Vietnamese English
Hà Nam: Hiệu quả từ mô hình tự quản bảo vệ môi trường

10/27/2014 2:06:00 PM

Phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, MTTQ tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Qua hơn 4 năm thực hiện việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

 
 
 
 
Thu gom rác thải tại Kim Bảng – Hà Nam
Ảnh: Kiều Loan
 
20 hội nghị tập huấn về 
bảo vệ môi trường

Sau gần 4 năm thực hiện, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã mở được 20 hội nghị tập huấn công tác môi trường từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia của hơn 3.105 lượt người, cấp phát 8.200 tờ rơi và treo các băng rôn, khẩu hiệu… Để nâng cao hiệu quả khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, các cán bộ đoàn thể ở cơ sở không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền mà còn tham gia giám sát, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm túc việc bảo vệ môi trường khu dân cư. Ngoài ra, các khu dân cư còn thống nhất nội dung và xây dựng quy ước giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường. 
Thôn Đình Hậu, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) một trong những khu dân cư được MTTQ tỉnh Hà Nam chọn để triển khai thực hiện điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường vấn đề ô nhiễm đã từng bước được cải thiện.
 
Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đình Hậu - Lê Hồng Xim, cho biết: Trước đây, trong thôn có nhiều hộ gia đình chăn nuôi, song lại chưa quan tâm đến môi trường nên xả chất thải, nước thải ra đường làng, hệ thống rãnh thoát nước của thôn, gây bức xúc trong nhân dân. Từ khi được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn thực hiện điểm mô hình khu dân cư tự quản Bảo vệ môi trường vào năm 2011, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân ở đây về bảo vệ môi trường.
 
Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường. Cùng đó, lồng ghép nội dung xây dựng khu dân cư tự quản Bảo vệ môi trường trong các buổi họp dân, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể nhằm vận động người dân, hội viên tích cực thực hiện. Nhờ đó ngay năm đầu tiên triển khai, 100% các hộ gia đình trong thôn đều tự nguyện ký cam kết Bảo vệ môi trường với các nội dung như mỗi hộ gia đình đều phải có vật dụng chứa rác thải, chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi xử lý; không vứt rác bừa bãi ra đường; bảo đảm an toàn, vệ sinh khu vực công cộng, không phóng uế, vứt xác động vật bừa bãi, không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật… 
 
Hay như tại xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng) việc phát huy vai trò tự quản của nhân dân đã góp phần đẩy lùi vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Được triển khai từ năm 2003 xã Ngọc Sơn đã thành lập được 04 tổ thu gom rác hoạt động theo cơ chế xã hội hóa. Theo đó, chính quyền xã hỗ trợ kinh phí ban đầu mua xe vận chuyển và quy hoạch địa điểm đổ rác tập trung và các thôn chọn cử người tham gia. Người dân tự bàn bạc, quyết định mức đóng góp, trả công hàng tháng cho tổ thu gom rác thải. 
 
Hiện, 100% người dân trên địa bàn xã đã thực hiện các quy định như chứa rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định, đổ rác đúng giờ, không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng và nộp đủ phí bảo vệ môi trường. Cùng với xã Ngọc Sơn, nhiều địa phương khác của huyện Kim Bảng như thị trấn Quế, xã Thi Sơn... đến nay cũng đã thành lập được các tổ thu gom rác thải tại các địa bàn dân cư. Mô hình chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu như tiền mua xe vận chuyển rác, tuyên truyền, vận động và người dân tự đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động đang được nhân rộng trên địa bàn.
 
Theo Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Hiếu, việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Cùng đó, phát huy được năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở cũng như các cá nhân tiêu biểu có tiếng nói đối với người dân trong thôn, xóm để huy động sự vào cuộc của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Sau khi được chọn làm điểm mô hình, các khu dân cư đều bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chí như 100% hộ gia đình ký cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày; 100% hộ gia đình tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở thôn, xóm…
 
 Mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường là mô hình có ý nghĩa thiết thực, nhất là với địa bàn nông thôn, nơi phần lớn người dân chưa có nhận thức cao về công tác vệ sinh môi trường. Với hiệu quả rõ rệt đó, mô hình khu dân cư tự quản Bảo vệ môi trường cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới góp phần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
 

Anh Vũ

Lượt xem : 2489