Vietnamese English
Hà Nội phải trở thành đô thị xanh đúng nghĩa

1/3/2015 6:16:00 PM

Hà Nội đang thay đổi diện mạo từng ngày, từng giờ. Từ khi mở rộng đến nay, chiếc áo khoác lên mình Thủ đô vẫn đang tiếp tục được nới rộng, được chỉnh trang để bộ mặt Thủ đô ngày càng hiện đại và văn minh hơn. Thế nhưng, nếu sự phát triển ấy và tư duy quy hoạch không ăn khớp với nhau sẽ rất khó để tạo nên một Hà Nội với thương hiệu "đô thị xanh” theo đúng nghĩa. Nhân dịp bước sang năm mới 2015, KTS Đặng Việt Dũng - Giảng viên trường Đại học Xây Dựng đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

 

 
 
 
Không gian xanh đã trở lại với Hà Nội như một điểm nhấn của Thủ đô
Ảnh: Hoàng Long
 
Liệu có thể thành đô thị xanh?
 
PV: Thời gian qua, để xây dựng các dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hay hầm chui Quốc lộ 6 nút giao Thanh Xuân, hệ thống xe buýt nhanh BRT… cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã tổ chức chặt hạ, di dời hàng loạt cây xanh lớn trên nhiều tuyến đường để lấy mặt bằng xây dựng. Dư luận đang lo ngại, màu xanh của Thủ đô đang mất dần. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
KTS Đặng Việt Dũng: Vấn đề này là hệ quả tất yếu do tác động của quá trình đô thị hóa với TP. Hà Nội về mọi mặt. Cùng với sự phát triển về kinh tế, gia tăng quy mô dân số kèm theo sự bùng nổ của các loại phương tiện và loại hình giao thông đã dẫn đến việc lúng túng trong kiểm soát các khu vực đô thị hóa của TP.Hà Nội, trong đó có vấn đề kiểm soát các không gian xanh. Bài học này cũng đã từng xảy ra với các đô thị lớn trên thế giới, có thể kể đến như TP. Liverpool (Anh quốc), siêu đô thị Tokyo (Nhật Bản)... Vì vậy, một lần nữa Hà Nội lại đứng trước những thách thức trong việc gìn giữ và phát triển các không gian xanh của mình, điều này được thể hiện rõ thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt với diện tích "Hành lang xanh” và các khái niệm "Hạ tầng xanh”, "Điểm xanh” đã được quan tâm đặc biệt nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với việc phát triển không gian của thành phố.
 
Trở lại với việc màu xanh của Thủ đô đang dần bị thu hẹp, bê tông hóa tăng dần, theo tôi đây là một thực tế khó tránh khỏi ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược và chương trình phát triển cụ thể đối với hệ thống không gian xanh và có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu từ Tokyo, hay Singapore - đất nước có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên cũng như văn hóa với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Kinh nghiệm của Singapore hoàn toàn có thể là bài học phù hợp cho TP. Hà Nội từ những hoạch định vĩ mô cho đến triển khai, quản lý chi tiết. Nếu được như vậy tôi nghĩ trong tương lai không xa TP. Hà Nội sẽ hoàn toàn có thể trở thành đô thị xanh theo đúng nghĩa.
 
Song song với các dự án đường trên cao, Hà Nội cũng đang có ý tưởng lấy hàng chục ngàn mét vuông đất ở một số công viên để làm bãi đậu xe. Chẳng lẽ vì một bãi đậu xe cho vài trăm chiếc xe chúng ta lại tiếp tục hy sinh những không gian xanh, những điểm vui chơi cho trẻ em vốn đã rất thiếu ở Hà Nội?
 
- Với việc bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân hiện nay ở Hà Nội, thì việc tận dụng những quỹ đất trong nội đô để xây dựng và phát triển giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe có lẽ khó tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sử dụng quỹ đất công cộng của thành phố trong đó bao gồm các công viên, vườn hoa, các "điểm xanh”... Hệ thống công viên của thành phố giúp điều hòa vi khí hậu, ngăn cản những tác động bất lợi của môi trường là điều dễ nhận thấy, nhưng quan trọng hơn chính những "điểm xanh” này từ lâu đã tạo nên những hệ sinh thái cân bằng và ổn định về sinh vật, cũng như sinh thái cảnh quan (như công viên Thống nhất, Thủ Lệ...). Bởi vậy, nếu xây dựng các công trình ngầm tại các không gian xanh, vô hình trung chúng ta đã can thiệp và làm mất cân bằng các hệ sinh thái đó (về dinh dưỡng cho sinh vật và cây xanh đã bị biến đổi), điều này còn nguy hại hơn cả việc hy sinh chỗ vui chơi cho trẻ em. Chính vì thế, rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ giải pháp thiết kế kỹ thuật đến quản lý, khai thác hiệu quả trong việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm.  
 
