Sáng 2-4, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo về đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến Năm 2030 và Tầm nhìn đến Năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch), dưới sự chủ trì của GS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và hiện là Chủ tịch Hội.
Đại diện PJJ thuyết trình về đồ án
Nhiều đại biểu đánh giá cao những mặt được của Quy hoạch, do Liên danh Tư vấn Quốc tế PPJ thiết kế. GS Lê Hồng Kế, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Môi trường&Quy hoạch Phát triển Bền vừng, nhận xét, cách triển khai đồ án quy hoạch của PPJ nhìn chung là hợp lý, đủ để phát triển được đô thị bền vững, trong đó có vấn đề tạo nhiều việc làm cho cư dân đô thị, có chiến lược phát triển bền vừng cho đô thị về mặt xã hội.
Ông Phan Đình Đại, nguyên Phó TGĐ Tổng Cty Sông Đà, chuyên gia về thuỷ điện, bày tỏ nhất trí về ý tưởng đồ án quy hoạch là tạo ra một Hà Nội xanh. Ông Trần Oanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường, còn đề xuất xây dựng trục đường trung tâm mà vẫn giữ nguyên tính chất, lẫn quy mô của đồ án.
Hoài nghi hàng lang xanh
Các nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra không ít thiếu sót trong Quy hoạch, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 5-2010, và xin ý kiến Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XII, khai mạc ngày 20-5 và dự kiến bế mạc ngày 26-6).
GS Lê Hồng Kế đề nghị nghiên cứu thêm một số điểm như việc quy hoạch không gian xanh thành phố cần hài hoà với việc chống lũ sông Hồng, phải đảm bảo thoát lũ, đảm bảo hàng lanh xanh theo đúng nghĩa.
Điểm yếu nhất trong đồ án quy hoạch, GS Kế là chưa thể hiện rõ được mối quan hệ các vùng lân cận với Hà Nội. “Diễn giải phần này còn quá mờ nhạt”. Ngoài ra, ông chưa thấy đặt rõ việc quy hoạch Hà Nội trong bối cảnh biến đổi khí hậu như thế nào. Hay việc cấp nước đô thị, bên PPJ đưa ra chỉ tiêu… quá bé, và quá lạc hậu.
Ông Phạm Hùng Cường, ĐH Quốc gia Hà Nội, lo ngại, nếu phát triển lõi đô thị ra vành đai 4, chắc chắn sẽ gây áp lực cho vành đai 3. Hơn nữa, trong đồ án chưa thấy thể hiện được cực trung tâm mới nào của Hà Nội. Việc phát triển vành đai vào cấu trúc hướng tâm thực sự bất lợi cho Hà Nội, sẽ gây sức ép cho trục chính và đường vành đai.
Theo ông Phan Đình Đại, riêng việc tạo hàng lang xanh dọc sông Hồng, sông Nhuệ như đồ án nêu ra là không thể làm được.
Ở đây, mới chỉ nghe nói về mục tiêu mà chưa nghe được báo cáo giải pháp để có được trục vành đai xanh, chưa thấy làm thế nào để hành lang xanh tạo điều kiện cho nhân dân có thể sinh sống tốt hơn ở trên đó mà không làm suy giảm chức năng xanh của hành lang xanh.
“Các nhà thiết kế nói đến quy hoạch hai bên sông Hồng, mà không thấy đưa ra giải pháp làm thế nào để vào mùa khô, khi mực nước sông đều xuống thấp, thậm chí thấp hơn miệng cống dẫn nước vào khu vực Hà Nội đến hàng mét, đảm bảo đủ nước cho hành lang xanh”, ông Đại thắc mắc. “Nếu không thể có nước thì môi trường sống, cây xanh của Hà Nội không thể có được chứ đừng nói tới vành đai xanh lên tới 70%”.
Vấn đề cần chỉnh trị sông Hồng thế nào để tạo mực nước ổn định cho cuộc sống và hành lang xanh thì không thấy tư vấn làm. “Nước là yếu tố quan trọng nhất của hành lang xanh. Không có giải pháp cho thuỷ lợi ở đây thì không thể thực hiện được điều đó”, ông Đại nhấn mạnh. Đấy là chưa kể, quy hoạch hai bên sông Hồng quên hẳn nói đến mối quan hệ với các vùng lân cận, chưa kể ô nhiễm tại Hà Nội không phải nhỏ nhưng không thấy đề cập đến trong đồ án.
