Vietnamese English
Hà Nội hướng tới đô thị xanh

2/4/2021 7:44:00 AM

Để Hà Nội trở thành thành phố hòa bình, đáng sống với môi trường “xanh, sạch, đẹp”, thành phố nên có giải pháp xây dựng các đô thị, đường phố của mình có nhiều cây xanh với mục tiêu hướng đến “Thành phố xanh”.

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băn quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thế giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn địa cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI).

2539 2
Hình ảnh phố hoa anh đào ở Hàn Quốc

Đứng trước những hiểm họa từ biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã có nhiều giải pháp để xây dựng các đô thị bền vững, trong đó ưu tiên phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường. Trên thế giới vẫn chưa có khái niệm thống nhất về “đô thị xanh”. Tuy nhiên, về cơ bản, một đô thị được coi là chuẩn “xanh” sẽ phải đáp ứng được các tiêu chí như mật độ cây xanh trên đầu người, ưu tiên sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo, đẩy mạnh giao thông công cộng, phát triển nền công nghiệp xanh, bảo tồn các công trình lịch sử - văn hóa.

Hà Nội hiện nay vẫn đang trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị. Mật độ dân số đông, phương tiện giao thông đi lại nhiều kèm với việc còn nhiều các công trình đang xây dựng dở dang khiến cho chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội luôn đứng ở mức đỏ - có hại cho sức khỏe. Để Hà Nội trở thành thành phố hòa bình, đáng sống với môi trường “xanh, sạch, đẹp”, thành phố nên có giải pháp xây dựng các đô thị, đường phố của mình có nhiều cây xanh với mục tiêu hướng đến “Thành phố xanh”.

Việc đầu tiên, Thành phố Hà Nội cần tích cực trồng cây xanh trên đường phố. Sự hiện diện của cây xanh giúp giảm đáng kể sự ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, cân bằng sinh thái mà còn giúp tăng mỹ quan mang lại bầu không khí tươi trẻ, trong lành, sạch sẽ hơn. Mọi khoảng trống trên đường phố được tận dụng để trồng cây xanh: tất cả các diện tích để trồng trên đường phố như dải phân cách, tiểu đảo giao thông, đất ven sông... đều được phủ bóng cây xanh một cách bài bản.

Các cây xanh trồng ở trên đường phố nên được chọn lựa kỹ càng đảm bảo cây có tán rộng, cho nhiều bóng mát, rễ cây bám chắc, cành cây không quá giòn, dễ gãy rụng trong mùa mưa bão. Một số loại cây phù hợp với khí hậu của Hà Nội và đã được trồng thành công như sấu, muồng, bằng lăng, xà cừ, lộc vừng... có thể tiếp tục được trồng. Ngoài ra, các công ty cây xanh của thành phố cũng cần có bộ phận nghiên cứu thêm các cây trồng vừa đảm bảo các điểu kiện trên vừa có hoa, lá đẹp để tăng tính thẩm mỹ cho các con đường của thành phố.

Bên cạnh đó, phố nào, đường nào trồng cây gì cũng cần được nghiên cứu kỹ sao cho các cây trồng được đồng đều, có thể trở thành nét đẹp riêng của từng phố, đường đó. Ví dụ ở Hàn Quốc, có những con đường chỉ trồng cây hoa anh đào, đến mùa xuân hoa nở đây chính là phố đi bộ thu hút người dân, khách du lịch đến thăm quan. Hay như ở Singapore, trồng cây theo tuyến đường, theo chủ đề cũng là những trọng tâm mà đất nước này hướng đến, có những tuyến đường du lịch chỉ được trồng những loại cây có tán rộng đan vào nhau tạo độ che phủ cho khắp tuyến đường, hay có những tuyến phố trồng hoa giấy xen màu càng khiến khách du lịch thêm ấn tượng về thành phố xanh mát này.Thứ hai, với các khu chung cư hoặc khu đô thị xây mới, cần có quy định về mật độ cây xanh được trồng.

2531 1
Hình ảnh một tòa nhà cao tầng với thiết kế kính đan xen hành lang trồng cây. Với thiết kế này, tòa nhà đã giảm thiểu được phần bức xạ nhiệt do kính mang lại.

