GS. Đặng Huy Huỳnh: Những khu rừng nguyên sinh chỉ còn trong ký ức
6/6/2022 8:39:00 AM
(VACNE) - GS. Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng ĐDSH ASEAN, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Dân Việt
Có khi đang trò chuyện, ông cất tiếng hát vang "Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi/Nào có xá chi đâu ngày trở về". Có khi ông bật khóc: tôi nhập ngũ năm 14 tuổi, tưởng đi đâu đó rồi về với ba mẹ. Ai dè xa quê suốt gần 30 năm, đi đủ 3 nước Đông Dương, với tột cùng gian khó trên con đường làm cách mạng, lúc về thăm quê thì ba mẹ đã khuất núi cả rồi…
Ngày xưa, lúc còn trẻ, ông từng đi khắp các chiến trường Việt Nam, Lào rồi Campuchia. Như ông nói, những loài cây và muông thú ông nhìn thấy thuở ấy, đã gợi cảm hứng để sau này, ông dùng phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của mình để nghiên cứu về thiên nhiên, muông thú. Ông có thể nói kỹ hơn về giai đoạn này?
- Chuyện cách đây hơn 70 năm. Tôi nhập ngũ năm 1947, khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công được 2 năm. Lúc đó, nhà tôi có 5 người con trai, nhà nghèo. Quê tôi có một dòng sông tuyệt đẹp, có rất nhiều tre, trúc hai bên bờ. Khi tốt nghiệp cấp 1, chuẩn bị lên cấp 2 thì tôi có nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ là "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Tôi và bạn tôi xếp bút nghiên, rủ nhau nhập ngũ, lúc đó tôi 14 tuổi.
Cách đây khoảng 6-7 năm, Chủ tịch nước bấy giờ là đồng chí Trương Tấn Sang đến nhà tôi chúc Tết, ông nhìn huy hiệu tuổi Đảng của tôi và hỏi "GS vào Đảng năm 1949 phải không?", tôi trả lời: "Đúng, năm 1949 là năm tôi được kết nạp Đảng". Ông Sang có nói một câu: "Chính năm đó là năm em sinh ra đấy"(cười).
Tôi vào bộ đội, đầu tiên được phát một bộ quần áo vải xi-ta (một loại vải nổi tiếng ở Tam Kỳ, Quảng Nam) rất dài, mình bé quá không mặc được. Được phân công làm trinh sát, tôi bắt đầu ở trong rừng. Thật sự, tôi nghĩ mình đi một vài năm thì về nhưng không ngờ tôi xa gia đình biền biệt vài chục năm luôn. Tôi đi tháng Giêng năm 1947, mãi đến tháng 10 năm 1975 mới về lại thăm gia đình. Khi ấy, bố mẹ đã khuất núi.
Tại sao lâu như vậy mới về thăm gia đình, bởi tôi đi đến năm 1949, đánh giặc xong họ cho tôi vào học Trường Thiếu Sinh quân. Khi tôi đang học thì bác Phạm Văn Đồng xuống thăm trường, bác Đồng hỏi:
- "Cháu có thích sang Lào đánh giặc không?"
- "Lào là ở đâu ạ?"
- "Lào ở bên kia Trường Sơn"
- "Cháu xin đi!", tôi đáp.
Sau đó, bác Đồng nói với trường chuyển tôi vào quân tình nguyện Việt Nam sang Lào đánh giặc. Đó cũng là đoàn quân đầu tiên của liên khu 5 sang Lào.
Vượt Trường Sơn một tháng trời. Không đi ban ngày được vì máy bay bắn. Bộ đội cứ 5 giờ chiều hành quân đến 8-9 giờ tối, nếu đến rừng thì ngủ rừng, nếu có xóm làng thì vào nhà dân ngủ nhờ.
Mất một tháng từ huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đến tỉnh Attapeu của Lào. Rừng Trường Sơn lúc đó bạt ngàn, đẹp lắm. Nhất là vào buổi sáng, khỉ, vượn rất đông. Ban ngày thì bò, nai, hoẵng nhiều vô kể. Khi đó không có cầu xây như bây giờ. Có chăng, trên đường hành quân qua suối chúng tôi gặp những cây cầu bằng dây của đồng bào khi đi rẫy. Thác cao, núi rừng hiểm trở, thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp.
