Góp ý sửa đổi Luật BVMT 2005. Bài 1. Chưa có Khái niệm Cộng đồng trong Luật 2005
9/25/2012 1:06:00 PM
Hiện nay Luật Bảo vệ Môi trường (2005) đang được xem xét sửa đổi. Bài này bước đầu thảo luận về cộng đồng trong Bảo vệ Môi trường.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
1. Luật BVMT (2005) – từ đây trở đi xin gọi tắt là Luật - có sử dụng thuật ngữ “cộng đồng” nhưng không giải thích trong điều 3 (Giải thích từ ngữ). Thuật ngữ “cộng đồng” có chỗ thì dùng, có chỗ thì thay bằng thuật ngữ khác. Trong Điều 2 (Đối tượng áp dụng) Luật sử dụng các cụm từ: đối tượng áp dụng luật là ”Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cách xác định này là không phân biệt mạch lạc giữa cộng đồng và những thành phần không thuộc cộng đồng vốn được xác định rất rõ trong quy trình quản lý môi trường của các nước phát triển. Một số thuật ngữ của Luật coi đối tượng áp dụng là : tổ chức, cá nhân (điều 17, 105, 128), cộng đồng dân cư (điều 4, 6, 20,21,23, 54), nhân dân, người lao động (điều 105), công dân (điều 107,128). Những thuật ngữ trên có nội hàm ít nhiều thể hiện cái gọi là cộng đồng, nhưng lại không nhất quán
2.Việc không xác định rõ nội hàm Cộng đồng cũng như mô hình quản lý môi trường 2 cực (chỉ gồm mối quan hệ 1 chiều giữa Chính quyền - nhà quản lý - và các tổ chức cá nhân còn lại – đối tượng của quản lý) khiến cho Luật vẫn chủ yếu áp dụng mô hình quản lý “Một chiều từ trên xuống” vốn phù hợp với nền Hành chính bao cấp, không phù hợp với các mô hình “Đồng quản lý” hay “Biến Quản lý thành Tự quản lý” của nền kinh tế Thị trường
3.Mô hình quản lý môi trường được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển trên thế giới coi trọng vị trí của “Cộng đồng”. Bởi lẽ các mô hình quản lý này luôn luôn phái dùng khái niệm “cộng đồng” như Quản lý trên cơ sở cộng đồng (Community – based Management), Sự tham gia của cộng đồng (Community Participation, Community Involvement), Phát triển cộng đồng (Community Development),…
Cộng đồng có rất nhiều nội hàm. Ở đây chúng ta chỉ xem xét nội hàm cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cộng đồng là “một nhóm công dân chung sống tại một khu vực địa lý, cùng chia sẻ một hệ thống giá trị, các nhu cầu và lợi ích chung” [i]. Theo khái niệm này thì “cộng đồng”, trên bình diện quản lý môi trường, là nhóm công dân trong xã hội không phải những người gây ô nhiễm (chủ yếu là Nhà sản xuất) cũng không phải nhà quản lý (Chính quyền) [ii]. Họ là thường dân, nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ - NGOs),… không nằm trong thành phần chính quyền cũng như không phải doanh nghiệp. Cái nhóm công dân ấy chịu sự ô nhiễm và suy thoái môi trường chủ yếu do các nhà sản xuất – doanh nghiệp - gây ra và chịu chung sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Họ có quyền lợi chung về môi trường, có trách nhiệm và sáng kiến trong bảo vệ môi trường.
Cộng đồng là 1 trong 3 cực của mô hình Tam giác của Quản lý môi trường là : “Chính quyền – Người gây ô nhiễm – Cộng đồng” (người chịu ô niễm). Như vậy khái niệm “cộng đồng” ít nhiều tướng ứng với khái niệm “xã hội dân sự”. Nói “ít nhiều“ vì “xã hội dân sự” không bao gồm thể chế gia đình, trong khi thể chế gia đình lại là một bộ phận quan trọng của cộng đồng.
Mô hình tam giác (3 chân kiềng) trong Bảo vệ Môi trường
4. Vậy có cần phải đưa khái niệm “cộng đồng” vào Luật sửa đổi không nếu chúng ta muốn hội nhập với thế giới ngay cả trong sự nghiệp Bảo vệ Môi trường ? Và quan trọng hơn là có cần coi cộng đồng là một trong các chủ thể của bảo vệ môi trường chứ không đơn giản chỉ là đối tượng bị quản lý như Luật 2005 quy định?
[i] What is a Community? Social Development Commission for the Government of Jamaica, October 1975
Lượt xem : 1439