Cùng với cây quế, cây chè cũng là cây chủ lực trong chính sách phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã Hương Trà. Giữa đại ngàn Cà Đam hùng vĩ, người Cor ở địa phương gìn giữ rừng chè như báu vật. Nhiều cây chè trăm tuổi vỏ xù xì đứng giữa nắng gió đại ngàn, hòa cùng mây trắng sớm chiều. Lợi thế của vùng chè là được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát lạnh quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp. Đồng thời, trồng chè không tốn nhiều thời gian chăm sóc, hạn chế được thuốc trừ sâu, phân bón nên chi phí đầu tư thấp.
Theo người dân địa phương, rừng chè ở Cà Đam mọc tự nhiên từ trăm năm qua. Đời này qua đời khác, rồi người dân bứng cây con trồng nhân ra khắp vùng. Đến nay, rừng chè này rộng đến 110 ha, có hơn 250 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu được hưởng lợi.
Xã Hương Trà là xã vùng cao duy nhất ở Trà Bồng phát triển được cây chè. Ảnh: PA.
Xã Hương Trà là xã vùng cao duy nhất ở Trà Bồng phát triển được cây chè, tập trung nhiều ở thôn Trà Huynh và Trà Vân. Ban đầu, vùng này chỉ đủ khai thác để uống và sử dụng cho các gia đình ở các thôn và vùng lân cận. Dần dần chè khi người tiêu dùng ngày càng hướng về các sản phẩm thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, chè bẻ cành tại đây ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn. Người dân tại xã Hương Trà cho biết, so với cây keo, cây mì, chè có nguồn thu nhập cao hơn. Tranh thủ thời gian rảnh, bẻ chè là có tiền và có thức ăn hằng ngày.
Trong những năm gần đây, chè ở khu vực núi Cà Đam được thị trường rất ưa chuộng nên giá thương lái thu mua khá cao. Trung bình mỗi hecta chè ở Trà Vân có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Kết quả nghiên cứu về cây chè trên dãy Cà Đam cho thấy, do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở thôn Trà Vân có hương vị thanh, nhẹ, màu sắc sóng sánh như mật ong.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương. Ảnh: HP.
Với những giá trị từ rừng chè cổ thụ, việc tiến hành quy hoạch vùng chè, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư và có hướng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây chè là cần thiết. Ngành Nông nghiệp huyện Trà Bồng cho biết, qua đánh giá sản lượng, trung bình mỗi năm vùng chè tại xã Hương Trà thu hoạch khoảng 300 tấn nhưng giá bán ra thị trường vẫn còn thấp. Hiện nay, tỉnh đã đánh giá chè là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp để về đầu tư, hình thành các sản phẩm sau chế biến. Hiện nay đã có doanh nghiệp thấy được tiềm năng, lợi thế từ lá chè và cũng đưa ra những định hướng phát triển các sản phẩm. Hiện cây chè ở Cà Đam cũng đã có chỉ dẫn địa lý. UBND huyện cũng đang cho phép doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư phát triển rừng chè theo hướng chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ.
Phương Hà