Sau khi sang Lào, tôi được cử sang hoạt động ở Campuchia. Khi hoà bình lập lại, tôi từ Campuchia sang Lào rồi về Việt Nam, đặt chân xuống Hương Khê (Hà Tĩnh) năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi chính là đoàn người Việt Nam cuối cùng rút khỏi Campuchia, Lào về Việt Nam giai đoạn ấy.
Những năm vào bộ đội đi nhiều như vậy, thư từ của bố mẹ cũng không thể nhận được. Tôi nhớ lúc đó 15-16 tuổi, tôi ngồi ở bờ suối, nhặt từng cái lá cây vứt xuống suối, nói "đây là lá thư con gửi về cho bố mẹ". Tôi hình dung đó là tấm lòng của người con xa xứ gửi tình cảm thắm thiết về cho bố mẹ, bây giờ thi thoảng nhớ lại những năm tháng ấy, tôi đều rất cảm động. Khi tôi về đến quê thì bố mất, mẹ cũng mất...
Từ năm 1955 cho đến khi quay về quê nhà Quảng Nam, ông đã làm gì? Thời điểm nào ông bắt đầu hoạt động khoa học về lĩnh vực môi trường, thưa Giáo sư?
- Đầu năm 1955, khi về tới Hà Tĩnh rồi sang Hồi Xuân (Quan Hoá, Thanh Hoá), tôi đóng quân ở đó. Đóng quân được mấy ngày thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm quân tình nguyện Lào về Việt Nam. Khi ấy, một trường học ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá (lúc đó gọi là là Trại công trường 900), trong đó toàn bộ đội Lào, Campuchia, tôi được cử về hoạt động ở đó. Ngày đi làm, tối được cho ra ngoài mới được tiếp xúc với dân. Có một gia đình có hai người con, con đầu học ở trường cấp 3 Thanh Hoá. Tôi cũng rất muốn học nên hỏi mượn sách của bạn đó, tối nào cũng ngồi đọc.
Một anh phụ trách của Trung ương Đoàn cử vào làm công tác thanh niên tên Trình tối nào cũng thấy một cậu thanh niên ngồi đọc sách. Anh hỏi chuyện và nói với ban lãnh đạo cử tôi đi học văn hoá. Tôi vinh dự được học cùng trường cấp 3 với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau này, ông Khải có tặng tôi bức ảnh tôi giữ đến bây giờ.
Khi học cấp 3, có nhiều bạn rủ tôi vào ĐH Bách khoa nhưng tình yêu với cây cối và động vật từ những ngày hành quân trong rừng đã thôi thúc tôi chọn vào khoa Sinh, ĐH Tổng hợp, Hà Nội.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ: Tập Atlas Quốc gia năm 2005; cụm công trình "Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam", "Sách đỏ" và "Danh lục đỏ Việt Nam" năm 2010. Ông cũng là một trong số những nhà nghiên cứu đã đặt nền móng xây dựng nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Giáo sư đã bắt đầu nghiên cứu về thế giới động thực vật ở Việt Nam như thế nào?
- Mùa hè năm 1961, tôi tốt nghiệp đại học rồi ở lại trường vừa dạy, vừa nghiên cứu. Sau đó, ông Tạ Quang Bửu khi đó là Trưởng ban Sinh vật - Địa học giao cho tôi làm đề cương nghiên cứu sinh vật. Có hai vị giáo sư rất giỏi giúp đỡ tôi là GS Đào Văn Tiến và GS Đặng Văn Ngữ. Tôi bắt đầu công tác nghiên cứu từ đó. Hồi đó đơn giản lắm, chưa có phương tiện nghiên cứu gì đâu.
Chuyến đi thực địa đầu tiên vào tháng 11 năm 1962, ông Tạ Quang Bửu tổ chức Đội Phục hồi - Phát triển kinh tế miền Bắc. Trong đó, phải điều tra, nghiên cứu tài nguyên sinh học nên tổ chức một Đội điều tra sinh vật, động vật, ký sinh trùng, côn trùng miền Bắc Việt Nam, cử tôi làm đội trưởng.
