Vietnamese English
Góp ý Luật Bảo vệ & Phát triển rừng và Luật Thủy sản

9/14/2017 6:23:00 AM

Sáng 13/09/2017, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ & Phát triển rừng và Luật Thủy sản sửa đổi.


 

Về Luật Bảo vệ & Phát triển rừng (sửa đổi), dự thảo nêu rõ phát triển rừng sản xuất, khai thác, chế biến lâm sản phải bảo đảm cung ứng và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước với chủ rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; bảo đảm cho người làm nghề rừng sống chủ yếu bằng nghề rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.


Theo TS Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, một số điểm còn tồn tại giữa 3 Luật Đa dạng Sinh học, Luật Bảo vệ & Phát triển rừng và Luật Thủy sản như thiếu sự thống nhất trong chế độ quản lý, bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại nhiều văn bản khác nhau gây ra sự chồng chéo, khó áp dụng. Nhiều văn bản cùng quy định những nội dung liên quan đến quản lý sinh vật ngoại lainhưng đối tượng và nội dung quản lý thiếu nhất quán với Luật Đa dạng Sinh học, v.v…

Trên cơ sở góp ý cho dự thảo, TS Thanh Nhàn kiến nghị cần nhất thể hóa các quy định về tên gọi, phân loại, phân hạng khu bảo tồn; phân cấp các khu bảo tồn; thẩm quyền quyết định thành lập các khu bảo tồn; phân khu chức năng trong các hệ thống khu bảo tồn; chế độ quản lý các khu bảo tồn.

Góp ý xây dựng Luật Bảo vệ & Phát triển rừng, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên (bao gồm phân loại, ban quản lý và trình tự thành lập khu bảo tồn thiên nhiên) và chế độ quản lý, bảo vệ loài trong dự án Luật Bảo vệ & Phát triển rừng để thống nhất, đồng bộ và không chồng chéo với Luật Đa dạng Sinh học.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VACNE, đề xuất thêm 1 khoản mới: tiếp tục giao cho cộng đồng bản địa quản lý (đề nghị xem xét, bổ sung 1 điều mới về đồng quản lý) loại hình rừng tự nhiên hoặc đã bị thay đổi một phần, trong đó chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và văn hóa địa phương, đã được cộng đồng bản địa tự nguyện bảo tồn hiệu quả bằng tri thức bản địa.

Về Luật Thủy sản sửa đổi, Dự thảo nhấn mạnh: Đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; kết hợp hài hòa lợi ích và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan. Việc phát triển các lĩnh vực trong hoạt động thuỷ sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Thuỷ sản trong phạm vi cả nước và của từng địa phương.

Góp ý ch Luật Thủy sản sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe đề xuất bổ sung thêm khoản: Đưa các loài thủy sản nước ngoài chưa có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam vào nuôi trồng trong nước mà chưa có phép của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và chưa tiến hành nuôi khảo nghiệm theo quy định của pháp luật về giống cây trồng và vật nuôi.
 
Theo văn bản số 1819 công bố hiện trạng và số liệu diện tích rừng cả nước, tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 14.377.682 ha rừng. Trong đó: diện tích rừng tự nhiên là 10.242.141 ha; rừng trồng: 4.135.541 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước là 13.631.934 ha – độ che phủ tương ứng là 41,19%. Như vậy, so với năm 2015, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước đã tăng hơn 110.000 ha (tính đến ngày 31/12/2015, diện tích rừng để tính độ che phủ toàn quốc là hơn 13,520 triệu ha, độ che phủ là 40,84%).

 

Anh Tuấn (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 4183