Quan tâm hơn đến giải pháp "xanh hóa”
 
Vấn đề xây dựng và phát triển đô thị theo xu hướng kiến trúc xanh đòi hỏi phải có sự hướng dẫn cụ thể, sự quản lý chặt chẽ của những nhà làm chính sách và quản lý đô thị, cùng với sự đồng lòng của các chủ đầu tư, các nhà tư vấn, bởi vậy trong tương lai không xa các đô thị, các công trình xanh sẽ trở thành hiện thực theo đúng nghĩa của nó.
Thế giới đang tiến tới một nền công nghiệp xanh, cũng có nghĩa ưu tiên phát triển công nghiệp hiện đại hóa nhưng không thể vì thế mà đánh mất màu xanh của môi trường sống. Phải chăng, chúng ta đang đi ngược với xu hướng của thế giới khi hủy hoại hàng loạt cây xanh? 
 
- Xu hướng của thế giới hiện nay đúng là hướng tới một nền công nghiệp xanh, bền vững, khai thác và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, nhưng hạn chế tối đa ảnh hưởng không có lợi đến môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên. Hủy hoại cây xanh theo tôi chỉ là một vấn đề trong việc đi ngược lại xu hướng của thế giới. Vấn đề bê tông hóa, vấn đề sử dụng các loại vật liệu, các nguồn năng lượng, các giải pháp làm "mềm hóa”, "xanh hóa” các bề mặt bê tông của đô thị (đường phố, công trình)... cũng cần phải được quan tâm đặc biệt. Nếu được như vậy chúng ta hoàn toàn có thể hòa nhập được với xu thế chung của thế giới.
 
Liên quan đến vấn đề đô thị hóa. Có thể khẳng định, kiến trúc xanh là xu hướng chính, đồng thời cũng là giải pháp cho các đô thị hiện đại ngày nay. Nhưng trên thực tế, kiến trúc xanh chưa được chú trọng tại các khu đô thị mới ở Thủ đô. Hay nói đúng hơn, dường như người ta đang quan tâm đến việc xây được càng nhiều chung cư cao tầng càng tốt, mà lãng quên mất không gian sống?
 
- Vấn đề kiến trúc xanh đúng là đang rất nóng, đang là xu hướng hình thành và phát triển của các đô thị hiện đại trên thế giới. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của kiến trúc xanh mang lại đối với con người, nhưng việc sử dụng kiến trúc xanh đòi hỏi phải đáp ứng đồng bộ các tiêu chí từ khâu thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cảnh quan, các giải pháp kỹ thuật môi trường, sử dụng vật liệu xây dựng, sử dụng năng lượng hiệu quả… Vì thế, đây là vấn đề khá phức tạp đòi hỏi các nhà thiết kế phải có đủ năng lực thì kiến trúc xanh mới đúng nghĩa là "xanh”. Trở lại với các khu đô thị mới của Hà Nội, việc ồ ạt xây dựng các khu dân cư mật độ cao, các tòa nhà cao tầng trong thời gian qua do phụ thuộc vào chính sách phát triển quỹ nhà ở của đô thị, nhu cầu nhà ở của người dân không ngừng gia tăng và phụ thuộc vào lợi ích kinh tế của các chủ đầu tư. Mặt khác không gian xanh, kiến trúc xanh trong đô thị không đơn giản với việc chúng ta trồng nhiều cây xanh trong vườn hay thậm chí là trên mái nhà thì được gọi là công trình xanh mà đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu phức tạp như đã nói ở trên, chính vì lý do này vấn đề xây dựng và phát triển đô thị theo xu hướng kiến trúc xanh đòi hỏi phải có sự hướng dẫn cụ thể, sự quản lý chặt chẽ của những nhà làm chính sách và quản lý đô thị, cùng với sự đồng lòng của các chủ đầu tư, các nhà tư vấn, tôi nghĩ trong tương lai không xa các đô thị, các công trình xanh sẽ trở thành hiện thực theo đúng nghĩa của nó.
 
Quay trở lại với kiến trúc và quy hoạch đô thị, lâu nay Thủ đô vẫn ở tình trạng quy hoạch một cách chắp vá, khiến cho "chiếc áo” khoác trên mình đô thị ngày càng trở nên chật chội và không còn phù hợp. Phải chăng, Thủ đô đang thiếu bàn tay của một kiến trúc sư trưởng?
 
- Điều này phụ thuộc vào chính sách quản lý đô thị từ tầm vĩ mô. Thực trạng hiện nay của Thủ đô vẫn đang ở tình trạng phố - làng, làng - phố như chúng ta chứng kiến, chính là bởi sự phát triển một cách tự phát dưới tác động của quá trình đô thị hóa. Nhưng nếu có sự quản lý chặt chẽ, có những chính sách, hướng dẫn cụ thể góp phần vào việc nâng cao môi trường sống và thuận tiện trong sinh hoạt cho dân cư thì việc này sẽ được đẩy lùi. Theo tôi được biết, chúng ta đang trong quá trình xây dựng những bộ quy chuẩn, những hướng dẫn cụ thể để khuyến nghị cho người dân thực hiện. Nhưng quan trọng hơn cả, việc bảo tồn các không gian truyền thống hay phát triển các xu thế mới phụ thuộc vào việc có mang lại những lợi ích cho cuộc sống của người dân hay không, nếu như những chính sách quản lý giúp họ nâng cao được điều kiện sống thì người dân sẽ làm theo.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Phương Thảo - Hoàng Minh (thực hiện)

Lượt xem : 1885