Chúng tôi đi Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn) sau đó sang Thái Nguyên, mỗi chuyến kéo dài 3 tháng. Tôi ấn tượng chuyến thực địa đầu tiên, Uỷ ban Khoa học cử 2 GS Đào Quang Tiến và GS Đặng Văn Ngữ lên kiểm tra. Tôi nhớ khi đó tôi vừa đi rừng về thì thấy 2 giáo sư có mặt ở đó rồi, các vị kiểm tra kỹ, rồi khen "cứ làm thế, tốt rồi".
Lúc bấy giờ thiên nhiên Việt Nam thế nào?
- Khi ấy ở Bình Gia là vùng cây hồi. Nhiều lắm các loài sóc bụng đỏ, sóc bụng xám, sóc chuột…, chúng ăn quả hồi, đẻ một lần 4-5 con. Hoẵng, nai, gấu, cầy, lợn rừng… nhiều vô kể. Sau đó, tôi đi Chiêm Hoá, Hàm Yên (Tuyên Quang) và gặp những con voọc mũi hếch - loài loài đặc hữu của Việt Nam - hàng trăm con xuống suối uống nước, ở trong rừng tre nứa.
Tiếc là hồi ấy tôi không có máy ảnh, mãi sau này mới có chiếc máy Zenit của Nga ghi lại tư liệu, bây giờ Bảo tàng thiên nhiên và trường ĐH Tổng hợp vẫn lưu giữ các mẫu vật mà chuyến ấy chúng tôi mang về. Nói vậy để thấy động vật hồi đó rất nhiều, thích lắm, rừng núi thì tốt tươi…
Ngày xưa rừng giàu, thiên nhiên tươi đẹp, muông thú sum vầy như vậy, ông cảm thấy tự hào về thiên nhiên Việt Nam nhưng đến gần đây, khi ông đã có tuổi thì nỗi đau về thiên nhiên, môi trường cũng lớn theo - có phải không? Như ông đã nhiều lần bày tỏ lòng tiếc nuối các giá trị thiên nhiên đã bị phá hủy ấy.
- Sau khi Giải phóng miền Nam năm 1975, tôi là một trong những chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2. Năm 1976, tôi vào Tây Nguyên thường xuyên, phụ trách toàn bộ phần tài nguyên sinh học. Voi, bò tót, chó sói gặp hàng đàn, có những đàn voi ở khu vực giáp Lào, Campuchia có tới 30-40 con.
Có một lần gặp hổ khiến tôi rất ấn tượng, lúc đó khoảng 8 giờ sáng tôi gặp hổ đang ăn một con bò rừng. Thấy đoàn, con hổ bỏ chạy, tôi và người địa phương đuổi theo. Người địa phương định bắn nhưng tôi ngăn lại, tôi định chụp ảnh nhưng không đuổi kịp. Con hổ lúc gặp nguy hiểm có thể chạy 70 - 90km/giờ.
Quay lại chỗ con bò rừng mà hổ bỏ lại, đoàn nghiên cứu định mang thịt bò về thì người địa phương ngăn lại, họ nói "lấy là nguy hiểm cho cán bộ và cho dân làng, Chúa Sơn Lâm bị ăn cắp mất thịt, "ổng" sẽ quay về trả thù đấy"… Ông cụ người dân tộc nói chiều hôm đó hoặc hôm sau, con hổ sẽ quay trở lại ăn và lấy "chiến lợi phẩm" mang về nơi cất giấu ăn đến khi nào hết thì thôi.
Cuối cùng, đoàn đo chiều dài con bò để phục vụ nghiên cứu rồi lặng lẽ bỏ đi.
Những năm 70-80, khu tôi nghiên cứu là Kon Hà Nừng (cao nguyên ở tỉnh Gia Lai), GS Trần Đại Nghĩa giới thiệu tôi gặp ông Trần Kiên – Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp để bàn về vấn đề nghiên cứu. Động vật ở đó nhiều lắm. Năm ngoái 2021, Kon Hà Nừng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Không phải chỉ bây giờ việc tàn phá rừng, bắn giết động vật rừng mới diễn ra. Người ta "khai thác" mạnh nhất từ năm 1980, dân săn bắn, nền kinh tế thị trường mở cửa kéo theo việc mua bán động vật trên quy mô lớn diễn ra. Trước đây, Việt Nam có rất ít điểm mua bán da động vật rừng như Chợ Bờ ở Tây Bắc, Văn Điển ở Hà Nội nhưng cũng không nhiều. Vì phương tiện săn bắn bấy giờ còn đơn giản.
Gần đây, việc buôn bán động vật hoang dã đem lại lợi nhuận cao, chỉ sau buôn ma tuý. Thời này người giàu mớ nổi, họ thể hiện "đẳng cấp" của mình bằng cách ăn động vật quý hiếm. Vậy nên mới xuất hiện các quán nhậu thú rừng. Thời của tôi không có các quán nhậu thú rừng như hiện nay, thi thoảng người dân bắn được con thú thì chia nhau thôi.
Bây giờ, tôi rất lo vì suy giảm nguồn tài nguyên rừng và thú rừng. Điều này thật sự rất nguy hiểm.
Ông vừa nói, các địa điểm ở Thác Bờ (tỉnh Hòa Bình) và Văn Điển (Hà Nội) có bán da lông thú rừng xuất khẩu, hồi đó các đơn vị tư nhân hay Nhà nước chủ trì? Số lượng thế nào và họ xuất đi đâu?
- Nhà nước chứ. Họ bán sang Trung Quốc, Hồng Kông nhưng thực sự không nhiều lắm. Ngày ấy trước Giải phóng miền Nam, quan hệ nước ta với các nước khác còn hạn chế.
Theo lý giải của ông, đâu là nguyên nhân để con người tàn nhẫn với thiên nhiên?
- Con người nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, có thể điều chỉnh tất cả, trong đó có cả thiên nhiên. Đôi khi, chúng ta đã suy nghĩ chưa thấu đáo, thiếu đạo đức ứng xử với môi trường.
Bạn thấy không, những người ngồi cạo óc con khỉ ra ăn sống và cho rằng ăn tuỷ của con khỉ là bổ… ví dụ như vậy. Quá dã man. Con khỉ cũng là một loài. Như tôi đã nói, trên hành tinh có khoảng 7-8 tỷ loài sinh vật, con người cũng chỉ là một trong số đó, thế mà con người bắn giết động vật để lấy tuỷ, lấy xương…
Chính vì thế mà tôi nói: làm "sạch" con người chính là giúp con người biết mối quan hệ hài hòa và bền vững với thiên nhiên nhiên.
Hiện nay Liên Hợp Quốc đưa ra khuyến nghị: chúng ta tìm các giải pháp không đâu xa, học ngay từ thiên nhiên. Chúng ta học từ thiên nhiên để bảo vệ chính chúng ta. Mặc dù chúng ta sáng tạo ra tên lửa vũ trụ, tàu con thoi, nhưng chúng ta vẫn phải học thiên nhiên rất nhiều. Bởi thiên nhiên đã trải qua nhiều triệu năm phát triển, nó có nhiều quy luật màu nhiệm mà rất nhiều trong số đó con người chưa biết hoặc vô tình lãng quên. Phải tìm cách học cái đó để phục vụ cho sự bình yên và phát triển bền vững của chính chúng ta.
Không chỉ là một nhà khoa học nổi tiếng về thiên nhiên môi trường, giáo sư còn là một người cao tuổi, quan sát cuộc sống nhiều thập niên qua với không ít những thảm hoạ thiên nhiên và các bất cập trong ứng xử với thiên nhiên. Ông có lời khuyên, cảnh báo gì từ kinh nghiệm tâm đắc của mình?
- Trong quá trình nghiên cứu, tôi có nhiều mối lo. Tôi nghỉ hưu năm 2000, cho đến nay là 22 năm, tôi công tác được 54 năm. Tôi đi khắp Việt Nam bao năm qua, bây giờ, nhìn lại, thấy môi trường thiên nhiên không còn như trước nữa. Trước đi tôi gặp cá trong suối, bò, nai trên rừng, gặp các mẫu vật trong dân nhưng sau này tôi đi thấy hầu như rừng đã trơ trụi. Chính cái trơ trụi đó gây ra lũ lụt, xói mòn, sạt lở…
Trước tôi đi cả tháng trong rừng, tôi gặp mưa nhiều, mưa to nhưng ít thấy đất lở kinh khủng (cả trăm người thiệt mạng) như gần đây. Chỉ cần vài so sánh như thế, đủ thấy, nếu không có biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường tốt, thì điều gì đang chờ chúng ta?