Theo các nhà chuyên môn, khi phủ đầy được khoảng 20-50% mật độ cây xanh, mặt nước tại dự án thì có thể giảm được 3,3 độ C đến 4,9 độ C tại khu vực dự án. Ngoài ra đô thị xanh, công trình xanh còn có ý nghĩa về bản sắc đô thị riêng, nhờ đặc thù của các loại cây, loài hoa. Việc đảm bảo mật độ cây xanh đồng nghĩa với việc giảm mật độ dân cư tại các dự án, khu đô thị, từ đó sẽ đảm bảo được môi trường sống, hạn chế được việc dân cư quá đông gây tắc nghẽn giao thông.

Không chỉ lưu ý đến thiết kế của chung cư, đô thị, các tòa văn phòng cao tầng trong thành phố cũng cần có các thiết kế “xanh” hơn, thân thiện với môi trường hơn. Hiện nay, các tòa nhà văn phòng trong thành phố chủ yếu được thiết kế bao phủ bằng kính. Thiết kế “toàn kính” khiến cho không chỉ bên trong tòa nhà nóng mà còn bức xạ khiến nhiệt độ bên ngoài đường phố càng nóng hơn. Chúng ta có thể học tập Singapore trong việc quy hoạch những tòa nhà cao tầng. Theo quy hoạch cây xanh của Singapore, những tòa nhà lớn buộc phải có không gian cho cây xanh mới được cấp phép xây dựng. Do vậy, các cao ốc ở Singapore đều được thiết kế để có không gian cho cây xanh phát triển, phần mái và sảnh của nhiều công trình được biến thành nơi trồng cây.

Thứ ba, Thành phố Hà Nội cần thiết kế thêm những khuôn viên, vườn cây, công viên trồng nhiều cây. Những nơi này vừa là nơi sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí lành mạnh cho người dân, vừa đóng vai trò là lá phổi của thành phố. Những năm giữa thập niên 70, chính phủ Singapore cũng bắt đầu chuyển trọng tâm của chương trình “thành phố xanh” sang xây dựng những công viên mới với mục tiêu tạo ra “lá phổi xanh” và không gian giải trí cho các khu dân cư.

Theo số liệu của Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore, số lượng công viên tại đất nước này đã tăng từ 13 vào năm 1975 lên 330 năm 2014. Cũng trong khoảng thời gian này, diện tích không gian xanh tăng từ 879 ha lên 9.707 ha, tương đương khoảng 13,5% tổng diện tích của toàn bộ đảo quốc sư tử. Tại các khu công viên lớn như Garden By The Bay vừa là lá phổi xanh của thành phố lại vừa là điểm quy hoạch du lịch khá hiệu quả mà khách du lịch nào đến với Singapore cũng không thể bỏ lỡ. Tại đây nổi bật với những siêu cây năng lượng khổng lồ và hàng ngàn loại cây nhiệt đới xanh mướt vô cùng lạ mắt. Nhiều khu vực của Singapore được quy hoạch thành những khu rừng bán tự nhiên, trở thành những lá phổi xanh cùng như điểm du lịch thu hút nhiều du khách ghé thăm.

2545 3
Garden by the bay – Công viên cây xanh thu hút rất đông khách du lịch tới Singapore

Bên cạnh việc thực hiện ba ý tưởng trên, Thành phố Hà Nội cần kết hợp với việc vận động, kêu gọi người dân tích cực trồng cây xanh: trồng cây cảnh tại nhà riêng, các loại chậu cây cảnh hoặc các dàn cây leo bao phủ quanh nhà, trên sân hay trên mái nhà. Ý thức bảo vệ cây xanh của người dân cũng cần được nâng cao bằng các hoạt động tuyên truyền hoặc đưa ra các điều luật nghiêm khắc để phạt những người có hành vi cố ý phá hoại cây xanh.

Hi vọng những gợi ý nêu trên có thể góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh ngát những bóng cây. Với sự đồng lòng giữa lãnh đạo và người dân thành phố, trong tương lai không xa, Thành phố Hà Nội sẽ là thành phố được phủ xanh bởi cây cối, với chất lượng môi trường tuyệt vời, là nơi đáng sống trên thế giới.

* Tít bài do Lao động Thủ đô đặt

Trần Minh Hường (Ban Tổ chức cán bộ, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội)

(Lao động Thủ đô)

Lượt xem : 1627