Hà Nội: Khắc phục ô nhiễm từ phân loại rác tại nguồn
4/1/2021 7:30:00 AM
Hiện nay, ở nước ta tình trạng quy hoạch các khu đô thị vẫn chưa được gắn liền với vấn đề xử lý chất thải. Trong đó, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với mật độ khu đô thị, khu công nghiệp lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động thì vấn đề xử lý rác thải luôn được quan tâm.
|
Rác thải bị đổ trộm tràn ra đường, cản trở việc đi lại của người dân, nhất là của các em nhỏ đến trường mỗi ngày. (Ảnh: Thúy Hằng).
|
Rác thải chất đống, gây ô nhiễm nhiều nơi
Ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại một số quận, huyện tình trạng đổ rác thải ra môi trường làm ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân vẫn tái diễn hàng ngày. Cụ thể, tại một số khu vực thuộc quận Cầu Giấy, Hoàng Mai... lại ngập trong rác những ngày gần đây. Tại đây, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng nằm ngổn ngang, chất thành đống trên vỉa hè bốc mùi hôi thối do nhiều ngày không có người thu gom, vận chuyển.
Theo ghi nhận của phóng viên tại quận Hoàng Mai, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường Định Công nhưng tình trạng xả thải và đốt rác tại đây vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân ngách 16/77, ngõ Định Công Hạ, phường Định Công, rất nhiều người từ nơi khác chở rác đến đây đốt ngang nhiên giữa ban ngày. Tình trạng đổ và đốt rác diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, khiến cho các hộ dân sống xung quanh vô cùng bức xúc.
Anh Đỗ Văn Duẩn (sống tại ngách 16/77 ngõ Định Công Hạ, Định Công) cho biết: “Rất nhiều người chở rác thải đến đây đốt gây khói bụi, ô nhiễm xung quanh khu vực này. Nhiều xe công nông chở vật liệu xây dựng cũng ngang nhiên qua lại đổ phế liệu còn gây hư hỏng đường đi. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phường Định Công, nhưng phía UBND phường cũng chỉ nhắc nhở mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Đầu năm nay, phường đã xây hàng rào ở một bên đường để tránh thì họ lại tiếp tục đổ sang bên còn lại ở phía cổng trường học”.
Rác thải chất đống tràn lan tại ngõ 16, ngách 77, phường Định Công không chỉ là rác thải sinh hoạt mà có cả vật liệu xây dựng, bàn ghế, vụn thủy tinh. Bên cạnh đó, nhiều vị trí nắp cống bị vỡ lại thêm rác vứt chồng lên khiến cho mùi nước thải bốc lên nồng nặc. Đáng chú ý, bãi rác ô nhiễm này nằm ngay sau trường Tiểu học Định Công ảnh hưởng trực tiếp đến các lớp học gần đó.
“Chúng tôi có treo biển “cấm đổ rác” nhưng chẳng có tác dụng. Họ cứ ngang nhiên đổ với đốt thế thôi. Bãi rác ngày càng lớn, bốc mùi lắm lại thêm việc đốt vàng mã những ngày tuần để lại tro, bụi bay tứ tung khắp khu vực xung quanh. Hoa màu trồng xung quanh cũng bị ảnh hưởng nhiều lắm”, ông N.V.T (cư dân tại ngách 16/77 ngõ Định Công Hạ) bức xúc.
Theo ghi nhận, nguồn nước ở đoạn mương gần đó cũng ô nhiễm nặng nề, đặc biệt trong những ngày Hà Nội nắng đỉnh điểm.
Cũng trên địa bàn phường Định Công, tại ao Giáp Nhất (ngõ 99) tồn tại một “núi” rác thải vật liệu xây dựng lớn vẫn chưa được xử lý từ nhiều năm nay.
Anh Đỗ Văn Duẩn chia sẻ thêm: Chúng tôi phản ánh nhiều rồi nhưng các đối tượng thiếu ý thức vẫn ngang nhiên đổ phế thải ra hủy hoại môi trường. Đối với các đối tượng đó cần có những quy định răn đe triệt để. Người dân phường Định Công sống mòn cạnh bãi rác đang hàng ngày ngóng trông chính quyền vào cuộc, sớm có giải pháp dứt điểm hơn nữa, mạnh tay xóa sổ những bãi rác tự phát này để trả lại môi trường trong lành cho Nhân dân.
Cần giải pháp xử lý thu gom, siết chặt việc đổ rác
Liên quan đến vấn đề xử lý triệt và phân loại rác thải tại các đô thị, Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước đã có những giải pháp, từ việc xử lý thu gom đến siết chặt việc đổ, xả rác thải; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân… Tuy nhiên, ở một số đô thị tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
|
Một bãi rác tự phát ngang nhiễn tồn tại dù đã có biển cấm. (Ảnh: Thúy Hằng)
|
Cho ý kiến về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang tiếp tục thực hiện Kế hoạch 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về “Phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó, yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy trong hoạt động tại cơ quan, tổ chức và sinh hoạt tại gia đình; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy”.
Trước những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng tại các đô thị hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TN&MT sớm trình nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Theo Luật, các địa phương bắt buộc phải đầu tư hạ tầng đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến xử lý rác thải; đồng thời xây dựng cơ chế thu hút công nghệ cao trong xử lý rác thải.
Theo đó, thay vì thu phí xử lý rác thải theo kiểu “cào bằng” theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực để phân loại rác tại nguồn. Đây là giải pháp về kinh tế cho các hộ gia đình.
Cũng theo ông Nguyễn Thượng Hiền, để tránh tình trạng rác sau khi phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch định tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng. Đặc biệt, để giám sát việc thực hiện, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera. Người vứt rác bừa bãi có thể bị "bêu tên" trên loa phường hay cuộc họp dân phố.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, tổ dân phố,... trong việc cùng nhau giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng đó là nâng chế tài xử lý các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn./.
Thúy Hằng (CTV)/ĐCS
Lượt xem : 1078