Việc suy thoái các hệ sinh thái, theo tôi, nguyên nhân do con người là chính. Thứ hai, do biến đổi khí hậu nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là con người. Bây giờ con người phải thấy chính anh gây ra, anh phải có trách nhiệm phục hồi các hệ sinh thái. Không phải chỉ riêng nước ta, Liên Hợp Quốc đã đề ra thập kỷ 2020-2030 là thập kỷ phục hồi hệ sinh thái.
Năm 2017, tôi được vinh danh là Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN. Tôi đi thực địa nhiều nước thì tình trạng chung là trước đó rừng rất đẹp nhưng sau này cũng bị phá nhiều. Ở Việt Nam, ngay chính Quảng Nam quê tôi, nơi tôi đi bộ đội qua vùng đó, rừng che bộ đội khi xưa giờ đã trọc lốc, chính vì thế mới xảy ra những đợt thiên tai, lũ lụt gây hậu quả nặng nề.
Đảng và Nhà nước không phải không có chủ trương, thậm chí rất nhiều chủ trương. Cái thiếu ở đây là việc kiểm soát, thiếu giám sát. Chứ không phải là thiếu Chỉ thị, thiếu Thông tư đâu.
Ông từng đi nước ngoài nhiều, tham dự nhiều hội thảo quốc tế, ông nghĩ rằng các bài học nào về bảo vệ môi trường của thế giới rất đáng để học tập, "nhân rộng mô hình"?
- Tôi từng nói, ở nước ngoài họ nói ít nhưng họ làm nhiều và làm thật, họ rất minh bạch, rõ ràng. Hội nghị quốc tế xong bao giờ cũng đi tham quan. Ví dụ như chủ đề chất độc ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khoẻ con người như thế nào, ngoài hội thảo thì họ cho đi thăm những chỗ làm thí nghiệm, rất thực tế.
Hay vấn đề giải quyết chất đốt, chất thải rắn. Tôi đi Tokyo (Nhật Bản), đến thăm những gia đình không được báo trước, đi vào bếp thấy túi trắng, túi đỏ, túi xanh, họ phân loại chất thải. Những chiếc túi này vào buổi chiều sẽ có người đến thu gom thành từng xe riêng đưa đến chỗ xử lý rất xa khu dân cư.
Tôi quan sát và về báo cáo lại nhà chức trách ở mình, nhưng người ta nói để làm được như thế rất tốn kém. Tôi trả lời "vì sức khoẻ cộng đồng, mình cố gắng bàn với Nhà nước mình làm".
Ở nước ngoài họ rất minh bạch, ai sai họ chỉ ra rất rõ. Nhưng ở nước ta, tuy truyền thông phản ánh phá rừng, huỷ hoại môi trường nhưng không thấy người đứng đầu khu vực đó, địa phương đó đứng ra chịu trách nhiệm.
Ông là người truyền cảm hứng cho mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu có một lời nào tâm huyết nói về sự nghiệp của mình, ông sẽ nói gì?
- Đánh giá về bản thân và những đóng góp cho môi trường thì thực sự tôi chỉ là một hạt cát trong biển lớn.
Đến tuổi này, tôi không cảm thấy xẩu hổ vì tuổi trẻ của mình lớn lên, sống, làm việc luôn luôn nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó dù rất nhỏ nhưng bảo vệ được từng cái cây, từng cá thể động vật hoang dã; hoặc tìm hiểu để đề ra biện pháp gì đó tốt nhất cho con người trong một xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Dù rất nhỏ nhưng đến nay là gần 60 năm tôi nỗ lực đào tạo, nghiên cứu, phục vụ các giá trị của cộng đồng. Một số người nói tôi già rồi, làm việc làm gì cho mệt. Tôi lại nghĩ khác, nhiều lúc các Bộ, ngành hay các địa phương đề nghị tôi đi khảo sát về cây này, con này để có biện pháp bảo vệ và phát triển nó là tôi lên đường ngay. Nhiều lúc đi khảo sát phải tự bỏ tiền túi mà đi, về hưu rồi làm gì có chế độ nữa nhưng mỗi lần đi như thế mà làm được điều gì hữu ích, là tôi rất vui mừng.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!
(Báo Dân Việt)
Lượt xem : 1507