợp lý, hài hòa các quan hệ chức năng giữa các khu vực trong một vùng đô thị / đô thị hóa. Phải làm sao để chính người nông dân ở vùng ven đô có thể tiếp tục muốn canh tác trên đất của mình, có thu nhập đủ sống và ngày càng khá giả; sản xuất và sản phẩm nông nghiệp của họ phải sạch, thân thiện với môi trường, và đáp ứng những nhu cầu đa dạng và ngày càng cao về chất lượng của cư dân thành phố, đặc biệt là cư dân nội thành.

Tuy nhiên, có một thực tế là, người nông dân ven đô bây giờ luôn tìm ra những mô hình sinh kế tối ưu trong bối cảnh sôi động của thị trường đất đai và bất động sản ở đô thị hiện nay. Trong bối cảnh ấy, chính sách nào “giữ chân”, “giữ đất” người nông dân ven đô thực hiện chức năng làm “nông nghiệp đô thị” hay “vành đai xanh” cho các trung tâm đô thị hiện đại? Có lẽ đây là câu hỏi và bài toán lớn nhất cho các nhà quản lý các vùng độ thị và các cơ quan chức năng khác muốn “phát triển một khu vực nông nghiệp ven đô” bền vững.

Muốn vậy đất đai cần được tập trung và tích tụ, và cần có các nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại xanh và sạch (như các tổ hợp nhà kính với trang thiết bị tự động hóa, như ở Hà Lan). Điều này chỉ có thể nếu chính quyền thành phố, các quận huyện vùng ven đô có các chính sách mời gọi, khuyến khích, tạo điều kiện cho quá trình tập trung tích thu ruộng đất và đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, thay thế cho sự phát triển tự phát của từng hộ gia đình nông dân đang hết sức phân tâm và chưa tìm được hướng phát triển sinh kế lâu bền.   

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao liên kết với vành đai xanh

Trên thực tế, nông nghiệp đô thị dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học sẽ góp phần làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.  

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Muốn vậy, phải cho doanh nghiệp thấy được mức độ hấp dẫn, tính khả thi của dự án, sự thuận lợi trong quá trình triển khai và sự minh bạch, rõ ràng về thông tin trong khâu thực hiện. Bởi thực tế cho thấy các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và thành phố hiện nay về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mức độ hấp dẫn kém, tính khả thi chưa cao vì các rào cản về chính sách thuế, đất đai, đi kèm đó là các thủ tục hành chính phức tạp, tốn thời gian công sức đòi hỏi hồ sơ giấy tờ. Để giải được các bài toán này cần nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề hạn chế trong chính sách để có thể sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng thiết thực hơn; có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trên thực tế, các quy hoạch và kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian vừa qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng ven đô đến năm 2020 đã có những nội dung và tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Các nội dung đó, về cơ bản, mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa được phát triển trên diện rộng, vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh. Hiện nay tại Việt Nam đa số các đồ án quy hoạch chung đô thị đều chưa được nghiên cứu, đề xuất vành đai xanh hay còn gọi là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và ngoại ô. Đây là một hạn chế lớn dẫn đến việc phát triển đô thị tràn lan, không bền vững.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng quy hoạch sử dụng đất đai là nền tảng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; là yếu tố chính trong yêu cầu phát triển và bảo vệ các vành đai xanh, vành đai nông nghiệp ở các đô thị lớn; đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân bố quỹ đất cho các mục đích sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Quy hoạch sử dụng đất đai trong phát triển đô thị cần bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Muốn vậy phát triển nông nghiệp ven đô phải dựa trên các định hướng không gian xanh đã được xác định trong đồ án quy hoạch chung: Không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nệm xanh và các công viên đô thị; Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp, v.v… Việc hình thành hệ thống hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh trong cấu trúc các đô thị lớn đã được nghiên cứu áp dụng thành công ở nhiều đô thị trên thế giới. Hệ thống này đã tạo nên, bảo toàn được những khu vực thiên nhiên rộng lớn với môi trường tốt cho đô thị, tạo sự kết nối với vùng ven, vùng nông nghiệp ngoại thành, với các chính sách quản lí phát triển nghiêm ngặt, tạo điều kiện ổn định giới hạn sự phát triển của đô thị, tránh sự mở rộng, lan tỏa làm giảm đi sự tiếp cận của môi trường tự nhiên tác động tích cự vào đô thị.

Quan điểm và giải pháp phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng bền vững

Phát triển nông nghiệp ven đô Hà Nội phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp trong đó cần xác định nông nghiệp là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề môi trường. Việc xây dựng các quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở tham chiếu các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững của từng vùng, khu vực theo hướng phát triển đô thị xanh.

Quy hoạch sử dụng đất đai là nền tảng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; là yếu tố chính trong yêu cầu phát triển và bảo vệ các vành đai xanh, vành đai nông nghiệp ở các đô thị lớn; đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân bố quỹ đất cho các mục đích sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Quy hoạch sử dụng đất đai trong phát triển đô thị cần bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Chú trọng giải quyết một số vấn đề xã hội nổi lên do quá trình đô thị hóa: giải quyết việc làm, tăng các nguồn thu cho người dân ven đô; cũng như bảo đảm an ninh sinh kế, v.v...

Trước mắt, trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội xác định phương hướng, nhiệm vụ đối với lĩnh vực nông nghiệp đó là: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, nông nghiệp sinh thái và xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Để đạt mục tiêu đó cần xây dựng quan điểm phát triển xuyên suốt đó là việc phát triển nông nghiệp đô thị phải đảm bảo theo hướng bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nghĩa là nâng cao năng suất, giá trị giá gia tăng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực và tạo ra những tác động có lợi cho môi trường; cân bằng hệ sinh thái.

Có thể nói, đô thị hóa là quá trình tất yếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều vấn đề bất cập đã và đang nảy sinh trong quá trình này. Trước thực tế đó, phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất. Mặc dù, các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn Hà Nội mới hình thành, đang dừng lại ở quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, Hà Nội cần tiếp tục đưa ra những giải pháp căn cơ và có lộ trình để phát triển nông nghiệp đô thị thực sự theo hướng bền vững trong thời gian tới. Phát triển nông nghiệp ven đô bền vững là xu hựớng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp trong tương lai.

 

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2995