Hà Nội có nhiều sinh vật ngoại lai
7/13/2013 3:39:00 PM
(VACNE:13/7/2013) – Là kết luận bước đầu, song có thể khẳng định trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều sinh vật ngoại lai.
Ý kiến này được các chuyên gia đồng thuận, sau khi hoàn thành 3 đợt khảo sát, điều tra thực địa, trên toàn bộ khu vực ngoại thành Hà Nội từ giữa năm 2012 cho tới nay.
Trong suốt thời gian qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã huy động hầu hết các chuyên gia đầu ngành về sinh học, sinh thái, chim thú, côn trùng, thủy sản, lâm học như: GS. TSKH.NGND Mai Đình Yên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. PGS.TS Phùng Tửu Bôi, TS. Lê Thiết Bình, PGS.TS. Hồ Thanh Hải, TS. Lê Trần Chấn, TS. Vũ Văn Lầm, CN. Vũ Văn Dũng, KS. Lê Huy Cường, TS. Lê Thanh Bình…cùng nhiều chuyên viên tham gia. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng của Hội, được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội giao phó, nhằm triển khai Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020, mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt; đồng thời khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững.
Trong quá trình điều tra khảo sát, tới bất cứ khu hệ sinh thái nào, Đoàn cũng phát hiện ra nhiều loài sinh vật ngoại lai đang xâm hại, cùng các loài đang được người dân (nhân nuôi để làm cảnh, để làm thực phẩm) tạo sinh kế. Tại đây, các chuyên gia không chỉ phát hiện thấy những loài sinh vật ngoại lai đang xâm hại và có nguy cơ xâm hại theo quy định tại Thông tư số 22 của Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành ngày 1/7/2011, mà còn phát hiện thấy các loài cỏ dại xâm hại (ngoài danh mục), cùng nhiều loài sinh vật mới được du nhập vào nước ta theo con đường tiểu ngạch.
Bên cạnh những loài đang phát triển lấn át các loài bản địa, ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm thiệt hại đến nền kinh tế như: cây trinh nữ đầm lầy (Mai dương), cúc liên chi, ốc bươu vàng, cá Tỳ bà dọn bể, bọ cánh cứng hại dừa, vi rút gây chùn ngọn chuối…các chuyên gia đã thu thập được rất nhiều mẫu vật và hình ảnh của nhiều sinh vật ngoại lai mới như: cúc xuyến chi, rau má Nhật, cua Trung Quốc, ếch Thái Lan, Ngựa Tây Tạng, dê Mỹ…đang được nhân nuôi trên nhiều địa bàn
Điều đáng quan tâm là: người dân một số nơi đã biết tận dụng màu sắc lạ, sự phát triển nhanh về số lượng và sinh khối của một số loài sinh vật ngoại lai (kể cả ngoại lai xâm hại) để phát triển kinh tế. Xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đã phát triển nghề chế biến ốc bươu vàng thành hàng xuất khẩu; xã Hòa Lâm (Ứng Hòa) sử dụng cá rô phi đen và trê phi để diệt cá tạp cho đầm nuôi thủy sản. Xã Đông Mỹ (Thanh Trì) phát triển đàn ngựa bạch, công, trĩ ; Đại học Nông nghiệp I (Trâu Quỳ - Gia Lâm) có nhiều loài hoa, cây cảnh, cây ăn quả lạ mắt...
Trong quá trình điều tra, các chuyên gia cũng tư vấn cho bà con nông dân và cán bộ địa phương nhiều ý kiến sâu sắc, nhằm nâng cao năng lực quản lý, cũng như nhận thức cho cộng đồng về biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai, để vừa phát triển kinh tế, vừa không gây ảnh hưởng tới môi trường nông nghiệp và không làm suy giảm sự đa dạng về sinh học./.
Bích Thủy
Lượt xem : 1431