Vietnamese English
Giữ “hồn quê” trong nông thôn mới

2/18/2020 7:23:00 AM

“Cơn lốc” đô thị hóa cùng những mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo, phong tục, tập quán ở các vùng nông thôn. Do vậy, những nỗ lực trong việc bảo tồn nét đẹp truyền thống, gìn giữ “hồn quê” trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng…


Cổng làng ở thôn La Thạch (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) mang nét kiến trúc riêng, gắn với văn hóa làng quê. Ảnh: Minh Tâm.

Bảo tồn không gian truyền thống

Cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km, chịu tác động không nhỏ của “cơn lốc” đô thị hóa, nhưng xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) vẫn giữ được không gian văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam như đình, chùa, giếng nước… Đặc biệt, trước cổng làng Canh Nậu còn giữ được Cầu Hóp hơn 200 năm tuổi. Gọi là cầu nhưng đây là công trình có hình dáng như một ngôi nhà với 12 cột đá, mái ngói uốn cong, bốn bề thoáng, nền lát gạch Bát Tràng... Đây là nơi người dân đi làm đồng tránh nắng, trú mưa, nghỉ chân trước khi về làng. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Canh Nậu Nguyễn Văn Toàn, Cầu Hóp chính là cái “hồn” của làng, nơi gắn bó với bao thế hệ người dân Canh Nậu. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2019, người dân đã đóng góp 500 triệu đồng tu sửa Cầu Hóp. Xã cũng đã quy hoạch khu vực Cầu Hóp, trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp cho nơi này.

Còn tại huyện Đan Phượng, gắn với xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện phong trào xây dựng cổng làng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, cùng với việc bảo tồn những cổng làng cổ, người dân trong huyện đã xây dựng khoảng 100 cổng làng mới. Mỗi cổng làng mang nét kiến trúc riêng, gắn với văn hóa từng địa phương, nhưng vẫn bảo đảm xe cứu hỏa, xe cấp cứu vào - ra thuận tiện. Những cổng làng Đông Khê (xã Đan Phượng), cổng Đông và cổng Tây làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà), cổng thôn Quý (xã Liên Hà), cổng thôn Trung, thôn Hạ (xã Liên Trung)… đã và đang góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của nông thôn mới Hà Nội.

Những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa kéo theo không ít hệ lụy cho các làng quê, do vậy, gìn giữ nét đẹp văn hóa làng cũng là góp phần bảo tồn bản sắc nông thôn Hà Nội. Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương của Hà Nội đã nỗ lực bảo tồn, tôn tạo không gian văn hóa của nông thôn truyền thống. Các xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), làng Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) và nhiều làng, xã khác vẫn giữ được những không gian văn hóa đặc trưng của mỗi miền quê...

Gìn giữ nét đẹp làng quê

Không chỉ cảnh quan của những làng quê, nhiều nét văn hóa đẹp ở nông thôn cũng được bảo tồn, lưu giữ. Tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), giữa “vòng xoáy” của cuộc sống hiện đại, người dân nơi đây vẫn duy trì được nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm chất làng xã. Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Lợi cho biết, là làng cổ nên xã có nhiều lễ hội, tục lệ cũ, việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên. Vào ngày giỗ của hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền và Thám hoa Giang Văn Minh, theo tục lệ, xã tổ chức nghi lễ, còn các hộ dân trong làng “góp giỗ”. Cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc. “Đây là một nét đẹp riêng có, gắn kết tình làng, nghĩa xóm” - ông Phan Văn Lợi tự hào nói.

Văn hóa làng làm nên nhiều nét đẹp truyền thống của người Việt. Đó là “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau”..., tạo nên sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết. Thời đại mở cửa, hội nhập, sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, giữa thành thị và nông thôn đang đặt ra không ít vấn đề trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Do vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 thường xuyên lưu ý các địa phương: Xây dựng nông thôn mới phải bám theo quy hoạch, nông thôn gắn kết hài hòa với đô thị và có chức năng bảo tồn cảnh quan, cân bằng sinh thái, tạo vành đai môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa...

Nhiều lần làm việc với cơ sở về chương trình xây dựng nông thôn mới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: “Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, ở hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn…”. Mỗi làng quê có phong tục, tập quán và những nét đẹp riêng. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi vùng, miền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Để làm tốt công tác này, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, cùng với việc trùng tu, tôn tạo di tích, các địa phương cần tăng cường xây dựng công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, làng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, luyện tập của nhân dân; đồng thời có giải pháp phù hợp gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp ở mỗi làng quê... 

Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, việc xây dựng những làng văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu chính là cách để giữ “hồn quê” trong nông thôn thời hiện đại.

Nguyễn Mai/HNM

Lượt xem : 2440