Ông Lâm Quang Cường, chuyên gia về quy hoạch giao thông, còn cho rằng, phải đưa những vùng xung quanh Hà Nội vào quy hoạch. Về hành lang xanh, theo ông Cường, phải xác định được đâu là rừng phòng hộ, đâu là rừng đầu nguồn, đất canh tác. Đề cập đến hành lang xanh dọc sông Nhuệ, ông Cường cũng nghĩ khó có hành lang xanh, chỉ có thể hình thành các mảng cây xanh mà thôi.
Nguy cơ Bombay thứ hai
NGND.GS.TSKH Đinh Thế Bá, Chủ tịch Danh dự Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, thẳng thắn, chưa nước nào như Việt Nam có nhiều đơn vị nước ngoài giúp tư vấn làm quy hoạch nhiều vậy. Ở đây, đồ án không có đơn vị chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, không biết đây là quy hoạch vùng hay quy hoạch đô thị.
“Là người có thâm niên trong vấn đề quy hoạch, tôi không đọc được giải pháp nào cho giải quyết những bế tắc trong đồ án quy hoạch chung này. Trong quy hoạch, địa giới hành chính không quan trọng. Song cần làm rõ mô hình phát triển của thủ đô như thế nào, so sánh hiện trạng hiện nay và phân tích sâu. Thế mà đồ án lại thiếu cơ sở khoa học về hiện trạng chung, quá sơ sài”, GS Đinh Thế Bá băn khoăn. “Nhiều câu đưa ra dường như chỉ mang tính hô khẩu hiệu”.
Ông đề nghị nên có phân tích đánh giá những gì đã làm được ở Việt Nam, xác định trung tâm của Hà Nội ở đâu thì cơ cấu quy hoạch sẽ dựa vào đó để phát triển, chứ không thể làm một quy hoạch cho ba vị trí trung tâm khác nhau từ nay đến năm 2030 như đang thể hiện trong đồ án. “Ví dụ, khi xác định lấy Ba Đình làm trung tâm, quy hoạch sẽ khác. Khi ta dịch chuyển ra Mỹ Đình, rồi lên Hoà Lạc, Ba Vì, quy hoạch cũng sẽ phải khác”.
GS Bá cảnh báo, “không khéo quy hoạch xong ta sẽ thành Bombay thứ hai (một đô thị ở Ấn Độ, điển hình về quy hoạch bất hợp lý), và dân thì không thể sống được ở đó”.
Một chuyên gia đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chỉ ra bốn vấn đề trong đồ án như cấu trúc đô thị không rõ trên nền hiện trạng; trung tâm công cộng các cấp và mối liên kết vùng chưa thấy thể hiện; hoạt động dân sinh chưa được nói đến; và hệ thống các công trình ngầm cũng chưa thấy trong khi không gian ngầm, vốn là bản chất của đô thị hiện đại. Chuyên gia này cũng đề xuất nghiên cứu thêm về vùng đô thị lõi, và không lý gì phải lấy vành đai 3, 4 làm trung tâm.
Không nên gò ép thời gian
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, không thấy hình thức nào thừa kế quy hoạch cũ cả. Ông đề nghị cần đưa ra giải pháp thực hiện và quản lý quy hoạch. Đặc biệt, ông Hùng lưu ý, không nên gò ép thời gian hoàn thành đồ án này, và cần có tư vấn phản biện xã hội của các hội.
Chung tâm trạng ấy, ông Phạm Văn Tân, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), than phiền: “Chúng ta đang chạy maraton trong vấn đề làm quy hoạch”. Đồng quan điểm này, GS.TSKH Đinh Thế Bá kiến nghị không nên quá vội vã về vấn đề hạn chót để đồ án quy hoạch có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN, Khóa III (2009 - 2014): GS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Trong số các phó chủ tịch hội, có PGS. TS. Lưu Đức Hải, đương kim Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng